image banner
Hoạt động thẩm tra việc thực hiện nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân

Hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND đối với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp HĐND là hoạt động có tính chất thường xuyên định kỳ. Bài viết này, chúng tôi trao đổi một số ý kiến về thực hiện thẩm tra báo cáo thực hiện nghị quyết chất vấn của các cơ quan, người được chất vấn tại kỳ họp HĐND.

Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân: “Chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, người đã trả lời chất vấn có trách nhiệm gửi báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước đến Thường trực Hội đồng nhân dân để chuyển đến các đại biểu Hội đồng nhân dân. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND giao các Ban thẩm tra báo cáo về hoạt động chất vấn và báo cáo tại kỳ họp. Tại Kỳ họp thứ 20 (Kỳ họp thường lệ) HĐND tỉnh Lào Cai đã thực hiện chất vấn hai lĩnh vực: Lĩnh vực giáo dục và đào tạo với các vấn đề: Công tác quản lý giáo dục, chất lượng giáo dục, công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh; lĩnh vực văn hóa - thể thao tập trung vào vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa con người Lào Cai và thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

Khi tiến hành thẩm tra việc thực hiện nghị quyết về chất vấn, trước hết phải căn cứ vào các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh, lĩnh vực giáo dục và đào tạo có 19 chất vấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã trả lời tại phiên chất vấn 10 câu hỏi, còn lại 08 câu chất vấn, Giám đốc Sở trả lời bằng văn bản gửi đến các đại biểu HĐND tỉnh. Đối với lĩnh vực Văn hóa và Thể thao có 14 câu hỏi chất vấn, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao trả lời tại phiên chất vấn là 08 câu chất vấn, còn 05 câu chất vấn, Giám đốc Sở trả lời bằng văn bản gửi đến các đại biểu HĐND tỉnh. Những nội dung cụ thể, và các lời hứa của các giám đốc sở khi được chất vẫn sẽ là căn cứ cụ thể để thẩm tra kết quả thực hiện các nội dung chất vấn và lời hứa của các “tư lệnh” ngành.

Nội dung của Nghị quyết về chất vấn bao giờ cũng là những nội dung khái quát, yêu cầu giám đốc các Sở được chất vấn phải triển khai thực hiện. Do đó, khi thẩm tra Báo cáo thực hiện nghị quyết về chất vấn đòi hỏi phải đọc kỹ từng câu, chữ, từng ý trong Nghị quyết, từ đó đối chiếu với báo cáo thực hiện nghị quyết, để chỉ ra những việc đã thực hiện, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và cả những nội dung chưa thực hiện. Kết thúc Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn (gọi tắt là Nghị quyết số 43). Đây là nghị quyết chuyên đề về hoạt động chất vấn đầu tiên của HĐND khóa XVI. Ngày 17/11/2024 UBND tỉnh đã có Báo cáo số 530/BC-UBND việc thực hiện Nghị quyết số 43 báo cáo với HĐND tỉnh tại kỳ họp 24 (kỳ họp thường lệ giữa năm). Thường trực HĐND tỉnh đã giao Ban Văn hóa – Xã hội thẩm tra báo cáo 530 của UBND tỉnh. Qua thẩm tra, Ban Văn hóa – Xã hội thấy rằng, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo đối với các Sở đã ban hành Kế hoạch, các văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-HĐND. Cơ bản các nội dung trong Nghị quyết 43 đã và đang được chỉ đạo thực hiện. Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, công tác quản lý nhà nước về giáo dục được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Mạng lưới trường lớp tiếp tục được quy hoạch lại cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Các địa phương trong tỉnh và ngành đã có nhiều biện pháp linh hoạt, chủ động trong tổ chức cho học sinh tránh trú an toàn trong đợt thiên tai mưa lũ do cơn bão số 3 vừa qua. UBND tỉnh đã chủ động, kịp thời trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết không thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên năm học 2024-2025 nhằm giảm bớt khó khăn cho học sinh và phụ huynh trong vùng ảnh hưởng thiên tai mưa lũ của cơn bão số 3. Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều tiến bộ, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu đạt kết quả cao. Trường học đạt chuẩn Quốc gia tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng (toàn tỉnh đã đạt 67,2%) góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được củng cố, nâng cao cả về cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục toàn diên, trở thành trụ cột của giáo dục vùng cao. Công tác phối hợp giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội khá chặt chẽ trong công tác tư vấn, định hướng và hướng nghiệp cho học sinh; trong quản lý các trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp. Kết quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh có chuyển biến mạnh; số lượng học sinh tốt nghiệp THCS tăng; tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung học phổ thông, học nghề các trình độ chuyển biến tích cực. Chất lượng công tác văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao và công tác quản lý nhà nước về văn hóa tiếp tục được nâng cao. Chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người (HDI) được quan tâm hướng tới phát triển toàn diện con người Lào Cai về nhân cách, đạo đức, tình cảm, trí lực, thể lực, tầm vóc; về tảo hôn… được đặc biệt quan tâm. Việc phát triển các phong trào văn nghệ, thể thao được chú trọng, đây chính là nền tảng cho sự phát triển thể thao thành tích cao và phát hiện các nhân tố mới cho văn hóa nghệ thuật. Việc tổ chức các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2024 - 2026 đã đi vào nề nếp và được quản lý tương đối tốt, dần trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch, quảng bá, giới thiệu về văn hóa, con người cũng như các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh Lào Cai đến với du khách trong và ngoài nước. Việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm. Ý thức tuân thủ pháp luật ngày càng được nâng cao, các tệ nạn xã hội ngày càng bị đẩy lùi. Việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị lành mạnh trên cơ sở kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống đã trở thành nét tiêu biểu trong văn hóa con người Lào Cai.

anh tin bai

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp

Việc đánh giá các tồn tại hạn chế trong thực hiện nghị quyết về chất vấn phải trên cơ sở của những nội dung được chất vấn. Qua các cuộc khảo sát, giám sát, tiếp xúc cử tri và phản ánh của các đại biểu HĐND các cấp, nhất là tại địa bàn đượcvchất vấn để đưa ra các nhận định, đánh giá về những việc còn chưa thực hiện được của Nghị quyết chất vấn. Qua thẩm tra, bên cạnh những khó khăn, tồn tại hạn chế mà UBND tỉnh đã chỉ ra như: Về giáo dục và đào tạo: Một số quy định, cơ chế, chính sách của Trung ương chưa được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung kịp thời để giải quyết các vấn lớn mà thực tiễn đang đặt ra; nhận thức về yêu cầu, bản chất đổi mới giáo dục của một số ít cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ quản lý, giáo viên còn chưa thực sự sâu sắc; còn có cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, nhất là đối với những giáo viên tuổi cao, công tác lâu năm ngại thay đổi; còn có Hiệu trưởng yếu kém trong công tác quản lý, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến ngành, đến tỉnh; còn có một số học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật giao thông, tại nạn giao thông, điều khiển mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, sử dụng thuốc lá điện tử, bạo lực học đường; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề đã tăng nhưng mức tăng nhưng chưa đạt mục tiêu đề án… Về văn hóa và thể thao: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên về văn hóa, đầu tư cho văn hóa còn hạn chế; việc quy hoạch, đầu tư thiết chế văn hóa nhất là cấp huyện, cấp xã chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều nhà văn hóa thôn bản diện tích nhỏ, khó khăn trong việc mở rộng; còn thiếu công trình văn hóa như: sân vận động, thư viện, bảo tàng, nhà truyền thống. Một số tập tục lạc hậu vẫn tồn tại ở vùng cao, vùng sâu. Các tệ nạn xã hội có lúc, có nơi còn xảy ra như tệ nạn ma túy, cờ bạc… ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa gia đình, việc giáo dục nhân cách, xây dựng văn hóa con người Việt Nam nói chung và con người Lào Cai nói riêng; công tác quản lý văn hóa tại các khu, điểm du lịch có lúc chưa chặt chẽ; việc đấu tranh chống sự xâm hại của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức hiệu quả chưa cao, nhất là trên không gian mạng; năng lực của một bộ phận cán bộ thực hiện công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu; việc thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển công nghiệp văn hóa còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước về đô thị, trật tự đô thị, quảng cáo đôi khi còn chưa kịp thời, đặc biệt trong công tác kiểm tra, phát hiện các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh để đề xuất các biện pháp ngăn chặn và kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng; công tác vệ sinh môi trường còn chưa đảm bảo ở một số tuyến đường, ngõ xóm khu dân cư, đặc biệt vùng có dân cư thưa (các khu tái định cư, các khu đô thị do các doanh nghiệp san gạt bán đất nền...) gây khó khăn cho công tác xây dựng tuyến đường, phố văn minh đô thị và xây dựng cảnh quan chung của phường, thị trấn, thị xã, thành phố… Ban Văn hóa - Xã hội cũng chỉ ra một số khó khăn, tồn tại ngoài những vấn đề đã được nêu trong báo cáo của UBND tỉnh như: Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Việc dạy thêm, học thêm ở một vài nơi thuộc khu vực đô thị, vẫn còn những biểu hiện tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội; việc thành lập thêm trường học tại khu vực Bắc Cường chậm, trong khi ở khu vực này dân số đông, số trẻ trong độ tuổi đến trường lớn, nhưng số trường học ít, học sinh đến trường phải đi ngang qua nhiều con đường lớn, có mật độ giao thông cao tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho học sinh; một vài lãnh đạo quản lý của một số cơ sở giáo dục chưa thực sự là tấm gương cho đồng nghiệp và học sinh; hiện vẫn còn 8,44% học sinh học xong THCS và 9.66% học sinh tốt nghiệp THPT không tiếp tục học nghề mà ở nhà lao động trực tiếp… Đối với lĩnh vực văn hóa - thể thao: Còn một số nội dung của Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh chưa được thực hiện và báo cáo như: Chưa kịp thời biểu dương, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng và tạo sức lan tỏa trong xã hội; cải tạo tập quán lạc hậu, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đáp ứng yêu cầu của nếp sống hiện đại, văn minh, tiến bộ; rà soát hoàn thiện chuẩn mực đạo đức chung, những quy tắc, quy định, tiêu chí để hướng dẫn thực hiện nếp sống nơi công cộng bảo đảm sự kết hợp hài hóa giữa truyền thống và hiện đại… Bên cạnh những kết quả thành tích đạt được trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị, vẫn còn nhiều hiện tượng chưa đẹp trong đời sống văn hóa văn minh ở các đô thị tỉnh Lào Cai, đó là ý thức của một bộ phận người dân về giữ gìn vệ sinh đô thị ở những nơi công cộng như công viên, nhà văn hóa, sân chơi thể thao chưa cao, nên còn hiện tượng vứt rác, viết, vẽ lên hàng rào, bờ tường… Việc sử dụng túi nilon tràn lan chưa có giải pháp thay thế bằng những vật liệu dễ phân hủy, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường… Từ đó có những kiến nghị, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo và sở, ngành được chất vấn thực hiện nghị quyết về chất vấn một cách có hiệu quả.

Qua việc thẩm tra báo cáo thực hiện nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND là sự giám sát của cơ quan dân cử đối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Kết quả thẩm tra báo cáo thực hiện nghị quyết về chất vấn của UBND tỉnh thấy rằng, Nghị quyết về chất vấn đã tạo sự chuyển biến thực sự trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan được chất vấn; rút ra những bài học kinh nghiệm, thực hiện nghiêm túc lời hứa của người đứng đầu, nâng cao hiệu lực hiệu quả trong hoạt động của HĐND tỉnh.  

Ngô Quyền

Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập