image banner
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh phát biểu tại hội trường về Luật Nhà giáo

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 20/11/2024, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi sản phẩm nhà giáo tạo ra là tri thức, người thầy có ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm mà người thầy tạo ra, do vậy cần có chính sách đặc biệt cho nhà giáo. 

anh tin bai

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh phát biểu tại hội trường

Về quyền nghiên cứu khoa học của nhà giáo (Điều 8), nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục từ cấp giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, đại học, các trường phổ thông không chỉ là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo, còn là hoạt động tạo ra tri thức mới, sản phẩm mới, tạo ra quy trình giảng dạy hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Thực tiễn, nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục là con đường hiệu quả nhất để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phát triển năng lực sư phạm của mỗi người làm công tác giảng dạy. Nghiên cứu khoa học còn là tiêu chí đánh giá chất lượng nhà trường. Dự thảo Luật Nhà giáo đã quy định nhà giáo được quyền nghiên cứu khoa học, tuy nhiên trong thực tiễn, kinh phí dành cho nhà giáo nghiên cứu khoa học trong các nhà trường còn khó khăn. Theo đại biểu, kinh phí chủ yếu là từ tiết kiệm chi, cơ chế hợp tác công tư, từ ngân sách, nhưng còn khá ít. Các nhóm đề tài có yêu cầu về kỹ thuật, thử nghiệm thì cần có nguồn kinh phí để thực hiện. Nếu kinh phí đầu tư như hiện tại thì các cơ sở giáo dục rất khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học. 

Về chính sách thu hút nhà giáo (Điều 29), thực tế hiện nay hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc đều thiếu số lượng giáo viên so với định biên quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều năm qua ngành giáo dục khó tuyển và giữ chân giáo viên công tác tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, thêm vào đó hằng năm ngành giáo dục vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế 10% theo quy định. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì, đẩy mạnh phổ cập và việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới. Các nội dung quy định tại Điều 29 còn chung chung, chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực để giữ chân nhà giáo và tạo sức hút để đội ngũ nhà giáo có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc... làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khi chỉ được hưởng ưu tiên về tuyển dụng và chế độ phụ cấp, trợ cấp thu hút nhưng chưa rõ phụ cấp, trợ cấp thu hút ở mức độ nào hay chế độ lương, đãi ngộ được hưởng? Sau thời gian công tác theo chính sách thu hút này mà chưa được chuyển vùng thì có được tiếp tục hưởng chính sách hay không? ...

Về vấn đề nhà ở công vụ cho giáo viên giáo khi biệt phái, điều động công tác tại vùng khó khăn (khoản 2, Điều 29), dự thảo Luật quy định bố trí nhà ở công vụ hoặc thuê nhà ở công vụ theo luật nhà ở. Thực tế các vùng khó khăn, vùng dân tộc và miền núi không có đủ nhà ở công vụ cho nhà giáo, đề nghị bổ sung quy định hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở cho Nhà giáo, như vậy vẫn đảm bảo linh hoạt với thực tiễn là nơi nào có nhà công vụ thì bố trí, nơi nào có nhà ở xã hội thì thuê theo luật nhà ở, nơi nào không có thì hỗ trợ kinh phí nhà giáo tự thuê nhà; cần quan tâm bố trí sớm nguồn vốn để các địa phương xây dựng nhà ở công vụ còn thiếu...

Đào Lê Huy    

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập