Chất vấn và trả lời chất vấn 02 lĩnh vực giáo dục, đào tạo - văn hoá, thể thao tại Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Lào Cai
Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường
Chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Đại biểu thuộc các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai chất vấn 11 câu hỏi về: Chất lượng các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; tình trạng quá tải trường lớp tại thành phố Lào Cai; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, diện tích phòng học tại đa số các trường học của tỉnh Lào Cai chưa đảm bảo để đáp ứng yêu cầu đổi mới, chưa đáp ứng phương pháp dạy học hiện đại; hội nhập quốc tế trong công tác giáo dục đào tạo; khó khăn trong công tác dạy thêm, học thêm; nguồn nhân lực thực hiện công tác chuyển đổi số ngành giáo dục còn thiếu; công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS; kế hoạch tuyển dụng, thu hút giáo viên của Lào Cai; công tác hướng nghiệp và định hướng tại các trường THPT; chất lượng dạy tin học, ngoại ngữ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; giải pháp để đạt chỉ tiêu 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương…

Đại biểu Bùi Văn Đức, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai chất vấn
Đại biểu Phạm Ngân Hà, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai chất vấn
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Bùi Văn Đức và Phạm Ngân Hà, Tổ đại biểu HĐND tại thành phố Lào Cai về tình trạng dạy thêm, học thêm, số lượng học sinh/lớp vượt quá định mức quy định… đồng chí Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh thừa nhận còn tình trạng như đại biểu nêu và hướng khắc phục của ngành trong thời gian tới sẽ là tăng kỷ cương, kỷ luật, nêu cao đạo đức nhà giáo trong thực hiện nhiệm vụ; yêu cầu các trường công khai lịch, kế hoạch và cam kết thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm. Ngoài ra còn quy rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục quản lý giáo viên và tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm; có sự kết nối tốt hơn giữa trường học và nhà trường. Tình trạng quá tải không chỉ xảy ra ở thành phố Lào Cai mà còn ở nhiều thành phố khác của cả nước và việc khắc phục đang được các cấp ngành xử lý từng bước. Về cơ sở vật chất, Giám đốc Sở cho rằng còn những khó khăn nhất định khi đa số các trường, lớp học trên địa bàn đã cũ; giải pháp là từng bước sửa chữa, xây mới, linh hoạt các hình thức dạy và học... Đối với câu hỏi về giải pháp để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo chất lượng toàn diện, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin: hiện ngành Giáo dục có 410 giáo viên Tin học, thiếu 78 người theo nhu cầu thực tế trong khi nguồn tuyển rất hạn chế, mỗi năm chỉ có từ 2 - 7 hồ sơ dự tuyển. Về nâng cao chất lượng, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo đang lấy kết quả ứng dụng công nghệ thông tin của mỗi cán bộ quản lý, giáo viên là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức.

Đồng chí Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập có vai trò giảm áp lực cho các trường công lập, giảm chi ngân sách nhà nước cho giáo dục. Hiện toàn tỉnh có 14 trường mầm tư thục, 84 cơ sở mầm non độc lập, 200 nhóm, lớp với gần 4.500 trẻ em (chiếm 7,8%) đang học trường tư thục, tập trung chủ yếu tại thành phố Lào Cai. Để nâng cao chất lượng, giải pháp là phân cấp về quản lý, chia sẻ chuyên môn giữa các trường, kết nối giữa trường học và nhà trường.
Đại biểu Hà Tất Định, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bắc Hà chất vấn
Cũng liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Hà Tất Định, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bắc Hà đặt câu hỏi chất vấn về phân luồng, hướng nghiệp học sinh, đáp ứng nhu cầu học THPT của con em các địa phương. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng năm học 2023 - 2024 có 65,6% học sinh THCS vào học THPT, 10% vào học giáo dục thường xuyên, số còn lại đi học nghề, riêng huyện Bắc Hà tỷ lệ này đạt 71%.
Đại biểu Thào Thị Lan, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Mường Khương chất vấn
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Thào Thị Lan, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Mường Khương về hướng giải quyết khi hiện nay toàn tỉnh thiếu 600 giáo viên; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết việc xác định nhu cầu, kết hoạch tuyển dụng cũng rất sớm nhưng còn chờ thời điểm sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học. Tháo gỡ cho những khó khăn này, ngành đã tham mưu cho tỉnh thay đổi cách tuyển dụng, từ thi tuyển sang xét tuyển và liên kết với các trường đại học, thu hút nhiều giáo viên từ các tỉnh lân cận tới công tác. Về định hướng nghề nghiệp, ngành giáo dục của tỉnh đã phối hợp tốt với Trường Cao đẳng Lào Cai, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai, các trường chuyên nghiệp ngoài tỉnh tổ chức hoạt động tuyên truyền, đinh hướng cho học sinh trên địa bàn.
Đại biểu Trần Bích Sửu, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Si Ma Cai chất vấn
Đại biểu Trần Bích Sửu, Tổ đại biểu huyện Si Ma Cai đề nghị làm rõ thông tin chất lượng dạy tin học, ngoại ngữ lớp 1 đến lớp 3. Lãnh đạo ngành giáo dục - đào tạo cho rằng, do đặc thù của vùng cao với gần 70% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, việc học ngoại ngữ là ngôn ngữ thứ 3 của học sinh nên phần nào chất lượng còn hạn chế.
Về tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương như đại biểu nêu, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, hiện tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương của tỉnh Lào Cai đạt 68,5%, toàn quốc đạt 68,3%. Để mục tiêu đạt 80% trong thời gian tới thì giải pháp là tuyên truyền, định hướng, phân luồng, bổ sung nguồn lực cho giáo dục và đào tạo.
Chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực văn hoá và thể thao
Đại biểu các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai, các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, Bảo Yên nêu 08 câu hỏi tập trung vào các nội dung: Phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố, gia đình văn hóa ở một số nơi chưa thực chất; việc chấp hành các quy định chung của khu dân cư của người dân một số địa phương còn hạn chế, nội dung quy ước, hương ước chưa cụ thể, khó thực hiện; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ làm công tác văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu, còn thiếu những chính sách đặc thù về văn hóa; hoạt động một số thư viện cấp huyện, tủ sách cơ sở trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiệu quả chưa cao; việc đảm bảo các điều kiện để khuyến khích, phát triển phong trào văn nghệ, thể thao ở cộng đồng một số địa phương chưa đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; tổ chức việc hiếu, việc hỷ một số nơi trên địa bàn tỉnh còn lãng phí, chưa phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa; các nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, ngày càng có ít người tham gia duy trì làng nghề và nghệ nhân tâm huyết với nghề… Đồng thời đề nghị đồng chí Giám đốc Sở giải trình rõ hơn về thực trạng công tác trên tại địa phương; trách nhiệm của ngành và các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại; giải pháp mới để triển khai thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Đại biểu Lùng Ngọc Ánh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai
Đại biểu Chu Gì Xú, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bát Xát chất vấn
Trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, đồng chí Đinh Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao cho biết: Thực tế còn số ít phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa ở một số nơi chưa thực chất; việc chấp hành các quy định chung của khu dân cư của người dân còn hạn chế; nội dung quy ước, hương ước chưa cụ thể như đại biểu HĐND tỉnh đã nêu. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hiện nay một số gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá” vẫn còn chưa gương mẫu chấp hành các tiêu chí theo quy định. Để nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, một số giải pháp sẽ tập trung thực hiện như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu nhằm nâng cao chất lượng; tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng tổ chức, tiếp tục triển khai xây dựng mô hình điểm, điển hình để nhân rộng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển bền vững…

Đại biểu Tráng Thị Sinh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bát Xát chất vấn
Hiện nay toàn tỉnh có 07 nghề thủ công truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 4 di sản văn hoá phi vật thể liên quan đến nghề tạo ra y phụ; 04 mô hình câu lạc bộ bảo tồn trang phục, mẫu hoa văn, trang sức dân tộc Dao, Mông, Nùng… Ngành văn hóa sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tập trung nguồn lực và trí tuệ triển khai các giải pháp mới, hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống. Trong đó tham mưu HĐND tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; nghiên cứu, tìm giải pháp tạo đầu ra cho sản phẩm nghề thủ công truyền thống, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.
Đồng chí Đinh Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao trả lời chất vấn
Đối với câu hỏi chất vấn liên quan đến trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ làm công tác văn hóa; đồng chí Giám đốc Sở cho biết: Ở cấp huyện, bình quân bố trí từ 05 - 06 cán bộ làm quản lý nhà nước (về văn hoá, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông); cấp xã bố trí từ 01 - 02 cán bộ làm quản lý về văn hoá - xã hội; còn thiếu cán bộ được đào tạo chuyên sâu về những chuyên ngành văn hoá, thể thao và cán bộ cấp độ chuyên gia trong các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, âm nhạc, huấn luyện viên thể thao. Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh Lào Cai có 563 cán bộ, viên chức, người lao động tham gia thực hiện các hoạt động về lĩnh vực văn hóa tại cấp huyện và cấp xã, ban quản lý di tích. Giai đoạn từ 2015 - 2022, HĐND tỉnh đã ban hành 16 Nghị quyết thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch với tổng kinh phí lũy kế đến hết năm 2023 là 62.786 triệu đồng. Hiện nay đang thực hiện quy trình xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh 03 chính sách đặc thù trong lĩnh vực văn hóa.

Đại biểu Lý Thanh Sơn, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Yên chất vấn
Trả lời về thực trạng cơ sở vật chất dành cho thư viện cấp huyện, đồng chí Đinh Minh Hà cho biết hiện mới có huyện Bảo Thắng, thành phố Lào Cai bố trí thư viện, phòng đọc cơ bản đảm bảo cho độc giả, các huyện còn lại chỉ bố trí 01 phòng làm việc kết hợp với phòng đọc và kho sách; về nhân lực cơ bản các huyện chỉ bố trí 01 cán bộ kiêm nghiệm công tác thư viện; kinh phí các địa phương bố trí cho thư viện cấp huyện còn hạn hẹp; nguồn sách mới được bổ sung cho Thư viện cấp huyện phần lớn là sách luân chuyển của Thư viện tỉnh. Hệ thống tủ sách cơ sở một số địa phương chưa tổ chức khai thác sử dụng hợp lý do khó khăn về cơ sở vật chất, con người. Bên cạnh đó, nhiều người chưa có thói quen đọc sách, báo, văn hoá đọc còn hạn chế nhất định.
Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao cũng nêu các giải pháp trong thời gian tới để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, con người Lào Cai; phát triển phong trào văn nghệ, thể thao ở địa phương; thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu, việc hỷ tại địa phương…
Đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu
Đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin thêm về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo và công tác văn hóa - thể thao trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Quang cảnh kỳ họp
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có 05 đại biểu chất vấn với 11 câu hỏi, 04 đại biểu đăng ký chưa được chất vấn. Trong lĩnh vực văn hoá và thể thao có 05 đại biểu chất vấn với 08 câu hỏi, 03 đại biểu đăng ký chưa được chất vấn; không có đại biểu tranh luận cả 02 lĩnh vực. Các đại biểu HĐND tỉnh đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát, tiếp xúc cử tri tại địa phương. Lãnh đạo 02 Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hoá và Thể thao đã trả lời trọng tâm, trực tiếp vào vấn đề chất vấn, không né tránh; làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm, đảm bảo nghiêm túc. Việc tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã đáp ứng yêu cầu đặt ra, được cử tri, dư luận xã hội quan tâm.
BBT