Hiệu quả hoạt động của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Lào Cai trong nửa nhiệm kỳ 2021 - 2026
Ban Pháp chế HĐND tỉnh được Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 bầu và phê chuẩn gồm 07 thành viên; trong đó 01 Trưởng ban, 01 Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách, 05 Ủy viên là lãnh đạo các ngành, địa phương hoạt động kiêm nhiệm. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chương trình hoạt động của HĐND tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, tập thể Ban Pháp chế luôn phát huy những kết quả đã đạt được, đoàn kết thống nhất, tập trung trí tuệ, đổi mới phương thức hoạt động, phối hợp với các Ban HĐND tỉnh, các cấp, các ngành có liên quan để hoàn thành xuất sắc các nội dung, chương trình hoạt động trọng tâm của Ban đã đề ra, cụ thể:
Trong việc chuẩn bị nội dung các kỳ họp của HĐND tỉnh, Ban Pháp chế đã chủ động phối hợp với các Ban, Văn phòng HĐND tỉnh chuẩn bị đầy đủ nội dung báo cáo kết quả hoạt động, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề, báo cáo thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo Nghị quyết trình tại 18 kỳ họp HĐND tỉnh. Giúp Thường trực HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu; xây dựng quy trình bầu cử các chức danh của HĐND, UBND tỉnh tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Công tác thẩm tra được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định; đã tiến hành thẩm tra 129 báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết liên quan đến cơ chế chính sách, biên chế, điều chỉnh địa giới hành chính; sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, tổ dân phố, công tác tổ chức cán bộ... Để có các ý kiến thẩm tra kịp thời, xác đáng, có tính thuyết phục tại các kỳ họp, hàng năm Ban đã chủ động xây dựng chương trình hoạt động của Ban, tập trung khảo sát, giám sát thực tế ở các đơn vị, cơ sở; tham gia tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri. Thông qua các báo cáo thẩm tra, Ban đã cung cấp nhiều thông tin, luận cứ quan trọng, có tính phản biện khoa học để HĐND xem xét, quyết định đúng đắn, kịp thời các vấn đề thuộc các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng chính quyền, quản lý địa giới hành chính...

Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát tại cơ sở
Trong hoạt động tiếp xúc cử tri, các thành viên Ban đã thực hiện tốt vai trò trách nhiệm của người đại biểu HĐND; thường xuyên liên hệ và tiếp xúc với cử tri nơi bầu ra mình theo kế hoạch tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp, tiếp xúc nơi cư trú, nơi làm việc... Trong các cuộc tiếp xúc đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, nguyện vọng của cử tri, kịp thời tổng hợp gửi đến Thường trực HĐND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đồng thời chú trọng theo dõi, giám sát các nội dung đang được nhân dân và cử tri quan tâm như chính sách cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; công tác bảo vệ môi trường, quản lý đất đai, tài nguyên; công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, điều tra, truy tố, xét xử, công tác xây dựng chính quyền, quản lý, sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp... Đồng thời qua tiếp xúc cử tri, các thành viên của Ban đã giải thích, tuyên truyền nội dung các nghị quyết HĐND đã ban hành, chủ động nắm bắt, đề xuất hoạt động giám sát của Ban hàng năm vừa đảm bảo sát với định hướng của Thường trực, đúng các nội dung thuộc lĩnh vực pháp chế, phù hợp với tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ của Ban.
Đối với hoạt động giám sát, khảo sát, Ban Pháp chế đã triển khai thực hiện đúng chương trình, kế hoạch, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Báo cáo kết quả khảo sát, giám sát đảm bảo khách quan, công khai, phản ánh đúng thực tế của địa phương, đơn vị, đồng thời kiến nghị kịp thời với các cấp, các ngành chức năng những vấn đề cần xem xét giải quyết. Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Ban đã tham mưu cho HĐND, Thường trực HĐND và chủ động triển khai 18 cuộc giám sát chuyên đề; giám sát, khảo sát thường xuyên đối với các cơ quan thuộc khối nội chính, một số sở ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện các quy định của pháp luật tại địa phương, trong đó có 07 cuộc giám sát chuyên đề, qua giám sát đã ban hành 114 kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền, cụ thể: Giám sát việc sắp xếp tổ chức bộ máy và thực hiện chính sách tinh giản biên chế các cơ quan hành chính nhà nước; công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý biên chế sự nghiệp giáo dục; việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức biệt phái, luân chuyển; về hòa giải ở cơ sở; về thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ; tình hình chấp hành pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; việc tạm đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra; về cải cách thủ tục hành chính nhà nước; công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh. Trong hoạt động giám sát, các thành viên Ban đã chủ động sắp xếp công tác chuyên môn để tham gia các Đoàn giám đầy đủ; chú trọng việc nghiên cứu tài liệu, nắm tình hình cơ sở, trao đổi ý kiến tham gia với các cấp, các ngành đúng, sát thực tiễn, trên cơ sở các quy định của pháp luật và được các cơ quan, đơn vị đánh giá cao, tiếp thu khắc phục. Ban luôn chú trọng đổi mới về phương thức, phù hợp với yêu cầu, nội dung, đối tượng cần giám sát và điều kiện thực tế của Ban. Qua các cuộc giám sát, Ban đã kịp thời phát hiện nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương của các cấp, ngành, qua đó Ban kiến nghị tới các cấp, các ngành ở Trung ương và UBND tỉnh, các sở ngành, cơ quan, đơn vị trực tiếp thực thi nhiệm vụ; giúp UBND tỉnh và các ngành chức năng khắc phục, chấn chỉnh kịp thời trong công tác điều hành, chỉ đạo; kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết với đời sống xã hội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hiệu quả sử dụng các nguồn lực, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể thấy, trong nửa nhiệm kỳ 2021- 2026, Ban Pháp chế đã đảm bảo thực hiện các hoạt động đúng chương trình đã được HĐND tỉnh thông qua. Qua một nhiệm kỳ hoạt động, Ban Pháp chế rút ra một số kinh nghiệm, đó là: Cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm cụ thể theo từng tháng, quý. Chú trọng giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh trong từng năm hoặc từng giai đoạn; tập trung giám sát những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cử tri quan tâm; bố trí quỹ thời gian phù hợp cho công tác giám sát, coi trọng việc tổ chức khảo sát thực tế. Khi tổng hợp các kiến nghị sau giám sát cần chú ý các kiến nghị nêu ra phải thiết thực, cụ thể, rõ nội dung, địa chỉ thực hiện và có tính khả thi; tùy nội dung của từng cuộc giám sát mà phân loại cho rõ trách nhiệm của cấp nào, ngành nào, tính cấp thiết của vấn đề phải chấn chỉnh, khắc phục hay sửa đổi, bổ sung. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện việc giải quyết ý kiến kiến nghị sau giám sát; đối với những kiến nghị chưa được giải quyết, có thể gửi văn bản nhắc nhở, đôn đốc, yêu cầu báo cáo hoặc tổ chức tái giám sát hoặc cần thiết đưa thành nội dung giải trình, chất vấn tại các kỳ họp HĐND. Các thành viên Ban cần thường xuyên nắm tình hình cơ sở, lắng nghe ý kiến Nhân dân, nắm bắt thông tin kịp thời bằng nhiều kênh như trên báo, đài, internet, thường xuyên nghiên cứu, nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.
Thanh Trúc