Đại biểu Quốc hội Hà Đức Minh phát biểu tại Phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19
Ngày 09/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024.

Phát biểu tại phiên thảo luận, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vào chiều ngày 09/11, đại diện cho Đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu Hà Đức Minh phát biểu trực tiếp tại hội trường với hiến kế phục hồi nền kinh tế thông qua 2 giải pháp tăng mức bội chi ngân sách và nới trần nợ công... Sau gần hai năm bùng phát, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo với sự xuất hiện các biến chủng mới có khả năng lây nhiễm mạnh hơn... Để tăng tính chủ động, dự báo, dự đoán trước tình hình, từ đó có các kế hoạch, chiến lược mang tính lâu dài, bền vững chúng ta cần phải đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng các tác động và mức độ ảnh hưởng của chính sách đã và đang thực hiện trong phòng, chống Covid-19... Để rồi từ đó đưa ra các gói kích thích kinh tế để lớn, đủ rộng trong khoảng thời gian đủ dài để đạt được các mục tiêu, theo đại biểu Hà Đức Minh, có 5 mục tiêu cần đạt được đó là: (1) Linh hoạt các phương án phòng, chống và kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, nâng cao khả năng chữa trị bệnh cho hệ thống y tế; (2) bảo đảm việc làm cho người dân và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; (3) khởi động lại các hoạt động kinh tế sau phong tỏa, giãn cách; (4) xây dựng lại một cấu trúc kinh tế có khả năng chống chịu tốt trước thảm họa; (5) tăng cường khả năng đối phó với các thảm họa trong tương lai.

Đại biểu Quốc hội Hà Đức Minh phát biểu tại Phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19

Để hiện thực hóa 05 mục tiêu nêu trên, ngoài yếu tố về ý chí và tinh thần quyết tâm thì yếu tố về nguồn lực là tiên quyết. Tuy nhiên, nền kinh tế của chúng ta đang phải chịu tác động rất lớn bởi sự bùng phát của dịch Covid-19 kể từ cuối tháng 4/2021, năng lực chống chịu của nền kinh tế thì có hạn, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì cú sốc đối với tăng trưởng và tính ổn định của nền kinh tế sẽ rất khó lường thời gian tới. Theo số liệu thống kê, đến tháng 8/2021, 57/63 địa phương đã sử dụng hết nguồn dự phòng ngân sách địa phương, 8/63 địa phương đã sử dụng tối đa 70% số dư quỹ dự trữ tài chính, trong khi nhu cầu kinh phí dự kiến thời gian tới còn rất lớn, vì vậy, ngoài các nguồn lực hiện nay, tôi mạnh dạn đề xuất với Quốc hội 02 nội dung có thể tham khảo áp dụng trong ngay trong thời điểm hiện tại để có thêm nguồn lực thực hiện đó là:

Thứ nhất: Tăng thêm mức bội chi ngân sách. Hiện nay, bội chi NSNN năm 2021 là gần 344 nghìn tỷ đồng, bằng 4%GDP; dự kiến phương án đang trình ra Quốc hội năm 2022 là gần 373 nghìn tỷ (tăng 29 nghìn tỷ) cũng bằng khoảng 4%GDP. Trong khi đó tổng chi đầu tư phát triển năm 2022 dự kiến tối thiểu là 526 nghìn tỷ (NSĐP là 304 nghìn tỷ; NSTW là 222 nghìn tỷ) do các địa phương thường giao tăng chi đầu tư phát triển so TW giao, như vậy dư địa bội chi theo luật NSNN là còn khoảng ít nhất là 153 nghìn tỷ (quy định của Luật NSNN thì tổng chi đầu tư phát triển phải lớn hơn bội chi NSNN). Vì vậy, đề nghị Quốc hội nghiên cứu xem xét tăng bội chi ngân sách thêm khoảng 100 nghìn tỷ để có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu nêu trên mà ngân sách nhà nước vẫn được giữ trong giới hạn an toàn.

Việc tăng bội chi ngân sách nên thực hiện ngắn hạn 03 năm 2022 - 2024 và cần phải đặt trong chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, nâng cao năng lực nội tại.

Thứ hai: Thực hiện nới nợ công. Tại Việt Nam, trần nợ công quy định ở mức khoảng 60% GDP, nhưng trên thực tế chúng ta chỉ mới đạt khoảng 44-45% GDP, như vậy là hoàn toàn có thể nới nợ công để có thể tiếp tục huy động vốn phục vụ cho quá trình vừa chống dịch vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân (theo phương án trình ra Quốc hội thì đến cuối năm 2022 nợ công khoảng 42-44%GDP), cụ thể là nên đẩy mạnh các công cụ vay nợ trong bối cảnh mặt bằng lãi xuất còn thấp như hiện nay, như vậy chi phí vay nợ không cao, không gây áp lực lớn về dài hạn. Do đó tôi đề nghị Quốc hội xem xét nới nợ công lên khoảng 50-52% GDP (theo quy định ngưỡng cảnh báo là 55% GDP) và việc nới nợ công này có thể kéo dài khoảng 3 năm để xem xét những diễn biến tiếp theo của đại dịch Covid-19 cũng như biến động trong nền kinh tế vĩ mô.

Về phần các địa phương, do nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài là nguồn vốn tương đối quan trọng, nhất là đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, giảm dần sự chênh lệch giữa các vùng, miền. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội nên xem xét tăng hạn mức dư nợ vay của địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên của ngân sách địa phương từ 20% (theo quy định của Luật NSNN) lên 30% số thu được hưởng theo phân cấp để đảm bảo trần nợ công theo kế hoạch vay và trả nợ giai đoạn 2021-2025.

Đào Lê Huy

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập