Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành chính sách đặc thù, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất
Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014, trong đó tiếp tục kế thừa, luật hóa những quy định còn phù hợp của Luật Đất đai năm 2003, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập của Luật Đất đai năm 2003.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, áp dụng Luật Đất đai năm 2013 về thu hồi đất và giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc nhất định mà Luật Đất đai chưa đề cập đến, trong khi đó việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội được phê duyệt không thể chậm trễ. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho nhân dân, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành chính sách đặc thù, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất trên đia bàn tỉnh Lào Cai.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XV, đã ban hành Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND, ngày 09/4/2021 về Quy định một số chính sách đặc thù, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Là nghị quyết ban hành chính sách đặc thù nên người dân thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị quyết khi thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng được nhận một khoản kinh phí hỗ trợ thêm từ ngân sách tỉnh, ngoài chính sách đã được quy định tại các Điều từ Điều 19 đến Điều 24 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ cụ thể hóa các quy định của Luật Đất đai năm 2013 về Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái đinh cư khi nhà nước có thu hồi đất. Đối tượng được hỗ trợ chính sách đặc thù nghị quyết quy định là hộ người có công với cách mạng và hộ nghèo, khi Nhà nước thu hồi đất ở, đủ điều kiện được bồi thường về đất ở và phải di chuyển chỗ ở, trong đó chính sách quy định cụ thể về đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ, nội dung hỗ trợ cho từng đối tượng như: Hộ gia đình có đối tượng là người hoạt đng cách mạng trước tháng Tám năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thân nhân liệt sĩ (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi); thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, được hỗ trợ 5.000.000 đồng/hộ (năm triệu đồng/hộ). Hộ gia đình có đối tượng là người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 81%, được hỗ trợ 3.000.000 đồng/hộ (ba triệu đồng/hộ). Trường hợp trong một hộ gia đình có nhiều đối tượng thuộc quy định được hỗ trợ thì chỉ được hưởng mức hỗ trợ của đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất. Hộ gia đình thuộc diện nghèo theo tiêu chuẩn nghèo do Chính phủ quy định theo từng giai đoạn khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất ở, đủ điều kiện bồi thường về đất ở và phải di chuyển chỗ ở, được hỗ trợ 2.000.000 đồng/hộ (hai triệu đồng/hộ). Hỗ trợ ổn định đời sống: Chính sách quy định hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước chỉ thu hồi đất ở, đủ điều kiện bồi thường về đất ở phải di chuyển chỗ ở mà không còn chỗ ở nào khác, (trường hợp không bị thu hồi đất nông nghiệp) thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 06 tháng, mức hỗ trợ 600.000 đồng/01 tháng/01 nhân khẩu. Hỗ trợ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất, phải di chuyển chỗ ở, đủ điều kiện giao đất ở nhưng tại thời điểm thu hồi đất chưa được giao đất ở, được nghị quyết quy định thành 02 mức hỗ trợ, đó là: Đối với các hộ gia đình, thuộc các phường trên địa bàn thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa (là các vùng có giá thuê nhà cao hơn), thuộc hộ có dưới 6 nhân khẩu được hỗ trợ 2.500.000 đồng/tháng/hộ; hộ có từ 06 nhân khẩu trở lên được hỗ trợ 3.000.000 đồng/tháng/hộ; các khu vực còn lại, hộ có dưới 6 khẩu được hỗ trợ 2.000.000đồng/tháng/hộ; hộ có từ 6 khẩu trở lên được hỗ trợ 2.500.000 đồng/tháng/hộ. Thời gian hỗ trợ được tính từ thời điểm các hộ gia đình, cá nhân bàn giao mặt bằng đến khi nhận đất tái định cư có đầy đủ cơ sở hạ tầng để đủ điều kiện làm nhà ở, nhưng tối đa không quá 12 tháng. Hỗ trợ tài sản là nhà, công trình xây dựng khác trên đất khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định của Luật Đất đai, được hỗ trợ theo các mức thời gian cụ thể và mức hỗ trợ được nghị quyết quy định hỗ trợ từ 40% đến 80% mức bồi thường của các trường hợp đủ điều kiện được bồi thường và nghị quyết cũng quy định tuyệt đối không hỗ trợ đối với các trường hợp thuộc đối tượng cố tình vi phạm quy định về Luật Đất đai mà trước đó đã bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm. Căn cứ vào việc thực hiện các dự án về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến có khoảng 4.200 hộ nằm trong diện thực hiện các dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh được hưởng chính sách và kinh phí dự kiến chi khoảng 59.700 triệu đồng/năm.

Như vậy, Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND, ngày 09/4/2021 của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách đặc thù, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Lào Cai, được ban hành đã tạo điều kiện cho việc thi hành pháp luật đất đai về thực hiện các dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng có liên quan đến người dân mà vướng mắc trong những năm qua đã được tháo gỡ, tránh được tình trạng hộ gia đình chính sách, hộ nghèo không có giấy chứng nhận hợp pháp về đất đai khi thực hiện các dự án về giải phóng mặt bằng khó thực hiện dẫn đến người dân không hợp tác bàn giao mặt bằng, làm chậm đến tiến độ dự án. Để nghị quyết được thực thi có hiệu quả, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành tài nguyên môi trường và UBND các xã, phường, thị trấn nơi có kế hoạch thực hiện các dự án thu hồi đất để thực hiện các dự án về phát triển triển kinh tế - xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến nhân dân về nội dung nghị quyết, để nhân dân hiểu, chấp hành thực hiện. Tăng cường công tác giám sát của đại biểu HĐND các cấp trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết, đặc biệt là giám sát việc thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án, việc xây dựng các khu tái định cư cho nhân dân di chuyển, đảm bảo các khu tái định cư được xây dựng trước để người dân di chuyển đến nơi ở mới, đảm bảo nghị quyết được thực hiện theo đúng quy định, trình tự, tránh lợi dụng nghị quyết để hỗ trợ không đúng đối tượng hoặc hỗ trợ không đầy đủ hoặc dự án tái định cư thực hiện không kịp thời, dẫn đến hết thời gian hỗ trợ chính sách nhưng người dân chưa nhận được đất để di chuyển đến nơi ở mới.

Hà Thị Thiệp

 Nguyên Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh
Tin khác




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập