Định hướng phát triển và nâng cao chất lượng đô thị tỉnh Lào Cai
Trong những năm gần đây diện mạo các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Lào Cai ngày càng được trú trọng đầu tư xây dựng đáp ứng ngày càng cao hơn, toàn diện hơn những yêu cầu của dân cư về cảnh quan và không gian. Vì vậy nâng cao chất lượng các khu đô thị trên địa bàn toàn tỉnh là thực sự cần thiết vừa bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật vừacòn đẹp về kiến trúc, cảnh quan và các dịch vụ cung ứng, đáp ứng nhu cầu của người dân.

 Lào Cai sau gần 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh với những chủ trương, quan điểm, định hướng đúng đắn, sát thực tế, sự năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; sự quyết tâm phấn đấu nỗ lực của các cấp, các ngành cùng với sự ủng hộ của Trung ương, các tổ chức kinh tế, nên công tác phát triển đô thị tỉnh Lào Cai đã đạt được những kết quả quan trọng; phát triển đô thị đã trở thành nền tảng và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ đô thị hoá trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt 26%, bằng 67,5% so với cả nước (38,5%). Đến 2020 tỉnh có 10 đô thị được công nhận gồm: 01 đô thị loại II (thành phố Lào Cai); 01 đô thị loại IV (trung tâm thị xã Sa Pa) và 08 đô thị loại V gồm: Phố Lu, Tằng Loỏng, Bắc Hà, Phố Ràng, Khánh Yên, Mường Khương, Si Ma Cai, Bát Xát.

Sự phát triển mạnh mẽ của các khu đô thị mới đã cơ bản đáp ứng nhu cầu về chỗ ở và hạ tầng đô thị. Tuy nhiên thực tế cho thấy, chất lượng đô thị chưa cao, phát triển chưa bền vững cần phải có một chiến lược dài hạn và thích ứng với quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và đất nước trong thời gian tới. Công tác phát triển mạng lưới đô thị trên địa bàn tỉnh hiện nay cơ bản giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại và bất cập trong quá trình phát triển của tỉnh. Song do nguồn lực còn hạn chế, một số nội dung triển khai thực hiện chưa thực sự phù hợp và phát huy tốt hiệu quả, cùng với việc có nhiều thay đổi trong quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng và đầu tư... Để phát triển nâng cao chất lượng đô thị trên địa bàn, tỉnh Lào Cai đã đưa ra một số nhiệm vụ,  giải pháp trong xây dựng và quản lý đô thị, cụ thể là:

Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các đô thị, tập trung phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh, bền vững, đô thị có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại và khả năng kết nối tốt; có môi trường và chất lượng sống tốt hơn; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vị thế xứng đáng, tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, vùng tỉnh và cả nước. Bảo đảm việc quy hoạch và phát triển đô thị hỗ trợ tích cực cho việc phân bố lực lượng sản xuất giữa các vùng trong tỉnh; phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa tăng bình quân t 2,0%/năm trở lên.

Tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp các đô thị, các công trình giao thông trọng điểm thông qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; đấu giá các phần diện tích đất nhà nước quản lý, dự kiến đến năm 2025 sẽ tạo ra khoảng 898 ha đất, dự kiến thu được khoảng 15.000 tỷ đồng. Tiếp tục kêu gọi đầu tư đối với các dự án có tiềm năng như: Các dự án phát triển đô thị, các dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án nhà ở, các dự án du lịch và một số các dự án tiềm năng khác trên địa bàn.

Thường xuyên rà soát tổng thể về quy hoạch nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tính gắn kết nhiều với quy hoạch vùng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư của tỉnh; mặt khác, làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế. Kịp thời rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy trình lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch kiến trúc, đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong việc phối hợp với thực hiện quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch đô thị, đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, có tính toán các nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn.

Nâng cao nhận thức của lãnh đạo các địa phương về công tác lập và thực hiện quy hoạch; quản lý đô thị cùng với việc thường xuyên kiểm tra chất lượng tư vấn lập quy hoạch để có định hướng đào tạo nguồn nhân lực. Tăng cường xã hội hóa công tác lập quy hoạch, đồng thời khuyến khích việc thuê tư vấn nước ngoài xây dựng ý tưởng đối với những quy hoạch quan trọng. Vận dụng, lồng ghép các ý tưởng, tiêu chí về phát triển đô thị xanh bền vững, đô thị thông minh trong các đồ án quy hoạch. Phát huy vai trò của cộng đồng và sự tham gia của người dân trong quản lý quy hoạch, đô thị.

Tăng cường quản lý tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư, các dự án có yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển các lĩnh vực trong đô thị, đặc biệt thúc đẩy thực hiện hình thức hợp tác công tư (PPP) nhằm tạo bước đột phá về huy động nguồn vốn. Đầu tư, quản lý kết cấu hạ tầng với mục tiêu bảo vệ môi trường và có khả năng chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu, ngầm hóa hệ thống đường dây dẫn điện, thông tin liên lạc. Thực hiện quản lý phân vùng theo chương trình, khu vực phát triển đô thị được phê duyệt. Đầu tư phát triển hệ thống giao thông và vận tải công cộng đảm bảo kết nối giữa các đô thị; lập và triển khai kế hoạch ngầm hóa hệ thống đường điện, cáp thông tin; lập quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước; đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước thải; Phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thại đạt tiêu chuẩn 3R; tổ chức di chuyển, thu gom các nghĩa trang nhỏ lẻ đưa về nghĩa trang tập trung; khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng; quản lý tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khí phát thải nhà kính.

 Nếu so sánh mức độ tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện nay là 26% (so với các tỉnh lân cận như: Lai Châu là 17,82%; Sơn La là 13,85%; Yên Bái là 19,80%; Hà Giang 15,85%), dân số đô thị khoảng 195.000 người; tỉnh Lào Cai sẽ có nhiều bước đột phá trong phát triển và nâng cao chất lượng đô thị trong những năm tới, đặc biệt là việc xây dựng thành công khu du lịch quốc gia Sa Pa, khu du lịch Y Tý - Bát Xát và một số điểm du lịch hấp dẫn khác trong tỉnh; cùng với việc mở rộng hợp tác với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; định hướng của quốc gia trong việc xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm vùng, đầu mối hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, thì các đô thị của Lào Cai trong những năm tới sẽ phát triển theo hướng bền vững và nâng cao chất lượng đô thị. Một số đô thị sẽ có khả năng bứt phá và phát triển mạnh mẽ như: thành phố Lào Cai sẽ đạt đô thị loại I; thị xã Sa Pa hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại III để tiến tới thành lập thành phố Sa Pa; đô thị Phố Lu, Bắc Hà sẽ đạt loại IV; Y Tý - Bát Xát, Võ Lao - Văn Bàn và Bảo Hà sẽ có thể trở thành đô thị loại V. Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh, khu du lịch quốc gia Sa Pa sẽ được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt; các khu du lịch Bát Xát, Bắc Hà cũng sẽ được tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư.

Với quan điểm từ đô thị hóa đến thành phố xanh, thông minh và bền vững, những năm qua tỉnh Lào Cai đã đặc biệt quan tâm đến phát triển và nâng cao chất lượng các đô thị. Nhiều đô mới được hình thành đúng với định hướng, chương trình phát triển; chất lượng các đô thị không ngừng được nâng cao, nhất là các đô thị có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, qua đó đã khẳng định được tầm quan trọng của phát triển đô thị trong việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của mỗi địa phương và của cả tỉnh.

 Trần Xuân Thảo

Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh

Tin khác




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập