Thực trạng công tác quản lý các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lào Cai là tỉnh miền núi biên giới, có nhiều dãy núi có độ dốc cao tạo nên hệ thống các sông, suối là những yếu tố thuận lợi để khai thác tiềm năng về phát triển thuỷ điện, đặc biệt là thuỷ điện vừa và nhỏ; triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công Thương về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; trong những năm qua cấp ủy, chính quyền tỉnh Lào Cai đã thực hiện tốt công tác quy hoạch về kinh tế - xã hội với chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trong đó việc quy hoạch, phát triển thủy điện nhỏ được chú trọng, qua đó đã tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm ổn định cho người dân, đem ánh sáng đến với vùng sâu, vùng xa cho các dân tộc và góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Tổng hợp trên địa bàn tỉnh hiện có 130 dự án thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 1.573,95MW và 05 dự án thủy điện tiềm năng đang được nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch (thủy điện Bảo Hà 75MW, thủy điện Thái Niên 75MW trên sông Hồng; Cụm thủy điện A Lù 1, A Lù 2, A Lù 3 tổng công suất khoảng 45,5MW).

Trong số 130 dự án thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.573,95MW, đến nay đã có 67 dự án thủy điện đã hoàn thành phát điện với tổng công suất 1.080,35MW; 08 dự án thủy điện đang triển khai thi công xây dựng với tổng công suất 85MW và hết năm 2022 sẽ có 04 dự án thủy điện hoàn thành phát điện; 28 dự án thủy điện đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 173,6MW; 38 dự án thủy điện đang nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư với tổng công suất 235MW. Tuy nhiên, thực hiện văn bản số 9844/BCT-ĐL ngày 22/12/2020 của Bộ Công Thương về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác dự án/công trình thủy điện, tỉnh Lào Cai đề xuất loại khỏi quy hoạch một số dự án ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, cấp nước thủy lợi như: Thủy điện Yên Hà 1, Yên Hà 2, Yên Hà 3, Nậm Cang 2, Phố Cũ 1, Phố Cũ 2, Nậm Nhùn 2, Nậm Nhùn 3) và không cho phép nghiên cứu 14 dự án thủy điện có công suất lắp máy nhỏ hơn 10MW (gồm: Khe Vai, Khe Đăm, Bản Bẻ, Nghĩa Đô, Xuân Thượng, Khe Lếch, Mường Vi, Bản Liền).  

Thực chất tiềm năng và lợi thế của những nơi có dự án thủy điện được đầu tư xây dựng, vận hành phát điện thì có đường giao thông tốt hơn, kinh doanh và giao thương hàng hóa phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân nhân dân được nâng lên rõ rệt, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, qua khảo sát một số dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy một số sự án thủy điện tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân địa phương như gây ngập úng, sụt lún nhà ở, ngập úng cây trồng, làm mất diện tích đất sản xuất; công trình khi xây dựng gây ô nhiễm môi trường sinh thái; đường giao thông xuống cấp do vận chuyển vật liệu thi công dự án. Nguyên nhân là do: Việc thống kê, rà soát các thiệt hại của người dân do ảnh hưởng của dự án chưa kịp thời, chính xác; công tác lập phương án, áp giá và phê duyệt kinh phí đền bù chưa đồng bộ, hỗ trợ kinh phí cho người dân chậm, gây bức xúc trong nhân dân; công tác khảo sát, xác định vùng ranh giới phải giải phóng mặt bằng của các dự án thủy điện chưa được rõ ràng, dự báo mức độ ảnh hưởng chưa chính xác, dẫn đến khi thực hiện số hộ ngoài ranh giới giải phóng mặt bằng của dự án bị ảnh hưởng cao hơn so với số lượng dự tính trong dự án (như thủy điện Phúc Long, thủy điện Vĩnh Hà, thủy điện Mây Hồ); cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã chưa thực sự quan tâm phối hợp với các chủ đầu tư trong việc thống kê, rà soát các hộ bị thiệt hại; việc đánh giá tác động môi trường của một số dự án thủy điện chưa sát với thực tế; chủ đầu tư các dự án thủy điện chưa  quan tâm đến việc giải quyết triệt để ý kiến, kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng, còn có thái độ chây ỳ, chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là người đứng đầu các doanh nghiệp ít khi làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương để thống nhất phương án giải quyết hài hòa lợi ích của các bên.

 Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của các dự án thủy điện làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân khu vực dự án, trong thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chú trọng công tác giám sát, khảo sát thường xuyên của HĐND tỉnh, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND đối với các dự án thủy điện trên tất cả các khâu từ quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, kiên quyết loại ra khỏi quy hoạch đối với các dự án thủy điện nhỏ không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm nhiều đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường. Nâng cao trách nhiệm công tác quản lý nhà nước về môi trường   trong việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cần dự báo và có giải pháp khắc phục mọi ảnh hưởng của dự án đối với khu vực giáp với phạm vi, ranh giới của dự án. Yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, giải pháp và kinh phí để khắc phục các ảnh hưởng trước và sau khi tích nước hồ chứa đến hai bên bờ hồ và vùng hạ du đập, nhà máy. Không phê duyệt các dự án ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân khu vực dự kiến xây dựng dự án thủy điện. Cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có dự án thủy điện phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết kịp thời, dứt điểm các tồn tại, vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các dự án, công trình thủy điện trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, giám chủ đầu tư các dự án thủy điện, kịp thời phát hiện và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các biện pháp bồi thường thiệt hại do dự án gây ra. Xử lý nghiêm các chủ đầu tư dự án không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, gây ô nhiễm môi trường sinh thái... xem xét, đề xuất thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ thi công để khắc phục hậu quả, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong vùng dự án.

Nếu những tồn tại, khó khăn nêu trên được các cấp các ngành, địa phương triển khai đồng bộ, giải quyết kịp thời, triệt để thì việc xây dựng và khai thác các dự án thủy điện thực sự là nguồn tăng thu cho ngân sách nhà nước, đem lại ấm no, nguồn sáng cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

                                                                    Trịnh Minh Tuấn

                                                  Phó Trường Ban Pháp chế HĐND tỉnh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập