Tăng cường giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới
An ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề vô cùng cấp bách hiện nay bởi đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ Nhân dân và chất lượng giống nòi của cả dân tộc. Ngày 21/10/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới”. Theo đó, tháng hành động vì ATTP năm 2025 diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5/2025, hướng đến mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP; để đáp ứng ngày càng cao hơn trong công tác bảo đảm an ninh, ATTP. Do đó, tăng cường giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới là rất cần thiết.
Đối với tỉnh Lào Cai thuộc vùng Tây Bắc của Việt Nam, có địa hình đa dạng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nền nông nghiệp đa dạng với nhiều nông sản đặc trưng như rau, củ, cây ăn trái và nhiều đặc sản nông sản địa phương. Song do đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống của một bộ phận người dân khó khăn, nhận thức về ATTP còn hạn chế; phương thức sản xuất manh mún và chưa đồng bộ, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa đạt năng suất cao, các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm chủ yếu nhỏ lẻ, hộ gia đình, chưa có vùng nguyên liệu thực phẩm an toàn, ổn định... Việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm diễn ra trong bối cảnh không ít thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động như tuyên truyền, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, qua thực tế công tác kiểm tra trong 03 năm liên tục của một số sở chuyên ngành cho thấy: Ngành Y tế đã tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, chủ trì kiểm tra 19.007 cơ sở thực phẩm, trong đó 18.468 cơ sở đạt, đã phạt tiền 447 cơ sở với số tiền 1.201.592.000 đồng, 50 cơ sở tự tiêu hủy 1.063.4kg và 497 lít thực phẩm không đảm bảo chất lượng gồm các loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ… ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện 10 đợt hậu kiểm, kiểm tra, giám sát theo chuyên đề; lấy 258 mẫu nông sản giám sát (chè, quả, chuối, dứa, rau, thịt và sản phẩm phối chế từ thịt, thủy sản và sản phẩm phối chế từ thủy sản...) để thực hiện giám sát cảnh báo mối nguy về ATTP đối với nông sản thực phẩm đang sản xuất, sơ chế, kinh doanh lưu thông trên thị trường; kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào đã thực hiện 08 cuộc thanh, kiểm tra theo kế hoạch với 299 lượt cơ sở (kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản…). Nhìn chung, các cơ sở duy trì và chấp hành khá tốt các quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở do thay đổi địa điểm kinh doanh, thay đổi chủ sở hữu ngừng hoạt động do vậy việc duy trì một số điều kiện theo các nhóm tiêu chí đánh giá chưa thường xuyên, đoàn kiểm tra đã tiến hành nhắc nhở, hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở hoàn thiện các điều kiện đảm bảo theo qui định. Ngành Công thương kiểm tra ATTP đối với 989 cơ sở. Trong đó, số cơ sở đã xử lý vi phạm là 933 cơ sở; số tiền xử lý vi phạm hành chính 7,05 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tiêu hủy 9,09 tỷ đồng. Trong đó, các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng; vi phạm về nhãn hàng hóa (không có nhãn phụ tiếng Việt); vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP (kho bảo quản, trang thiết bị, vệ sinh cơ sở); chưa thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về tự công bố sản phẩm; vi phạm về niêm yết giá...

Một góc chợ Bắc Hà
Qua kết quả thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra cho thấy công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới còn một số hạn chế như: Số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn, chương trình quản lý ATTP tiên tiến (VietGAP, ISO...); chuỗi cung ứng thực phẩm chưa nhiều. Việc kiểm soát điều kiện vệ sinh ATTP trong giết mổ gia súc, gia cầm gặp nhiều khó khăn; việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm còn xảy ra. Trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý, tiêu hủy, kiểm nghiệm lấy mẫu đối với mặt hàng là ATTP giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ chưa đáp ứng yêu cầu. Hồ sơ, trình tự tự công bố sản phẩm đơn giản nên rất nhiều sản phẩm được nộp với các chỉ tiêu kiểm nghiệm, ghi nhãn sản phẩm không đạt yêu cầu theo quy định...
Để bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, triển khai và thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành về công tác quản lý ATTP, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai và tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như: Tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành về công tác quản lý ATTP trên toàn tỉnh. Hàng năm triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATTP, đặc biệt là các đợt chiến dịch tết Nguyên đán và mùa lễ hội; Tháng hành động “vì an toàn thực phẩm”; Tết Trung thu. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, trách nhiệm của cả cộng đồng, đặc biệt tập trung đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm tới đoàn viên, hội viên và người dân. Chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra, giám sát tại các cơ sở thực phẩm theo phân cấp, theo ngành quản lý; xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP. Xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng, ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ, hội nghị, hội thảo, Chương trình kết nối giao thương, sàn thương mại điện tử, nền tảng số, Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an ninh, an toàn thực phẩm. Xây dựng hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia. Cùng với các hoạt động trên, rất cần tăng cường vai trò giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND để bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP kịp thời.
Lưu Thị Hiên
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh