Quyền bầu cử và một số kinh nghiệm để cử tri chọn mặt gửi “vàng”
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2016 đã được kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV thống nhất tại Nghị quyết số 133/2000/QH14, ngày 17/11/2020, theo đó, ngày bầu cử là Chủ nhật, ngày 23 tháng 5 năm 2021.

Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, ngày 25/6/2015 của Quốc hội khóa XIII quy định: Mọi công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, không bị mất năng lực hành vi dân sự và không bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự đều có quyền bầu cử. Việc bầu cử được thực hiện theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những người đủ tuổi bầu cử và có đủ năng lực hành vi dân sự để bầu cử được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú; kể cả công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được UBND các xã, phường, thị trấn niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến UBND cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú) hoặc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú). Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách, cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Như vậy, chỉ có những người bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự mới không được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử. Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì UBND cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri thì mất quyền bầu cử. Quyền bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp để cử tri lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và có đức, có tài để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của và quyền làm chủ của Nhân dân. 

Tập huấn cho ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp

Để cử tri thực hiện tốt việc lựa chọn người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình, mỗi cử tri cần có thái độ trước, trong bầu cử thật nghiêm túc, nghiên cứu kỹ các thông tin về các ứng cử. Các cứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, sau khi được đơn vị, địa phương, thôn bản, tổ dân phố giới thiệu để Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp đưa vào danh sách hiệp thương, lựa chọn, những người ứng cử thực hiện kê khai lý lịch, công khai minh bạch tài sản và thực hiện các quy định khác theo yêu cầu của Ủy ban bầu cử các cấp, thống nhất đưa vào danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là hoàn toàn có đủ tiêu chuẩn của người đại biểu theo quy định của pháp luật. Luật cũng quy định, chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND tại các khu vực bỏ phiếu, để tạo điều kiện cho cử tri có nhiều thời gian xem xét, thảo luận, lựa chọn người xứng đáng. Đồng thời, kể từ ngày Tổ bầu cử công bố danh sách chính thức những người ứng cử thì các ứng cử viên trong cùng đơn vị bầu cử sẽ được Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp phối hợp với chính quyền địa phương, cơ sở, tổ chức cho các ứng cử viên thực hiện quyền vận động bầu cử và việc vận động bầu cử được kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ. Tại các hội nghị gặp gỡ giữa các cử viên với cử tri sẽ được lựa chọn tổ chức tại một số điểm và có số lượng cử tri nhất định được tham dự các hội nghị này. Để tạo điều kiện cho nhiều cử tri được biết đến các ứng cử viên, các hội nghị tiếp xúc cử tri này sẽ được các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin, đặc biệt là đài truyền hình cấp huyện, cấp tỉnh vì vậy cử tri vẫn có thể biết các ứng cử viên trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp với nghiên cứu thông tin đã được niêm yết tại các khu vực bỏ phiếu để xem xét lựa chọn. Để mỗi lá phiếu được bầu đúng, bầu đủ số lượng, bầu những người thực sự xứng đáng, trước hết mỗi cử tri cần xác định lá phiếu của mình là rất quan trọng, vì vậy mỗi cử tri cần tranh thủ thời gian đến địa điểm niêm yết danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND tại các khu vực bỏ phiếu, để nghiên cứu kỹ, nghiêm túc tiểu sử của các ứng cử, xem xét lựa chọn những người thực sự xứng đáng; những người nếu trúng cử có đủ khả năng, bản lĩnh để tham gia ý kiến cùng với HĐND quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; có khả năng giám sát và có ý kiến với các cấp, các ngành quan tâm nghiên cứu, đề xuất nhiều biện pháp, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Khi sinh thời, Bác Hồ kính yêu của dân tộc Việt Nam đã từng căn dặn “Lá phiếu cử tri có giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng Nhân dân ta thật sự làm chủ nước nhà, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình gánh vác việc nước” và Bác nói về cán bộ “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung”; “Vì lợi nước, quên lợi nhà”; “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”. Câu nói của Bác ngày đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhắc nhở cử tri và cả những người sẽ được cử tri tín nhiệm hãy làm tròn bổn phận trước Nhân dân và không bao giờ được quên lời mình đã hứa.

Hà Thị Thiệp

Nguyên Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh

Tin khác




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập