Một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện hoạt động giám sát của Ban HĐND

Hoạt động giám sát của HĐND là giám sát của thể chế, thông qua giám sát, HĐND thể hiện quyền lực của nhân dân, có ý nghĩa là sự thay mặt cho nhân dân giám sát quyền lực nhà nước. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015 là một bước tiến lớn trong hoạt động của các cơ quan dân cử. Luật đã quy chuẩn hóa các hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội và HĐND, là hành lang pháp lý cho những căn cứ giám sát, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng giám sát phải chấp hành.Từ khi thực hiện Luật Hoạt động giám sát, chất lượng giám sát của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai ngày càng được nâng lên. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, tồn tại, vướng mắc mà qua thực tế hoạt động giám sát của các Ban HĐND còn vướng mắc.

Theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn trao cho HĐND rất lớn, nhưng chế tài xử lý những kiến nghị sau giám sát, cùng với đó là tổ chức bộ máy chưa tương xứng. Việc kiến nghị giám sát của HĐND về các vi phạm trong thực hiện pháp luật, quản lý kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội… cùng những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cơ quan, công dân mới chỉ dừng lại ở những kiến nghị. Hiện nya chưa có chế tài bắt buộc phải thực hiện giải quyết các yêu cầu kiến nghị của đoàn giám sát của HĐND, Ban HĐND đối với các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn hoặc cấp trên. Điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện các kiến nghị giám sát của HĐND trong thực tiễn.

Việc tổ chức giám sát không phải chỉ có HĐND tiến hành mà hoạt động giám sát do nhiều cấp, nhiều chủ thể khác tiến hành: UBTV Quốc hội, HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND các cấp và các Ban của HĐND ngoài ra còn có hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước; kiểm tra, giám sát của cơ quan Đảng, giám sát phản biện xã hội của UBMTTQ nên dễ dẫn đến việc chồng chéo trong hoạt động giám sát, gây khó khăn cho đối tượng giám sát.

anh tin bai

Ban Kinh tế - Ngân sách giám sát công tác tái định cư cho nhân dân tại Dự án giải phóng mặt bằng

Cảng hàng không Sa Pa, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên

Giống như Quốc hội, HĐND là cơ quan dân cử có tính chất đại diện cho nhân dân để thực hiện quyền lực của nhân dân trong quản lý nhà nước thể hiện qua các kỳ họp của HĐND. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các kỳ họp HĐND đều diễn ra trong thời gian rất ngắn. Đối với kỳ họp thường lệ (kỳ họp có tính chất định kỳ, quan trọng) thường chỉ diễn ra trong 2 - 3 ngày; kỳ họp giải quyết các công việc phát sinh thường chỉ diễn ra từ 0,5-1 ngày. Việc bố trí thời gian dành cho chất vấn của đại biểu rất ít. Nên không tránh khỏi ít nhiều mang tính hình thức, chưa chú ý đến chất lượng, chưa thực sự là cơ quan đại diện cho quyền lực của nhân dân.

Về thực tế hoạt động, nhiều nội dung kiến nghị sau giám sát của các ban HĐND tỉnh chưa được giải quyết trong thời gian dài. Nhưng công tác theo dõi, đôn đốc chưa kịp thời, nhất là những nội dung xuyên suốt nhiều kỳ họp chưa được trả lời, giải quyết dứt điểm, nên ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát. Số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách chiếm tỉ lệ hạn chế, bởi quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương (Điều 18). Tại Lào Cai, các Ban HĐND tỉnh chỉ có Trưởng ban, Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách. Số lượng đại biểu chuyên trách hạn chế, áp lực công việc nhiều, hệ thống chuyên viên giúp việc ít, chưa có cơ chế thuê chuyên gia nên hạn chế kết quả hoạt động giám sát của Ban. Bên cạnh đó, một số đại biểu HĐND giữ cương vị lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị nhà nước, khi thực thi trách nhiệm của đại biểu còn né tránh, ngại va chạm nên chất lượng thảo luận, giám sát tại các kỳ họp HĐND chưa cao.

Việc áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động HĐND, đặc biệt là trong hoạt động giám sát tuy đã phát triển vượt bậc. Nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu ở cả hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, kho dữ liệu để phục vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động giám sát của HĐND. Bên cạnh đó, trình độ sử dụng công nghệ thông tin của một số không nhỏ đại biểu HĐND còn yếu. Một nguyên nhân của việc chậm trễ trong giải quyết các kiến nghị sau giám sát của HĐND còn khá “tế nhị”, đó là vị thế chính trị của các Ban HĐND chưa cao. Trưởng Ban HĐND chưa phải là cấp ủy viên nên cũng có những khó khăn nhất định trong hoạt động giám sát của các Ban HĐND. Bên cạnh đó, chưa có chế độ đãi ngộ đảm bảo thu hút được người thực sự có năng lực muồn tham gia đại biểu nhất là đại biểu chuyên trách HĐND.

Ở đây xin nêu ra một vài nguyên nhân chủ yếu, đó là: Các quy định của pháp luật về vai trò chức năng, thẩm quyền của HĐND, Thường trực, Ban, đại biểu HĐND về hoạt động giám sát còn định tính. Các chế tài xử lý sau giám sát của HĐND chưa quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong Luật Hoạt động giám sát; các đại biểu chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm chưa nhiều dành thời gian cho hoạt động giám sát. Công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động giám sát của HĐND đến với cử tri và nhân dân chưa sâu rộng, toàn diện, do vậy việc nhận được thông tin phản hồi từ phía cử tri và nhân dân liên quan đến lĩnh vực được giám sát còn hạn chế; Hoạt động giám sát của HĐND chủ yếu do đại biểu HĐND chuyên trách thực hiện. Trong khi đó tỉ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách chưa cao, đội ngũ giúp việc cho đại biểu chuyên trách không nhiều do phụ thuộc vào biên chế được giao của Văn phòng theo quy định; trình độ, năng lực tham gia hoạt động giám sát, nhất là đối với một số lĩnh vực giám sát đòi hỏi phải có chuyên môn sâu của một số đại biểu HĐND còn hạn chế. Chưa có quy định, cơ chế thuê chuyên gia để phục vụ hoạt động giám sát của đại biểu HĐND; các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu như dự toán thu, chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản; kỹ năng phân tích các vấn đề tại kỳ họp của một số đại biểu còn hạn chế, nên chưa phân tích, đánh giá được báo cáo, tờ trình, đề án UBND cùng cấp đưa ra trong thực hiện hoạt động giám sát. Việc áp dụng công nghệ thông tin mặc dù đã được nâng co hơn nhiều so với trước, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND. Do đó phần nào hạn chế hiệu quả, chưa đảm bảo tính kịp thời trong hoạt động giám sát của Ban HĐND.

 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND năm 2015 là một bước tiến lớn trong việc xác lập quyền giám sát của cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước ở địa phương, Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động, Luật hoạt động giám sát vẫn còn có những điểm chưa hoàn thiện, chưa có chế tài đủ mạnh để thực hiện quyền lực của của nhân dân giao trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Ngô Quyền

Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập