Tăng cường giám sát chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone
Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được tỉnh Lào Cai triển khai từ tháng 10/2013. Sau thời gian dài triển khai, thực hiện, chương trình đã mang lại ý nghĩa thiết thực, giúp người nghiện giảm nguy cơ phạm pháp, góp phần đảm bảo ổn định an ninh trật tự xã hội, đồng thời hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu. Bên cạnh đó, việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn huyện Bát Xát vẫn còn một số vấn đề đang được đặt ra cần được sớm xem xét tháo gỡ trong thời gian tới.

            Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai, toàn huyện có 20 xã, 01 thị trấn với 176 thôn, tổ dân phố, chiều dài đường biên giới là 83,894 km. Theo kết quả điều tra hộ nghèo năm 2020, tổng số hộ nghèo toàn huyện 2.042 hộ chiếm tỷ lệ 11,78%, hộ cận nghèo 1.672 hộ chiếm tỷ lệ 9,64%. Những năm qua, công tác phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy là một nhiệm vụ quan trọng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Các cơ quan, ban ngành, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân nhân trong công tác phòng chống tệ nạn ma túy, mở các đợt tấn công trấn áp tội phạm, triển khai các hình thức cai nghiện và tăng cường công tác quản lý sau cai, nên đã hạn chế việc gia tăng người nghiện mới, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần ổn định phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện. Có thể nói, uống Methadone là liệu pháp điều trị chuẩn quốc tế cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Khi được kiểm soát chặt chẽ, đây là liệu pháp cực kỳ hiệu quả, an toàn và tiết kiệm. Ngoài việc dự phòng lây truyền HIV, chương trình điều trị Methadone còn mang ý nghĩa hết sức nhân văn, giúp người nghiện ma túy thay đổi hành vi, lối sống, phục hồi nhân cách, hoà nhập cộng đồng, mang lại hạnh phúc cho gia đình và sự bình yên của xã hội.

            Theo số liệu điều tra, rà soát đến tháng 4/2021 trên địa bàn toàn huyện có 708 người nghiện có hồ sơ quản lý (trong đó có 3 xã trọng điểm về ma túy là xã Trịnh Tường, Dền Thàng và Bản Vược). Thực tế, huyện đang đang triển khai 02 hình thức cai nghiện đó là cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy thành phố và cai nghiện thay thế bằng Methadone tại 03 cơ sở điều trị tại huyện gồm cơ sở điều trị ba trong một tại Bệnh viện đa khoa huyện và cơ sở cấp phát thuốc Trịnh Tường, điểm cấp phát thuốc Mường Hum. Qua báo cáo việc triển khai thực hiện chương trình cho thấy, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cơ bản đã được người nghiện và gia đình người nghiện và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Việc triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã giúp cho người nghiện có thêm sự lựa chọn hình thức cai nghiện ma túy phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ, giảm được rất nhiều chi phí so với hành vi sử dụng ma túy trái phép, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh HIV/AIDS và viên gan B, C, tăng cường sức khỏe cho người tham gia điều trị. Số tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy giảm cơ bản; tệ nạn nghiện ma túy được chuyển hóa mạnh; không có tệ nạn nghiện ma túy trong học sinh. Có sự phối hợp tốt giữa cơ sở điều trị Methadone với UBND các xã, thị trấn trong công tác quản lý, điều trị.

Từ tháng 6/2014, dự án điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện đến tháng 4/2021 đã thu dung được 539 người nghiện trong tổng số 708 người nghiện có hồ sơ quản lý tham gia. Song đến nay, tổng số bỏ trị là 360 bệnh nhân, trong đó: Chuyển đi cơ sở khác 07; bệnh nhân xin ra khỏi chương trình 04; bệnh nhân tử vong 36; bệnh nhân phải chấp hành án phạt tù và cai nghiện tập trung là 73. Như vậy, tỷ lệ bệnh nhân bỏ trị là khá lớn; số bệnh nhân điều trị nghiện các chất thuốc phiện bằng thuốc Methadone nhưng vẫn tiếp tục vi phạm và phải chấp hành án phạt tù chiếm tỷ lệ không nhỏ. Theo đó, nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là: Tỷ lệ người nghiện tham gia điều trị methadone đạt thấp là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động người nghiện tham gia điều trị methadone; thiếu sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong việc triển khai công tác điều trị. Cùng với đó, việc tuyên truyền, vận động cho người nghiện ma túy và gia đình có người nghiện không thường xuyên nên chưa đủ sức thuyết phục để họ tham gia điều trị; Nghị định số 90/2016/NĐ-CP quy định người nghiện tự nguyện tham gia điều trị, nhưng lại không có chế tài bắt buộc, trong khi đó nhiều người nghiện chưa nhận thức đầy đủ về những lợi ích của việc điều trị methadone đối với bản thân, gia đình và xã hội; một số bệnh nhân không kiên trì trong quá trình điều trị theo quy định của việc dùng thuốc, cũng có trường hợp đến giai đoạn ổn định liều thì tự bỏ điều trị. Đặc biệt, một số người nghiện lợi dụng việc đang điều trị methadone để mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, đã bị lực lượng chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng có nhiều trường hợp, người nghiện ở vùng sâu, vùng xa không có tiền chi phí cho việc xét nghiệm, tiền khám và tiền uống thuốc hằng ngày nên bỏ điều trị; một số bệnh nhân hiện chưa có việc làm ổn định, hoặc làm bán thời gian; hoặc bệnh nhân do tuổi cao, bệnh tật; do điều kiện dân cư sống không tập trung, đường biên giới dài tiềm ẩn phức về an ninh trật tự; nghiện ma túy là một bệnh mãn tính cần điều trị lâu dài do đó điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi mục tiêu đặt ra để thực hiện chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đang được giao chỉ tiêu là khá lớn. Để đạt mục tiêu đó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động để người nghiện ma túy nhận thức được hiệu quả của việc cai nghiện bằng điều trị Methadone, từ đó tự nguyện tham gia và tuân thủ nghiêm túc quá trình điều trị. Trong quá trình điều trị, người thầy thuốc và tư vấn viên cần giúp bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hiểu rõ điều trị Methadone phải thực hiện lâu dài và gần như suốt đời, để tránh trường hợp sau một thời gian điều trị, thấy không còn thèm heroin, người nhà của một số bệnh nhân và chính bản thân họ tưởng đã cai nghiện thành công, lại bỏ dở điều trị mà không biết rằng, điều trị Methadone phải thực hiện lâu dài và gần như suốt đời. Hơn nữa, các cơ quan chức năng cùng cần nghiên cứu việc kết hợp chương trình điều trị với dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm phù hợp, lâu dài cho bệnh nhân, giúp họ ổn định tư tưởng, dự phòng tái nghiện ma túy. Ngoài ra, HĐND các cấp cần tiếp tục tăng cường giám sát việc triển khai, thực hiện chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn toàn tỉnh nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện các quy định trong điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; làm rõ những tồn tại, hạn chế bất cập và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; đề xuất các giải pháp cho những năm giai đoạn tiếp theo để thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai hiệu quả thiết thực. 

 Lưu Thị Hiên

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh

Tin khác




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập