image banner
Quản lý, khai thác thủy lợi trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Lào Cai
Trong sản xuất nông nghiệp, việc đảm bảo thủy lợi và tưới tiêu nước cho cây trồng là yếu tố sống còn quyết định đến năng suất, chất lượng của cây trồng. Đối với sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công trình thủy lợi không những phải đảm bảo đủ nước mà còn phải đảm bảo nước sạch đủ tiêu chuẩn để trồng các loại cây trái theo tiêu chuẩn hữu cơ đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Lào Cai là một tỉnh miền núi, có nguồn nước sạch đáp ứng cơ bản nhu cầu nước sạch thủy lợi cho những cây trồng chất lượng cao.

Trong sản xuất cây trồng thì nước là yếu tố đứng đầu và quan trọng nhất (nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống). Tỉnh Lào Cai có nguồn nước tự nhiên khá dồi dào với hệ thống sông, suối, khe ngòi chằng chịt, phong phú. Do đó vấn đề nước sạch không bị ô nhiễm là một trong những thế mạnh của thủy lợi sạch của Lào Cai. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất cây trồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, tạo nên giá trị của cây trồng trên địa bàn tỉnh trong thị trường. Trong những năm qua, hệ thống thủy lợi được tỉnh chú trọng đầu tư. Thủy lợi luôn là tiêu chí đạt sớm nhất của các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 1.216 công trình thủy lợi các loại, trong đó có 107 hồ chứa nước với tổng dung tích trữ nước đạt khoảng 10.648 triệu m3; 01 trạm bơm điện nhỏ và 1.108 công trình đập dâng kênh dẫn tưới tự chảy, ngoài ra còn có các kênh, mương nhỏ lẻ do người dân tự dẫn nước để phục vụ sản xuất. Tổng chiêu dài kênh mương các loại là 4.834,45 km, trong đó có 3.703,44 km đã được kiên cố hóa, đạt 76,61% (KH đến 2025 đạt 80%); 2.562 đầu mối thủy lợi (1.909 đầu mối kiên cố, đạt 74,51%; 653 đầu mối tạm). Hệ thống công trình thủy lợi hiện tại của tỉnh đã đảm bảo cung cấp nước tưới chủ động cho 98,72% diện tích vụ Đông Xuân (tương đương 19.510/19.763 ha, tăng 4,1% so với năm 2015) và 87% diện tích canh tác vụ mùa (tương đương 23.558/27.078 ha (tăng 1,76% so với năm 2015). Đối với diện tích canh tác không đảm bảo nước tưới, các địa phương đã chủ động hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, vì vậy trên địa bàn tỉnh không có diện tích canh tác phải bỏ hoang. Tính từ 2016 đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 14 danh mục hồ, đập được sửa chữa lớn, tổng mức đầu từ 178 triệu đồng. Sau hoàn thành, dung tích nước trữ tại các hồ là 4,565 triệu m3, đảm bảo cho việc cung cấp nước tưới tiêu, kiếm soát lũ lụt, chủ động nguồn nước duy trì việc điều tiết khí hậu và tạo cảnh quan môi trường, phát triển nguồn tài nguyên từ các hồ chứa nước. Tỉnh đã thực hiện đầu tư sửa chữa, nâng câp 330 công trình, đảm bảo phục vụ tưới chủ động cho 8.115 ha đất lúa, kiên cố hoá được thêm 464,36 km kênh mương các loại, tổng mức đầu tư 1.013 tỷ đồng. Đối với hệ thống tưới nước tiên tiến, đây là công nghệ mới bắt đầu được áp dụng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 26 hệ thống tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước với tồng diện tích cây trồng cạn đã được đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là 1.179,12 ha (do các doanh nghiệp và HTX tự đầu tư và quản lý khai thác).

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát tại cơ sở

Công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi hiện nay đang do UBND cấp xã quản lý theo mô hình tổ hợp tác hoặc hợp tác xã. Toàn tỉnh có 1.070 tổ chức thủy lợi cơ sở (có 06 HTX; 1.064 tổ hợp tác) đảm bảo mỗi công trình đều có tổ chức hoặc cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì và vận hành. Tổng kinh phí thực hiện quản lý, khai thác, bảo trì và đầu tư mới hệ thống công trình thủy lợi từ năm 2016 đến hết năm 2021 là 311.044 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 301.386 triệu đồng, ngân sách tỉnh 9.658 triệu đồng. Kinh phí được phân bổ theo dự toán hàng năm cho các địa phương để quản lý, sửa chữa thường xuyên theo mức quy định tại Nghị quyết số 87/2016/NQ-HĐND và Nghị quyết số 41/2020/NQ-HĐNĐ của HĐND tỉnh là 165.830 triệu đồng; giao cho các đơn vị chủ đầu tư để sửa chữa lớn và đầu tư mới các công trình thủy lợi là 145.214 triệu đồng. Riêng năm 2022, kinh phí đã giao từ ngân sách tỉnh cho các huyện, thị xã, thành phố đế quản lý, bảo trì hạ tầng thủy lợi là 32.420 triệu đồng. Nếu tính theo diện tích, biện pháp tưới tiêu và giá cụ thế của sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thì vẫn còn thiếu 21.213 triệu đồng. Nhu cầu đầu tư các công trình thủy lợi do các huyện đề xuất trong giai đoạn 2022-2025 là 42 dự án với tổng mức đầu tư 5.326 tỷ đồng. Trong đó 13 công trình tưới tiêu; 07 công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa; 15 công trình kè chống sạt lở bờ sông, suối; 07 danh mục hồ chứa nước.

Để thực hiện quản lý công trình thủy lợi theo đúng quy định của Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn của trung ương, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Ọuyết định số 49/2021/QĐ-UBND ngày 29/9/2021 vê việc quy định phân cấp quản lý, phê duyệt công bố công khai quy trình vận hành, phê duyệt phương án bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Quyết định số 4495/QĐ-UBND ngày 23/12/2021 về việc giao danh mục công trình thủy lợi cho các đơn vị được phân cấp quản lý: Giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT quản lý 11 công trình hồ chứa; UBND cấp huyện quản lý 13 hồ chứa và 22 công trình thủy lợi liên xã; UBND cấp xã quản lý 84 hồ chứa nước, 1.085 công trình thủy lợi tự chảy và 01 trạm bơm điện nhỏ. Hiện nay, các đơn vị, địa phương đang thực hiện rà soát, thống kê để bàn giao quản lý theo phân cấp của UBND tỉnh...

Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn vướng mắc như: Tỉnh có địa hình phức tạp, núi cao, dốc đứng, diện tích ruộng nước khá manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung nên suất đầu tư của các công trình thủy lợi tính trên diện tích tưới là khá cao. Do địa hình hiếm trở, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, lở đất, lũ quét, lũ ống thường xảy ra nên các tuyến kênh mương dễ bị đứt gãy, sụt lún, vùi lấp, đòi hỏi nhiều kinh phí cho sửa chữa thường xuyên, sữa chữa lớn; Do tập quán canh tác tuyền thống nên người dân vùng cao chưa có ý thức chú ý bảo dưỡng các công trình thủy lợi, hiện tượng tự ý tiểu câu, tự ngắt nước mương đưa vào ao, ruộng của cá nhân còn diễn ra; Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh được đầu tư từ nhiều năm trước, bằng nhiều nguồn vốn nên hồ sơ một số công trình đã bị thất lạc hoặc không có hồ sơ để theo dõi, quản lý...

Việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến trong sản xuất cây trồng chủ lực, có giá trị hàng hóa cao có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để hỗ trợ, khuyến khích áp dụng công nghệ tưới tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI đã ban hành nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021, trong đó có chính sách hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với mức hỗ trợ theo thực tế (không quá 02 tỷ đồng/dự án). Đây là một trong những cú hích cho phát triển sản suất nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao của tỉnh trong giai đoạn tới.

                                  Ngô Quyền

                                  Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập