Cần tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính
Thi hành án là công đoạn cuối cùng, bảo đảm cho bản án, quyết định Tòa án được chấp hành. Nhiệm kỳ 2016 -2021, công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực song vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế cần có sự chỉ đạo, phối hợp, tập trung nguồn lực để đảm công tác thi hành án đạt hiệu quả, chất lượng.

Báo cáo của Cục Thi hành án dân sự  trình tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XV cho thấy trong 05 năm qua, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Bộ Tư pháp về công tác thi hành án dân sự và Chỉ thị của Tỉnh ủy về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh; Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch trọng tâm công tác hàng năm của toàn ngành và chỉ đạo các Chi cục Thi hành án dân sự triển khai xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch công tác năm của đơn vị; chú trọng thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, phối hợp giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong hoạt động thi hành án... Do vậy, kết quả thi hành án dân sự cơ bản hoàn thành chỉ tiêu được giao, cụ thể cơ quan thi hành án dân đã thụ lý 23.419 việc, với số tiền phải thi hành là 1.302.149.296.000 đồng (trong đó đã ủy thác và thu hồi thi hành án 219 việc, với số tiền 81.585.156.000 đồng); số còn phải thi hành là 23.200 việc, với số tiền  phải thi hành là 1.220.564.140.000 đồng (trong đó số có điều kiện thi hành là 22.669 việc với số tiền là 1.026.755.382.000 đồng, số chưa có điều kiện thi hành là 531 việc với số tiền là 193.808.758.000 đồng). Đã thi hành xong 22.041/22.669 việc có điều kiện thi hành, đạt 97,2%; đã thi hành được 385.296.980.000/1.026.755.382.000 đồng có điều kiện thi hành, đạt 37,5%; số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành được còn 628 việc/641.458.402.000 đồng. Đối với các việc có điều kiện thi hành nhưng người phải thi hành án cố tình trây ì, không tự nguyện thi hành án, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp đã chỉ đạo lực lượng liên ngành phối hợp, tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với 73 việc, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục. Ngoài ra, các cơ quan thi hành án dân sự hai cấp đã áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với 168 việc. Công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với các đơn vị cấp dưới được tăng cường, hàng năm Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất, kiểm tra chéo, kiểm tra liên ngành, cùng với kiểm tra định kỳ toàn diện, chuyên đề đối với các chi cục; qua kiểm tra, đã ban hành kết luận yêu cầu các đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục những thiếu sót. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Thi hành án dân sự  từ khâu cho ý kiến đối với Kế hoạch công tác hàng năm đến chỉ đạo tổ chức thi hành các vụ việc phức tạp, khó thi hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan Thi hành án dân sự  trong thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Lãnh đạo Cục THADS giải trình tại phiên họp của Ban Pháp chế

Có thế thấy, trong giai đoạn 2016-2021, để tiếp tục tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, đồng thời khắc phục có hiệu quả những hạn chế, khó khăn; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao, thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi công tác thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn tỉnh; đây là cơ sở quan trọng tạo bước đột phá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự của cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành có liên quan trong công tác thi hành án dân sự. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò là cầu nối trong việc phối kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan tại địa phương để tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ việc lớn, phức tạp đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, hoàn thành mục đích, kế hoạch cưỡng chế đã đề ra. Công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan, tổ chức có liên quan như Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên và môi trường các cấp được duy trì thường xuyên nhất là trong hoạt động xác minh điều kiện thi hành án, giao nhận và xử lý vật chứng, tài sản thi hành án, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự… đã tạo điều kiện thuận lợi giúp cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2021, HĐND, UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ kinh phí xây dựng kho vật chứng và mua sắm trang thiết bị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho Cục Thi hành án dân sự; cho liên kết, tích hợp Trang Thông tin điện tử Thi hành án dân sự vào Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lào Cai, góp phần kịp thời phổ biến tình hình công tác Thi hành án dân sự  đến các cơ quan, đơn vị và cá nhân, đồng thời chia sẻ, quảng bá thông tin về kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh Lào Cai đến hệ thống Thi hành án dân sự cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Số việc có điều kiện thi hành còn tồn đọng nhiều, chủ yếu là các việc có số tiền phải thi hành lớn; tiến độ thi hành một số vụ việc có điều kiện thi hành còn chậm; số tiền có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành được còn rất cao (641.458.402.000 đồng); kết quả thi hành về tiền đối với các việc có điều kiện thi hành liên quan đến tín dụng ngân hàng còn chưa cao (còn 154.412.451.000 đồng chưa thi hành được, chiếm 47,26%). Tinh thần trách nhiệm của một số chấp hành viên còn hạn chế nên trong thực hiện công tác chuyên môn vẫn còn một số sai sót, vi phạm (trong nhiệm kỳ, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đã ban hành 84 kiến nghị, 01 kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm). Công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các ngành có liên quan có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc tạo điều kiện hỗ trợ, phối hợp với cơ quan thi hành án trong thực thi nhiệm vụ.

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự, hành chính; qua công tác khảo sát, thẩm tra báo cáo của cơ quan thi hành án dân sự hai cấp, Ban pháp chế HĐND tỉnh đã kiến nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao kỷ cương, kỷ luật công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và hiệu quả chất lượng công tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là công tác xác minh điều kiện thi hành án, đôn đốc quyết liệt, dứt điểm đối với các việc có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành xong. Kiên nghị Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành, tập trung quyết liệt thi hành án đối với các vụ việc thi hành án phức tạp và việc cần thực hiện cưỡng chế thi hành án; quan tâm công tác lãnh chỉ đạo cụ thể đối với những việc khó khăn, vướng mắc; định kỳ tổ chức họp sơ kết, tổng kết để thống nhất các giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động thi hành án.

Kim Thu

Phó trưởng Pháp chế HĐND tỉnh

Tin khác




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập