Hội thẩm Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai tích cực tham gia công tác xét xử
Tại kỳ họp thứ nhất của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện nhiệm kỳ 2016-2021, TAND hai cấp của tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp trong việc giới thiệu nhân sự để HĐND cùng cấp bầu được 208 Hội thẩm nhân dân (cấp tỉnh 25 Hội thẩm, cấp huyện 183 Hội thẩm). Trong nhiệm kỳ, các Hội thẩm nhân dân đã tích cực tham gia vào công tác xét xử tại các phiên tòa; đồng thời còn tham gia rất tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Các Hội thẩm nhân dân hầu hết đều hoạt động kiêm nhiệm trong các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện, xã hoặc là người đã nghỉ hưu, có uy tín, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và khả năng nghiên cứu, áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử. Trong nhiệm kỳ, ngành tòa án đã tổ chức được 09 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ giúp cho các Hội thẩm có thêm kinh nghiệm phù hợp với thực tiễn, kiến thức pháp luật cần thiết phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ. Nội dung tập huấn tập trung nghiên cứu, quán triệt các Bộ luật mới được quốc hội thông qua như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự năm 2015... các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và giải đáp các vướng mắc trong xét xử các loại án, rút kinh nghiệm về kỹ năng xét xử tại phiên tòa, kỹ năng ứng xử của Hội thẩm nhân dân khi làm việc với người dân, đương sự... đã góp phần nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng những yêu cầu cơ bản trong quá trình tham gia xét xử của hội thẩm nhân dân.
Mặc dù các Hội thẩm nhân dân đều hoạt động kiêm nhiệm nhưng với tinh thần trách nhiệm, sự cố gắng nỗ lực của các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân nên công tác xét xử của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra. Trong nhiệm kỳ, hầu hết các Hội thẩm đều tham gia xét xử các vụ việc sơ thẩm, đã tham gia xét xử 3.897 vụ án với hơn 7.794 lượt Hội thẩm tham gia (trong đó, đã có hơn 4.662 lượt Hội thẩm tham gia xét xử án hình sự, 2.824 lượt Hội thẩm tham gia xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động; 308 lượt Hội thẩm tham gia xét xử án hành chính. Bình quân mỗi hội thẩm tham gia 37 Hội đồng xét xử), trong đó có nhiều vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng được dư luận nhân dân quan tâm). Theo quy định, tại các phiên tòa sơ thẩm, thành phần hội đồng xét xử gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân; trường hợp vụ án hình sự có tính chất rất nghiêm trọng, phức tạp và đối với vụ án mà bị cáo bị đưa ra xét xử về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất, hội đồng xét xử gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân; khi tham gia xét xử trong một phiên tòa, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán và bản án được quyết định theo đa số. Trước khi tham gia xét xử, các hội thẩm đã dành thời gian nghiên cứu hồ sơ, nội dung cần xét hỏi tại phiên tòa để làm sáng tỏ vụ án. Trong thảo luận nghị án, các hội thẩm cũng thẳng thắn phân tích chứng cứ, thống nhất đưa ra quyết định đúng đắn đối với từng vụ án, có quan điểm và phát huy tính độc lập khi tham gia xét xử để đưa ra các phán quyết bảo đảm khách quan, đúng pháp luật. Trong quá trình tham gia xét xử, các Hội thẩm nhân dân tỉnh đã thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, có quan điểm rõ ràng, độc lập, góp phần cùng với hội đồng xét xử đưa ra phán quyết đúng pháp luật; các Hội thẩm nhân dân luôn nhận thức đầy đủ về vị trí, trách nhiệm của hội thẩm trong hoạt động xét xử của tòa án và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49/QN-BCT của Bộ Chính trị. Qua đó, đã đóng góp tích cực vào việc giáo dục công dân chấp hành pháp luật, giáo dục ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và đảm bảo công tác xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, với vị trí, vai trò và trách nhiệm được giao, cùng kiến thức pháp luật đã được tập huấn và kinh nghiệm khi tham gia Hội đồng xét xử, các Hội thẩm đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến nhân dân thông qua việc xét xử tại phiên tòa, đặc biệt là các phiên toà xét xử lưu động (đã tham gia xét xử lưu động 486 phiên toà), góp phần giáo dục, nhận thức về pháp luật sâu rộng trong nhân dân; một số Hội thẩm tham gia viết các tin bài về kết quả xét xử của Toà án cho các báo; nhiều Hội thẩm đương chức được giữ các vị trí quan trọng trong các tổ chức đoàn thể, cũng như các cơ quan Nhà nước nên có điều kiện trực tiếp tuyên truyền một cách sâu rộng đến mọi đối tượng, giúp họ hiểu hơn về những quy định của pháp luật, những việc làm đúng pháp luật và những việc làm vi phạm pháp luật. Với kết quả đó, trong nhiệm kỳ đã có 57 Hội thẩm được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng Bằng khen, 188 lượt Hội thẩm được Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai tặng Giấy khen; các Hội thẩm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không có Hội thẩm vi phạm các quy định của Nhà nước và quy chế làm việc của Tòa án nhân dân.

Khen thưởng Hội thẩm nhân dân đạt thành tích xuất sắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hội thẩm nhân dân còn một số hạn chế, khó khăn: Việc tham gia xét xử của Hội thẩm có sự không đồng đều, có Hội thẩm tham gia xét xử sơ thẩm đến hàng trăm vụ trong năm, nhưng cũng có Hội thẩm tham gia xét xử rất ít, chỉ một đến 2 vụ trong năm, có Hội thẩm còn chưa tham gia Hội đồng xét xử lần nào; một số Hội thẩm sắp xếp lịch xét xử chưa tốt nên đến ngày xét xử không tham gia Hội đồng xét xử được nên Tòa án phải thay đổi Hội thẩm; vẫn còn một số Hội thẩm chưa tham gia đầy đủ các buổi tập huấn kỹ năng nghiệp vụ... Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác Hội thẩm nhân dân cho nhiệm kỳ 2021 - 2026, qua thẩm tra kết quả hoạt động Hội thẩm nhân dân, Ban Pháp chế đề nghị Tòa án nhân dân hai cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND và Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Lào Cai trong công tác quản lý, giám sát Hội thẩm; chuẩn bị tốt công tác nhân sự để bầu Hội thẩm TAND hai cấp tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2021-2026. Tiếp tục chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng xét xử cho Hội thẩm; các phiên tòa rút kinh nghiệm trong đó tập trung vào các phiên tòa sơ thẩm có Hội thẩm tham gia. Chỉ đạo các tòa chuyên trách, Tòa án nhân dân cấp huyện, Thẩm phán tạo mọi điều kiện để Hội thẩm nâng cao chất lượng trong việc nghiên cứu hồ sơ, nâng cao vai trò khi hỏi tại phiên tòa cũng như khi nghị án, đảm bảo Hội thẩm phát huy vai trò tích cực khi tham gia thực hiện nhiệm vụ xét xử. Định kỳ tổ chức họp các Đoàn Hội thẩm để sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác Hội thẩm nhằm nâng cao chất lượng xét xử của Hội thẩm; quan tâm tới cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu văn bản pháp luật mới… của Hội thẩm; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Đoàn Hội thẩm từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của Tòa án.
Kim Thu
Phó trưởng Pháp chế HĐND tỉnh