Một số khó khăn trong thực hiện chính sách pháp luật về công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý ở Lào Cai
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai đã tăng cường công tác chỉ đạo các ngành có liên quan thực hiện chính sách pháp luật về công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma túy đạt được nhiều kết quả quan trọng, song cũng không ít khó khăn, vướng mắc cần sớm được các cấp, các ngành tháo gỡ.
Qua giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai cho thấy, hiện số người nghiện ma tuý, sử dụng trái phép chất ma tuý có hồ sơ quản lý tính trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 4.216 người, trong đó số người nghiện ma túy là 3.653 người, tỷ lệ người nghiện ma túy là nam giới chiểm phần lớn 97%, độ tuổi từ 18 đến 50 trên 85%; hầu hết đối tượng nghiện ma túy rất phức tạp, là người từng có tiền án tiền sự, không nghề nghiệp, gia đình khó khăn, trình độ văn hóa thấp, còn học viên chưa biết chữ… Trước thực trạng đó, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cân đối nguồn lực dành cho công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý. Theo đó, công tác triển khai thực hiện chính sách pháp luật về công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện luôn được các ngành, các địa phương triển khai kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả; công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đấu tranh phòng, chống, kiểm soát cai nghiện ma tuý được tăng cường, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua hệ thống truyền thông của tỉnh, của huyện; pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu và các hoạt động truyền thông được tổ chức lưu động tại các xã, phường, thị trấn đến tận thôn, bản, tổ dân phố; lồng ghép tổ chức trong các hoạt động Đoàn - Đội tại các trường học, tại các công ty doanh nghiệp, trong các hoạt động của Ban Tuyên vận đã đạt được nhiều kết quả. Các cơ sở cai nghiện bắt buộc thực hiện nghiêm túc các quy trình cai nghiện, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quản lý và tổ chức điều trị, cai nghiện. Việc rà soát, quản lý số người nghiện trên địa bàn đã được công an xã và các lực lượng chức năng có liên quan phối hợp chặt chẽ. Công tác quản lý sau cai tái hoà nhập cộng đồng đã được quan tâm; chính sách hỗ trợ việc làm để ổn định đời sống cho người sau cai nghiện bước đầu đạt hiệu quả góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma túy còn một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách pháp luật về công tác cai nghiên ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy ở một số đơn vị cơ sở có lúc, có nơi còn chưa được chú trọng. Vai trò của các ngành, Mặt trận, các đoàn thể và tổ chức xã hội ở địa phương về tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy còn gặp nhiều khó khăn; công tác vận động cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và trong việc hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho các đối tượng sau cai nghiện hiệu quả thấp. Cơ bản đối tượng cai nghiện xong trở về địa phương nhưng rất nhanh sau đó lại tái nghiện. Về cơ sở vật chất: tính đến thời điểm giám sát cơ sở cai nghiện bắt buộc trang thiết bị còn thiếu so với mức tối thiểu. Hệ thống điện, nước sạch, xử lý chất thải, rác thải chưa đảm bảo; không có hệ thống chống sét cho các công trình nhà ở của học viên nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão; một số học viên tuổi cao, sức khoẻ yếu, nhiều bệnh nền, bệnh truyền nhiễm nhóm A thường xuyên phải cấp cứu, điều trị nhưng chưa được trang bị xe cứu thương chuyên dụng. Cơ sở cai nghiện tự nguyện sau sáp nhập cơ sở vật chất đang sử dụng trụ sở cũ của công an phường do đó một số phòng chức năng chưa phù hợp, chưa đảm bảo. Cơ sở điều trị, điểm cấp phát thuốc Methadone cùng trụ sở Bệnh viện đa khoa huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế một số cơ sở xuống cấp khó đảm bảo công tác điều trị. Về tổ chức bộ máy và nhân sự: cơ sở cai nghiện bắt buộc thiếu cán bộ, nhân viên thuộc các vị trí bác sỹ, y tá điều dưỡng, giáo viên tâm lý, hầu như cán bộ nhân viên đang làm việc quá định mức. Cơ sở cai nghiện tự nguyện sau sáp nhập còn khó khăn trong bố trí sắp xếp vị trí việc làm theo chức năng nhiệm vụ cho phù hợp. Cơ sở điều trị, điểm cấp phát thuốc Methadone cán bộ, nhân viên chủ yếu là kiêm nhiệm, một số cơ sở điều trị quá đông bệnh nhân nên rất khó khăn trong công tác điều trị, theo dõi điều trị. Về công tác quản lý hồ sơ cai nghiện ma túy và quản lý sau cai chưa ứng dụng công nghệ thông tin qua phần mềm quản lý dùng chung cho các địa phương trong tỉnh và liên thông trong toàn quốc; hầu hết các cơ sở cai nghiện, cơ sở điều trị và cấp phát thuốc Methadone đều phải lưu hồ sơ quản lý người nghiện ma túy thủ công nên gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đối với công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng: Cơ chế giám sát việc quản lý, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng với người nghiện chưa thật đồng bộ. Tại cơ sở cai nghiện ma tuý, mặc dù các đối tượng cai nghiện được học nghề, lao động trị liệu, phục hồi và được tư vấn trước khi hoà nhập cộng đồng nhưng khi họ trở về với cộng đồng thì rất ít số này có thể tìm kiếm được việc làm. Một phần do nghề nghiệp được học không đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương. Một phần là do hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn e ngại, thiếu niềm tin và thậm chí kỳ thị những người sau cai nghiện vừa trở về. Vì vậy, việc hoà nhập của những người sau cai nghiện thực sự vẫn còn rất khó khăn. Hầu hết những trường hợp sau cai nghiện không tái nghiện rất ít. Việc thiếu sự quan tâm sau cai nghiện là một trong những nguyên nhân khiến nhiều đối tượng cai nghiện xong trở về địa phương nhưng rất nhanh sau đó lại tái nghiện. Điều này cho thấy chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện đang được đặt ra cần phải có nững biện pháp, giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên điều trị và cấp phát thuốc Methadone tại Nghị quyết 24/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ở một số đơn vị chưa kịp thời.
Để việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma túy đạt hiệu quả, Đoàn giám sát đề nghị các cấp, các ngành, các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền; ngành chức năng đánh giá tổng thể hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở cai nghiện tự nguyện, cơ sở điều trị và các điểm cấp phát thuốc methadone để có những biện pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu hiện nay; chỉ đạo các ngành tháo gỡ vướng mắc tại một số cơ sở điều trị, điểm cấp phát thuốc Methadone trong triển khai thực hiện Nghị quyết 24/2022/NQ-HĐND; rà soát, đánh giá tính kịp thời, khả thi của các cơ chế chính sách đang triển khai thực hiện làm cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chính sách (nếu cần thiết) đảm bảo phù hợp thực tế, đúng quy định của pháp luật. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 24/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Đề án số 405/ĐA-UBND của UBND tỉnh đồng thời ưu tiên nguồn kinh phí để đầu tư trang sắm một số thiết bị tối thiểu cần thiết cho các cơ sở cai nghiện.
Lưu Thị Hiên
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh