Bảo Thắng triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ về y tế dự phòng
Trong năm 2024, Trung tâm y tế huyện Bảo Thắng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không lơ là chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Thực hiện chương trình công tác năm 2015, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức Đoàn khảo sát về việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về y tế dự phòng tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Qua khảo sát cho thấy: Ngay từ đầu năm, trung tâm y tế đã tham mưu Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh phục vụ các sự kiện lớn của huyện (Lễ giao nhận quân, các hội nghị…). Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch, giảm số mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm; đảm bảo công tác kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn huyện và sẵn sàng các phương án phòng chống các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi tái nổi (COVID-19, Ebola, MERS-CoV, đậu mùa khỉ...), phát hiện, xử lý kịp thời các ca bệnh, không để lây lan trong cộng đồng; thành lập tổ giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu và tổ điều trị; chuẩn bị khu vực thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng và tử vong. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh. Có biện pháp kịp thời xử lý nghiêm với những trường hợp không chấp hành các quy định, làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn huyện; Bảo đảm hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương. Tổ chức thường trực 24/24h, giám sát dịch tễ tại 100% xã, thị trấn, đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Công tác tiêm chủng mở rộng được tăng cường, năm 2024 số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đạt tỷ lệ 98,64 %, trong đó không có các trường hợp phản ứng bất thường sau tiêm chủng. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã được Ban chỉ đạo công tác Y tế - dân số huyện quan tâm thực hiện, các văn bản đã được chỉ đạo triển khai và tuyên truyền kịp thời đến các cơ quan, đơn vị, thành viên Ban chỉ đạo Y tế - dân số huyện và các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc. Hiện ngành Y tế huyện đang quản lý 420 cơ sở, trong đó dịch vụ ăn uống 226 cơ sở, thức ăn đường phố 127 cơ sở, bếp ăn tập thể 67 cơ sở (theo phân cấp tuyến huyện quản lý 155 sơ sở, tuyến xã quản lý 265 cơ sở). Công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, từ đó nâng cao được nhận thức trong Nhân dân, đặc biệt người tiêu dùng đã biết lựa chọn thực phẩm an toàn, năm 2024 cơ bản không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em đã thực hiện đầy đủ cân đo định kỳ đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng cho 8.527/8.680 trẻ dưới 5 tuổi; trong đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 968/8.967; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi thể cân nặng/tuổi là 861/8.527; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi thể chiều cao/tuổi là 1.540/8.527 trẻ. Chương trình Dân số và phát triển, đã thực hiện các dịch vụ tư vấn, giáo dục dân số, giới tính, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc các dị dạng, dị tật bẩm sinh, kết quả cụ thể: Đã sàng lọc trước sinh (SLTS) cho 455/762 phụ nữ mang thai; sàng lọc sơ sinh (SLSS) cho 437/985 trẻ, trong đó đã phát hiện một số trường hợp nguy cơ cao bị bệnh đã được quản lý, theo dõi, tư vấn. Quản lý, tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn trong 6 tháng đầu năm 2024 cho 2353/3.850 cặp. Quản lý, khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc phát hiện bệnh sớm cho người cao tuổi tại cộng đồng; xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, chăm sóc sức khỏe tập trung cho người cao tuổi, quan tâm đến người cao tuổi là người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số. Ngoài ra, việc phòng chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến như phòng chống bệnh Lao, chăm sóc sức khoẻ tâm thần cộng đồng, các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và các dịch bệnh nguy hiểm khác cũng được thực hiện theo đúng quy định. Bên cạnh những kết quả nổi bật về thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng cũng còn không ít khó khăn như: Nhận thức về chăm sóc sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh của một bộ phận người dân vùng cao còn những hạn chế, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân; hệ thống các tạm y tế tuyến xã và phòng khám đa khoa khu vực được đầu tư từ lâu nay đã xuống cấp, chưa được đầu tư các hạng mục phụ trợ nên rất cần sự đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường trang thiết bị y tế cho các trạm y tế để kịp thời khám chữa bệnh, thực hiện y tế dự phòng ngay từ mỗi gia đình, thôn bản. Lực lượng cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng tại cơ sở còn mỏng, chưa được đào tạo tập huấn còn hạn chế; một số cán bộ cơ sở năng lực trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu; việc đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trung tâm y tế chưa đảm bảo; công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh chưa thường xuyên…

Đoàn công tác của Ủy Ban Văn hóa - Xã hội do đ/c Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội giám sát tại tỉnh Lào Cai
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ về y tế dự phòng trong thời gian tới rất cần các cấp, các ngành và UBND huyện, xã tiếp tục tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tầm quan trọng của công tác y tế dự phòng. Đặc biệt, là tuyên truyền vận động, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dịch vụ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sau sinh; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tình trạng tảo hôn, sinh con không đúng độ tuổi trên địa bàn; triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới; kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2022 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trung tâm y tế và các trang thiết bị tối thiểu của trạm y tế tuyến xã phù hợp mô hình mới sau khi sáp nhập các xã, phường; tập trung phát triển dịch vụ y tế, tăng cường dịch vụ khám chữa bệnh vùng khó khăn, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cơ sở; tiếp tục tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh theo mùa và sẵn sàng, chủ động đáp ứng nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh. Tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng đảm bảo phù hợp tình hình mới sau khi thực hiện sáp nhập xã, không còn cấp trung gian; hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân; cần tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế dự phòng nhằm phát triển nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là y tế cơ sở; xem xét nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ, khuyến khích tiếp nhận các bác sĩ, cán bộ có trình độ chuyên môn cao đến công tác tại địa phương.
Lưu Thị Hiên
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh