Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Sáng ngày 4/10, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị khảo sát lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Các đồng chí Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Hoàng Thị Hồng Hạnh, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở ngành: Tư Pháp, Công An, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa an Nhân dân, Cục thi hành án.

anh tin bai

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ lấy ý kiến 08 dự án Luật, trong đó có Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (Sửa đổi). Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2015; sau khi triển khai thực hiện Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) gồm 9 chương, 151 điều, trong đó bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014, dự thảo luật giảm 02 chương, tăng thêm 54 điều. Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023. Bố cục của dự thảo luật gồm: Những quy định chung; nhiệm vụ, quyền hạn của TAND; hội đồng tư pháp quốc gia; tổ chức bộ máy; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác trong TAND; hội thẩm; tổ chức xét xử; bảo đảm hoạt động của TAND; điều khoản thi hành.

anh tin bai

Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh phát biểu ý kiến

Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến thảo luận cụ thể, góp ý xây dựng Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi). Nhiều nội dung dự thảo luật chưa có độ chính xác cao đã được các đại biểu đưa ra thảo luận. Đại biểu tham dự hội nghị cơ bản thống nhất cao với nội dung dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi).

Một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật đổi tên các Tòa án là không phù hợp, bởi theo dự thảo luật, dù đổi tên nhưng Tòa án Nhân dân sơ thẩm, Tòa án Nhân dân phúc thẩm vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh; thẩm quyền xét xử và tổ chức của Tòa án vẫn không thay đổi. Do vậy chưa thực sự đáp ứng yêu cầu "bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử". Ngoài ra, việc đổi tên các Tòa án dẫn tới không tương thích với cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp khác ở địa phương (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan Thi hành án dân sự). Ngoài ra, đổi tên Tòa án Nhân dân phúc thẩm nhưng tòa án này vẫn có thẩm quyền xét xử sơ thẩm một số vụ án, như vậy chức năng không đúng với tên gọi. Việc thay đổi tên gọi của cả hai cấp Tòa án dẫn tới phải sửa đổi, bổ sung các đạo luật tư pháp có liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luuật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự..., gây vấn đề phức tạp và tốn kém ngân sách Nhà nước. Đề xuất giữ nguyên tên gọi Tòa án các cấp như hiện nay để người dân dễ nhận biết, và phù hợp với thẩm quyền của từng cấp Tòa án.

anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai

Các đại biểu phát biểu

Về quy định đối với hội thẩm nhân dân, trong dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân chưa rõ ràng, nghĩa là có quy định nghĩa vụ của Hội thẩm nhưng không quy định chế tài tương ứng... cần thiết phải quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân để đảm bảo chất lượng xét xử.

Một số ý kiến đề nghị bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của toà án; thống nhất với quy định theo hướng tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ; cần đặt ra trách nhiệm của toà án trong việc hướng dẫn và hỗ trợ thu thập chứng cứ để bảo vệ đối tượng yếu thế; đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của hội đồng tư pháp quốc gia...; góp ý về sửa đổi từ ngữ không phù hợp trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi).

anh tin bai

Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh kết luận hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao các ý kiến chất lượng của đại biểu, từ đó góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo luật.Những ý kiến, kiến nghị của đại biểu tại hội nghị này sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, hoàn thiện để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6 khóa XV.

Thanh Hoa

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập