Một số giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành Nghị quyết của HĐND
Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh là văn bản pháp lý quan trọng của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Theo khoản 9 Điều 4 và Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), nghị quyết của HĐND cấp tỉnh ban hành để quy định: Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; Chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khi nghị quyết được ban hành sẽ tác động đến nhiều đối tượng, nhiều nội dung của đời sống kinh tế - xã hội, do đó chất lượng nghị quyết là một vấn đề rất quan trọng.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 khóa XVI, HĐND tỉnh Lào Cai tổ chức 05 kỳ họp, ban hành 86 nghị quyết, trong đó có 34 nghị quyết quy phạm pháp luật. Nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội. Nhiều nghị quyết đã phát huy hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội như các nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục; phát triển du lịch; sắp xếp các đơn vị hành chính; hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách. Có thể khẳng định, trong nhiều năm qua việc xây dựng và tham mưu ban hành nghị quyết đã đảm bảo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn tại địa phương.

anh tin bai

Thường trực HĐND tỉnh giám sát tại xã Pa Cheo, huyện Bát Xát

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc rà soát các nội dung quy định được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đối với một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đôi khi chưa kịp thời. Còn có nội dung giao địa phương quy định chi tiết, đã có hiệu lực nhưng chậm tham mưu hoặc chưa tham mưu ban hành; việc đánh giá tác động chính sách đôi khi chưa được cơ quan chuyên môn tham mưu chú trọng. Đặc biệt, việc xây dựng đề xuất ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật nội dung đôi khi còn thiếu thông tin, nội dung chưa cụ thể; câu từ, cú pháp chưa đảm bảo chặt chẽ, thống nhất; thiếu căn cứ pháp lý hoặc căn cứ thực tiễn; mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã quy định chi tiết, nhưng một số cơ quan chủ trì soạn thảo còn xem nhẹ việc tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động; việc xin ý kiến tham gia góp ý đối với dự thảo nghị quyết trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh chưa được nhiều người quan tâm. Một số hồ sơ dự thảo nghị quyết chưa thuyết minh cụ thể dự kiến nguồn lực để thực hiện; còn có hồ sơ dự thảo nghị quyết đề xuất gấp, văn bản gửi thẩm định chưa đúng thời gian quy định gây khó khăn cho việc thẩm tra.

Để nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của sở, ban, ngành trong việc soạn thảo dự thảo nghị quyết, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng; thu thập thông tin; tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết; mục tiêu đề ra phải sát thực tế và có tính khả thi cao; phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương. Cần chú trọng làm tốt việc tham vấn ý kiến nhân dân, ý kiến đối với đối tượng chịu sự tác động của chính sách thì nghị quyết khi ban hành mới đảm bảo tính khả thi; đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng các yêu cầu công việc đặt ra. Đặc biệt, các cơ quan được phân công chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh soạn thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết nên chủ động mời các Ban HĐND tham gia hội thảo hoặc tham gia ý kiến trước khi UBND tỉnh ký trình HĐND tỉnh để đảm bảo sự đồng thuận cao.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo nghị quyết của Sở Tư pháp bởi thẩm định là khâu vô cùng quan trọng giúp cho HĐND tỉnh có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về nội dung, hình thức của dự thảo nghị quyết trước khi ban hành. Để công tác thẩm định đạt hiệu quả, đề nghị Sở Tư pháp tăng cường phối hợp cơ quan chủ trì soạn thảo nghị quyết; chủ động tham gia ý kiến đối với dự thảo nghị quyết trước khi các cơ quan soạn thảo gửi thẩm định, thông qua góp ý dự thảo, Sở Tư pháp sẽ góp ý về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản, cơ sở pháp lý ban hành văn bản, thể thức kỹ thuật trình bày bảo đảm theo quy định pháp luật.  Đối với dự thảo nghị quyết có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực hoặc có tính chất chuyên môn cao, có thể tổ chức họp tư vấn trao đổi, tham vấn ý kiến của cơ quan, đơn vị có liên quan để báo cáo thẩm định hoàn thiện với các nội dung đảm bảo phù hợp với thực tế, đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba, các Ban HĐND chủ động tham gia ngay từ đầu quá trình chuẩn bị xây dựng dự thảo nghị quyết, cùng tham gia các cuộc họp bàn về nội dung dự thảo; các hội nghị lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan; sắp xếp thời gian khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động... từ đó, trao đổi với cơ quan soạn thảo để chỉnh sửa, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, báo cáo Thường trực HĐND những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Như vậy, sẽ giúp cho các thành viên các Ban có thêm cơ sở để tham gia xây dựng báo cáo thẩm tra đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Thứ tư, để góp phần nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND, các đại biểu phải nâng cao kiến thức chuyên môn, rèn luyện các kỹ năng cần thiết; nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức đầy đủ vai trò, nhiệm vụ của mình, xác định rõ trách nhiệm trước cử tri và trước tập thể HĐND. Các đại biểu dành thời gian thỏa đáng để thu thập thông tin, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết, chuẩn bị ý kiến thảo luận chu đáo để tham gia ý kiến thảo luận tại kỳ họp. Thực tế cho thấy, chỉ khi đại biểu HĐND hiểu chính xác, nắm rõ vấn đề và tự tin thảo luận, nêu rõ quan điểm của mình thì HĐND mới có được những quyết định đúng và nghị quyết được thông qua có hiệu lực, hiệu quả cao.

Thứ năm, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tăng cường tổ chức giám sát việc điều hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của UBND cùng cấp và các cơ quan có liên quan nhằm đáng giá tính phù hợp, tính khả thi của các nghị quyết để xem xét đề xuất giải pháp khắc phục kịp thời.

Như vậy, việc xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, nhất là nghị quyết quy phạm pháp luật cần phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều cùa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, trên cơ sở điều kiện cụ thể của từng địa phương, đòi hỏi HĐND không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động ban hành nghị quyết, đảm bảo nghị quyết có tính khả thi, đi vào thực tế cuộc sống, góp phần không nhỏ trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lưu Thị Hiên

Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập