Công tác bảo vệ môi trường tại các đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Vấn đề môi trường trong thời đại ngày nay luôn là một trong các vấn đề nóng bỏng luôn được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội thì môi trường đang ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng do hoạt động sinh hoạt và kinh doanh sản xuất. Tại các khu đô thị, khu dân cư nơi tập trung mật độ dân số cao, sinh hoạt và sản xuất kinh doanh thực hiện với cường độ cao, thì việc xả thải chất thải ra môi trường với số lượng lớn mỗi ngày. Trong những năm qua, Chất lượng môi trường khu đô thị, khu dân cư tập trung ngày càng được các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai quan tâm.

Qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai, các khu vực dân cư tập trung các khu đô thị cơ bản chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư tập trung. Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại các đô thị khoảng 201,98 tấn/ngày khối lượng chất thải rắn xây dựng ước khoảng trên 63.150 tấn/năm (chỉ tính chất thải là vật liệu xây dựng đổ thải). Việc xử lý rác thải sinh hoạt ở các khu vực đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đều được các đơn vị dịch vụ công ích ký hợp đồng thu gom, vận chuyển chôn lấp. Đối với các khu vực đô thị: Thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát được Công ty Cổ phần môi trường đô thị Lào Cai thu gom, vận chuyển: rác hữu cơ đưa vào nhà máy để sản xuất mùn hữu cơ compost, rác vô cơ được chôn lấp tại bãi rác thôn Toòng Mòn, xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai. Đối với khu vực đô thị các huyện còn lại: UBND các huyện giao cho các đơn vị dịch vụ công ích như: Công ty TNHH MTV Môi trường công nghiệp Hoàng Yến; Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Công Chiểu tổ chức thu gom, vận chuyển về bãi rác của huyện để chôn lấp. Việc quy hoạch các ga rác, tại các địa phương đã được quan tâm, toàn tỉnh đã quy hoạch đầu tư 16 ga rác để tập trung rác thải sinh hoạt, xác định 13 vị trí đổ rác thải xây dựng trên địa bàn huyện Bát Xát. Tuy nhiên việc bố trí các ga rác có vị trí còn chưa phù hợp, các địa phương (Văn Bàn, Bảo Yên, Si Ma Cai..) chưa bố trí được quỹ đất để các đơn vị thu gom tập trung rác, trước khi chở đi chôn lấp nên để xẩy ra tình trạng chưa đảm bảo an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường tại các ga rác tạm. Qua khảo sát chỉ có 3 địa phương tham gia vào đề án phân loại CTRSH tại nguồn thực hiện phân loại rác thải, còn lại đa số các địa phương chưa thực hiện.

anh tin bai

Thường trực HĐND giám sát môi trường tại thị xã Sa Pa

Công tác đầu tư các công trình  hạ tầng về môi trường đã được UBND tỉnh quan tâm, tuy nhiên đa số các bãi rác tập trung đã được đầu tư từ lâu, các huyện đều chưa có nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt; bãi rác thị xã Sa Pa không thực hiện đầy đủ theo quy trình chủ yếu là nơi đổ thải, không đầu tư hệ thống chống thấm, không có công trình phụ trợ, nước ri rác thải gây ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ gia đình, doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh (thôn Can Hồ Mông xã Ngũ Chỉ Sơn)...; việc quản lý sau đầu tư chưa đảm bảo, một số bãi rác bị mất tấm lót HDPE; theo thống kê toàn tỉnh có 71 bãi chôn lấp rác cấp xã, 169 nghĩa trang. Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư của các bãi rác chưa cao do vị trí địa hình quy hoạch bãi rác chưa phù hợp; Việc xây dựng nghĩa trang nhân dân tại các xã, các điểm dân cư đã được các địa phương chú ý quy hoạch và xây dựng, nhưng do phong tục tập quán lạc hậu, người dân không chôn cất người thân tại nghĩa trang đã được quy hoạch...

Theo thống kê tổng lượng nước thải đô thị phát sinh khoảng trên 25.327,2m3/ngày đêm. Về cơ bản 100% nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị loại IV trở lên được thu gom xử lý bằng hệ thống xử lý nước thải của các hộ gia đình và các hộ kinh doanh (nhà hàng, khách sạn, khu đô thị,…). Trong đó nước thải được thu gom, xử lý qua hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt khoảng 30 - 35%. Các dự án đầu tư trong khu đô thị (nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại,...) đều đã hệ thống xử lý nước thải riêng. Về cơ sở hạ tầng, đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung: Tiếp tục duy trì, nâng cấp các trạm/nhà máy đang hoạt động: Trạm xử lý nước thải thành phố Lào Cai đầu tư bổ sung hệ thống thu gom nước thải tại khu vực các phường Cốc Lếu, Duyên Hải dẫn về nhà máy; đang chuẩn bị khởi công dự án cải tạo, nâng cấp nhà máy xử lý nước thải Đông Phố Mới để thu gom nước sinh hoạt khu vực phường Lào Cai, xã Vạn Hòa (hiện nhà máy này đã không hoạt động từ lâu); tiếp tục vận hành thử nghiệm 02 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tại thị xã Sa Pa với tổng công suất 7.500 m3/ngày đêm (dự kiến bàn giao đưa vào sử dụng chính thức trong năm 2022); đồng thời tiếp tục làm việc với cộng đồng đô thị Grand Periguex ‑ Cộng hòa Pháp để triển khai dự án thu gom và xử lý nước thải thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà. Tuy nhiên tại các bãi rác, hầu hết hệ thống máy móc bể lắng (Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai) chưa được vận hành dẫn đến nước thải từ đáy bãi rác bị rò rỉ, ngấm vào đất gây ô nhiễm môi trường.

Việc thực hiện Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thể hiện sự quyết tâm của tỉnh Lào Cai trong công tác bảo vệ môi trường. Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cơ sở đã tích cực vào cuộc, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện. Sau 05 năm thực hiện đề án, đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2016 tỷ lệ trung bình người dân tham gia phân loại tại 03 huyện/thị xã/thành phố đạt 50%, chất lượng phân loại đạt thấp 37%, đến năm 2020 tỷ lệ trung bình người dân tham gia phân loại đạt 87 %, chất lượng phân loại đạt 78%, tỷ lệ rác vô cơ lẫn rác hữu cơ giảm, chiếm 25%. Việc triển khai Đề án phân loại CTRSHTN góp phần giảm diện tích chôn lấp rác thải, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy xử lý rác thải thành phố Lào Cai vận hành hiệu quả, chất lượng phân compost tốt hơn, từng bước đem lại nguồn thu cho công ty CP môi trường đô thị Lào Cai. Giai đoạn 2016-2020 đạt doanh thu từ xử lý rác thải là 4.419 triệu đồng. Tuy nhiên việc triển khai còn nhiều lúng túng, chưa có sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền nên hiệu quả chưa cao, việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn chủ yếu chỉ thực hiện được ở những xã có chợ hoặc khu dân cư tập trung và đang có chiều hướng giảm về chất lượng phân loại rác thải tại nguồn sau khi UBND tỉnh triển khai nhân rộng trên toàn tỉnh.

Về kinh phí thực hiện: Năm 2020-2021, số thu được từ dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt toàn tỉnh là 38.011 triệu đồng, số ngân sách tỉnh bổ sung 201.432 triệu đồng. Riêng năm 2022, dự toán thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện, thành phố là 18.943 triệu đồng. Số ngân sách tỉnh dự kiến bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các huyện, thị xã, thành phố 139.385 triệu đồng. Hiện nay, các địa phương mới chỉ lập dự toán thu dịch vụ ở các phường, thị trấn và khu dân cư tập trung; chưa rà soát lập dự toán ở các xã, khu dân cư nông thôn. Sau khi cân đối với số kinh phí ngân sách tỉnh bổ sung và số thu được, các địa phương thực hiện trình tự đấu thầu, đặt hàng và khoán thẳng cho đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện thu, nếu hụt thu, đơn vị cung cấp dịch vụ tự cân đối bù. Tuy nhiên, số thực thu so với dự toán thường không đạt kế hoạch (thu dịch vụ tại xã Tân An, huyện Văn Bàn năm 2021 chỉ đạt 47,4%; huyện Bát Xát đạt 79% ...). Việc cân đối chi của các địa phương chưa được sự quan tâm đúng mức nên hầu như các địa phương không bố trí từ ngân sách cho hoạt động này. Một số địa phương không thực hiện trích 10% trên tổng số thu dịch vụ để chi trả cho các tổ chức cá nhân phối hợp tổ chức thu dịch vụ nguyên nhân là do số thu được không đạt nên đơn vị cung cấp dịch vụ phải tự cân đối chi trả. Bên cạnh đó một số quy định của Quyết định số 51/20218/QĐ-UBND cũng còn có những bất cập, không còn phù hợp với tình hình hiện tại, nhất là trong điều kiện dịch bệnh covid-19 kéo dài, nhiều hộ kinh doanh phải dừng hoạt động nhưng vẫn phải nộp tiền dịch vụ…

Trong thời gian tới, công tác bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung sẽ được tỉnh Lào Cai quan tâm đầu tư hơn nữa. Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng về môi trường tại các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư tập trung, để thu hút các doanh nghiệp tham gia thực hiện công tác bảo vệ môi trường, thi việc vận động người dân có ý thức hơn, có trách nhiệm hơn và thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với công tác bảo vệ môi trường cần được đẩy mạnh hơn để Lào Cai thực sự là một tỉnh xanh, sạch, đẹp với một môi trường đang sống.

                                                                     Ngô Quyền

Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập