Một số giải pháp thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai 6 tháng cuối năm 2022
Trong sáu tháng đầu năm, việc triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh, điều kiện hết sức khó khăn, cả nước nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng vẫn phải chịu ảnh hưởng từ dịch Covid -19 và tác động của thiên tai, của cơ chế giá thị trường nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; tiến độ thi công các dự án; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu nhiều lúc bị gián đoạn, ngừng trệ. Nhưng với định hướng, chủ trương, biện pháp kịp thời của Đảng bộ tỉnh, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nhất là công tác chỉ đạo kịp thời, điều hành linh hoạt, các giải pháp hiệu quả của UBND tỉnh cho nên có nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng so với cùng kỳ. 

Ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, công tác điều hành của tỉnh tiếp tục có nhiều đổi mới, năng động, quyết liệt. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành phối hợp với UBND cấp huyện rà soát, xác định danh mục các dự án đầu tư để triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, xác định danh mục các dự án thuộc 03 chương trình mục tiêu quốc gia để cân đối nguồn lực, đảm bảo thực hiện có kế hoạch và hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,14%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 48,3% dự toán và đảm bảo cân đối nguồn cho các nhiệm vụ chi; sản xuất nông nghiệp đảm bảo khung thời vụ; giá trị sản xuất ngành luyện đồng, thủy điện tăng cao so với cùng kỳ. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid19 được kịp thời. UBND tỉnh đã rất quyết liệt, cố gắng trong chỉ đạo triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay đã hoàn thành khâu lập kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 theo đúng quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ...  Tuy nhiên do những khó khăn như giá xăng dầu tăng; chính sách dừng xuất nhập khẩu từ phía Trung Quốc; tình trạng thiếu nguyên vật liệu, thiết bị phục vụ sản xuất; giá vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng;... nên vẫn còn một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng giảm so với cùng kỳ và đạt thấp so với kế hoạch năm như: Giá trị xuất nhập khẩu đạt 23,6% kế hoạch và bằng 51,4% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 39,3% kế hoạch và bằng 90,5% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành phân bón, hóa chất đạt 34% kế hoạch và bằng 60% so với cùng kỳ; Việc tổ chức thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 còn bộc lộ một số hạn chế như: Công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án chậm, còn phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều. Tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công chậm, mới đạt 22,5%. Tiến độ xây dựng một số dự án sử dụng vốn đầu tư công rất chậm, điển hình như các dự án: Cầu Phú Thịnh, Cầu Bản Vược, quy hoạch chi tiết khu kinh tế cửa khẩu, quy hoạch phân khu du lịch Y Tý, … Việc triển thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tuy các cấp, các ngành đã rất cố gắng nhưng còn nhiều vướng mắc, có sự lúng túng từ khâu hướng dẫn của các cơ quan chủ trì chương trình, sự vào cuộc của chính quyền ở cơ sở và khó khăn trong việc huy động nguồn lực từ cộng đồng; Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng và thiếu vốn, khó khăn trong phục hồi sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, không cân đối được tài chính để thực hiện nghĩa vụ đóng góp các khoản thuế, phí cho ngân sách nhà nước; Việc triển khai thực hiện các dự án thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đạt được tiến độ theo kế hoạch. Một số dự án của các nhà đầu tư chiến lược chậm tiến độ như: Dự án trung tâm hành chính mới thị xã Sa Pa, công viên vui chơi giải trí huyện Bát Xát, nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại tại xã Phú Nhuận huyện Bảo Thắng,...; Vấn đề ô nhiễm môi trường và di chuyển dân cư tại khu công nghiệp Tằng Loỏng chưa được giải quyết dứt điểm, bãi thải gyps (bã thải Phosphgypsum độc hại) của Công ty DAP số 2 đã quá tải chưa có phương án xử lý, còn xảy ra sự cố về môi trường gây bức xúc trong nhân dân như sự cố dò rỉ axít của nhà máy DAP số 2 ngày 24/5/2022; sự cố tràn dầu ra suối Mã Ngan của công ty Luyện đồng ngày 17/6/2022; sự cố tràn bãi thải Gyps của Nhà máy DAP số 2 vào ao của các hộ dân tại Tổ 7, Thị trấn Tằng Loỏng, thôn Phú Hà, xã Phú Nhuận 1 vào ngày 23/6/2022...

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, khó khăn như trên, UBND tỉnh cần quan tâm triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như sau: (1) Tổ chức rà soát, đánh giá các chỉ tiêu còn đạt thấp và rất thấp trong 6 tháng đầu năm, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp tích cực để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu như tốc độ tăng trưởng kinh tế; thu ngân sách trên địa bàn; tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa; giá trị sản xuất của các ngành kinh tế. (2) Quyết liệt trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo kế hoạch để đảm bảo giải ngân kịp thời vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu. Rà soát những cơ chế, chính sách do Trung ương và địa phương đã ban hành để thống nhất hướng dẫn triển khai thực hiện. (3) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh có sức thu hút cao; có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc thủ tục đầu tư, thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án sớm được triển khai, đi vào hoạt động. (4) Tiếp tục rà soát đối với các dự án thu hút đầu tư ngoài ngân sách, kiên quyết thông báo chấm dứt hoạt động và thu hồi đối với các dự án kém hiệu quả, cố tình kéo dài thời gian thực hiện, chiếm dụng đất trong nhiều năm mà không thực hiện dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả của các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. (5) Chỉ đạo các chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đôn đốc nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành và quyết toán các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Với các nhà thầu chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan, cần có biện pháp xử lý cương quyết hơn, thậm chí là thanh lý hợp đồng nếu cần thiết. (6) UBND tỉnh cần có kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương xem xét việc sửa đổi, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu,… nhằm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện giá cả xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng cao như hiện nay để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, nhất là các công trình dự án trọng điểm của tỉnh. Có biện pháp nhằm thúc đẩy sự gắn kết giữa người sản xuất và các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, bao tiêu nông sản và các sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên cơ sở quy định của Trung ương về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 16/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Minh Kiên

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập