Đại biểu thảo luận sôi nổi tại kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI
Sáng ngày 08/12/2021, đại biểu HĐND tỉnh của 9 huyện, thị xã, thành phố đã thảo luận sôi nổi tại hội trường dưới sự chủ trì của các đồng chí Vũ Xuân Cường - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Vũ Văn Cài, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Lý Bình Minh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phiên thảo luận tại kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa XVI

Tại Hội trường, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận một số vấn đề liên quan đến việc kéo dài chính sách hỗ trợ cho học sinh; đặt tên đường, phố trên địa bàn huyện Si Ma Cai; đẩy nhanh tiến độ chuẩn hóa hồ sơ địa chính; xử lý ô nhiễm môi trường Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng; đánh giá chính sách về nông nghiệp; điều chỉnh mức hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng; điều chỉnh bảng giá đất; quy hoạch treo tại Sa Pa; công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường tại các khu công nghiệp; công tác trồng rừng…

Đại biểu Thào Thị Lan, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Mường Khương

Đại biểu Thào Thị Lan, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Mường Khương nêu thực trạng: Mường Khương là huyện nghèo với tỷ lệ hộ nghèo rất cao; huyện có 16 xã, thị trấn với 05 xã đã về đích nông thôn mới. Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách đặc thù phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 về tiếp tục hỗ trợ học sinh các xã khu vực II, III hoàn thành nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên việc hỗ trợ chỉ kéo dài và dừng lại 9 tháng của năm học 2021 - 2022; đồng nghĩa là sẽ kết thúc sự hỗ trợ vào ngày 31/5/2021. Khi kết thúc sự hỗ trợ trên, các xã đã về đích nông thôn mới sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ chuyên cần, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp. Đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục kéo dài chính sách hỗ trợ học sinh hoặc ban hành chính sách mới để hỗ trợ cho học học sinh, thuộc đối tượng nêu trên.

Đại biểu Trẩn Văn Kình, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Si Ma Cai

Đại biểu Trẩn Văn Kình, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Si Ma Cai nêu nội dung liên quan đến việc đặt tên đường phố huyện Si Ma Cai. Huyện Si Ma Cai là huyện vùng cao, biên giới, là địa phương có trung tâm huyện lỵ được công nhận là thị trấn muộn nhất tỉnh. Việc đặt tên đường, phố tại thị trấn, nhất là tên các danh nhân có ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa văn hóa rất lớn; cử tri huyện Si Ma Cai mong muốn được giữ nguyên tên 06 đường, phố như Tờ trình của UBND tỉnh. Đại biểu Trẩn Văn Kình cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị tư vấn phối hợp với UBND các xã đẩy nhanh tiến độ rà soát lại thực địa, hoàn thiện hồ sơ theo đúng hiện trạng sử dụng đất của các hộ gia đình, bổ sung phần hồ sơ còn thiếu và sớm bàn giao cho huyện, xã trong thời gian sớm nhất (hiện còn 05 xã chưa hoàn thành, bàn giao).

Đại biểu Lý Thị Thương, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Thắng

Đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Thắng Lý Thị Thương đề cập tới vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái. Theo đại biểu, thời gian qua tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp chỉ đạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng), trong đó có việc yêu cầu doanh nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc online khí thải. Cử tri và Nhân dân huyện Bảo Thắng mong muốn được các cấp, ngành, doanh nghiệp hướng dẫn quy trình khai thác thông tin, theo dõi, giám sát kết quả quan trắc online lắp đặt tại cơ sở sản xuất công nghiệp để hoạt động bảo vệ môi trường có hiệu quả cao hơn, minh bạch hơn. Liên quan đến Khu công nghiệp Tằng Loỏng, đại biểu Lý Thị Thương còn nêu việc thi công Dự án nâng cấp Tỉnh lộ 151 đoạn từ Ngã ba Xuân Giao đến đường nối Quý Sa (thị trấn Tằng Loỏng) chỉ khoảng 3km nhưng tiến độ rất chậm, gây bức xúc cộng hưởng trong Nhân dân. Việc di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng đang chậm và có nhiều khó khăn.

Đại biểu Trần Thị Hằng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Văn Bàn

Tham gia thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Trần Thị Hằng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Văn Bàn cho biết: Ngày 4/12/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tại Báo cáo số 569/BC-UBND ngày 26/11/2021 của UBND tỉnh đánh giá thực hiện Nghị quyết này có nêu con số 18/21 nội dung chính sách đã được tổ chức, cá nhân tiếp cận cho thấy sự tích cực của các cấp, ngành trong triển khai Nghị quyết. Tuy nhiên, trong số nội dung đã được tiếp cận, đăng ký có chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay và hỗ trợ tích tụ đất đai được đánh giá là rào cản, khó khăn cho các đối tượng tiếp cận chính sách. Đây chính là băn khoăn lớn nhất của cử tri và người dân trên địa bàn huyện Văn Bàn khi tiếp cận Nghị quyết 26/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Đại biểu Trần Thị Hằng cũng đề cập đến việc triển khai thực hiện phát triển cây dược liệu, cây ăn quả, cây trồng chủ lực thông qua các mô hình, dự án được UBND tỉnh đánh giá tại Báo cáo số 569/BC-UBND là “chưa đáp ứng được yêu cầu về điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, điều kiện hỗ trợ”.

Đại biểu Đào Văn Hường, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bát Xát

Đại biểu Đào Văn Hường, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bát Xát đề nghị xem xét điều chỉnh đối với mức hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho các dự án đầu tư tại xác xã khu vực I, II, III; đồng thời nêu khó khăn trong việc quy định từ 50ha trở lên gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị khó thực hiện đối với Bát Xát và đề nghị xây dựng chính sách đảm bảo hài hòa để học sinh cùng một trường trên địa bàn ở bán trú được các chính sách hỗ trợ tương đồng.

Đại biểu Vù A Giàng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thị xã Sa Pa

Đại biểu Vù A Giàng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thị xã Sa Pa đề cập hiện trên địa bàn đang có nhiều quy hoạch dự án đầu tư treo nhiều tháng, năm, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân trên địa bàn. Điển hình như Dự án Công viên văn hóa Mường Hoa (năm 2013), Dự án Đông Bắc (năm 2017), Dự án khu Tây Bắc… Đại biểu Vù A Giàng cũng thắc mắc việc tổng hợp việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa sát với thực tế, một số ý kiến chưa được giải quyết nhưng báo cáo đã hoàn thành là chưa thỏa đáng. Đồng thời đề cập đến việc điều chỉnh giá đất trên địa bàn thị xã chưa tiệm cận thực tế và chưa đúng với Nghị định số 44/2012/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Thủ tướng Chính phủ khiến việc triển khai các dự án đầu tư, công tác quản lý của thị xã gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.

Đại biểu Phạm Ngân Hà, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai

Đại diện Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai, đại biểu Phạm Ngân Hà kiến nghị các cấp, ngành sớm giải quyết dứt điểm các ý kiến của cử tri trên địa bàn; điển hình như việc 8 hộ dân tại Khu tái định Hồng Hà, xã Vạn Hòa kiến nghị liên quan 9 lô đất theo nội dung kết luận của cơ quan thanh tra tại đường Khánh Yên - Vạn Hòa đã kéo dài từ năm 2014 đến nay. Trong phiên thảo luận sáng 08/12, đại biểu Phạm Ngân Hà cũng đề cập đến các ý kiến còn kéo dài khác như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 29 hộ dân liên quan đến Dự án lõi đất Công ty Phượng Anh làm chủ đầu tư; giao đất tại khu đất lõi ngõ Lê Quý Đôn, tổ 38, phường Cốc Lếu…

Đại biểu Hà Thị Khánh Nguyệt, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Yên

Tiếp tục thảo luận tại Kỳ họp, đại biểu Hà Thị Khánh Nguyệt - Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Yên đề nghị UBND tỉnh cần đánh giá bổ sung báo cáo tác động công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp và đề xuất một số nội dung liên quan đến việc cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Lào Cai cũng như các Qũy tài chính nhà nước ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Hà Tất Định - Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bắc Hà

Đại biểu Hà Tất Định, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bắc Hà nêu: Hiện tại các xã vùng thấp của huyện Bắc Hà đa số người dân đã chuyển đổi đất nương đồi sang trồng quế, kéo theo đó là tình trạng xâm hại theo kiểu “gặm nhấm” rừng và đất rừng để trồng quế diễn ra ở một số nơi, chưa được giải quyết dứt điểm dù huyện đã có nhiều giải pháp tích cực. Năm 2022 tỉnh giao chỉ tiêu cho huyện trồng 1.000 ha rừng,  đề nghị tỉnh giao chỉ tiêu trồng mới rừng sản xuất theo chính sách trồng rừng thay thế nương rẫy trên diện tích 300 ha bố trí kinh phí để trồng rừng sản xuất ở các xã vùng cao; việc phân bổ nguồn lực cần thực hiện sớm để đáp ứng mùa vụ. Đại biểu cũng nêu việc tiêu thụ nông sản của người dân huyện Bắc Hà đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có cây dược liệu như actiso, đương quy, cát cánh… và cả sản phẩm chăn nuôi như trâu, bò; do ảnh hưởng dịch bệnh nên các doanh nghiệp đang nợ người dân khi thu mua nguyên liệu đến hơn 1 tỷ đồng. Do vậy, đề nghị giảm chỉ tiêu kế hoạch giao về diện tích trồng cây dược liệu năm 2022 phù hợp với tình hình tiêu thụ sản phẩm hiện nay.

Đồng chí Vũ Văn Cài, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia của đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI tại phiên thảo luận

Phiên thảo luận sáng ngày 08/12 có 55 ý kiến, trong đó có 9 ý kiến đại diện 9 tổ đại biểu HĐNĐ tỉnh tại các huyện, thị xã, thành phố trình bày trực tiếp tại Hội trường. Thường trực HĐND tỉnh tiếp thu đầy đủ toàn bộ các ý kiến tham gia của đại biểu và tổng hợp, đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét trả lời, giải quyết nội dung đại biểu HĐND tỉnh nêu tại kỳ họp.

BBT

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập