Đại biểu Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam
29/10/2024
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 28/10/2024, tại Tổ thảo luận số 5, đồng chí Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam. Dự thảo luật đã bám sát thực tiễn và nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới; việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Đại biểu Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến tại Tổ
Về vấn đề sửa đổi, bổ sung quy định về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan tại Điều 13, đại biểu có ý kiến về việc nâng độ tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan là phù hợp với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng chỉnh quy tỉnh nhuệ hiện đại và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành... Bởi vì đội ngũ cán bộ sĩ quan quân đội được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị, trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe đáp ứng yêu cầu quân đội chính quy tỉnh nhuệ, hiện đại; đề nghị dự thảo Luật Sĩ quan sửa đổi lần này cần thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, vì theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Luật Lao động, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ từ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%. Hiện nay công dân nhập ngũ đúng độ tuổi là 18 tuổi, được đào tạo sĩ quan, sau khi ra công tác có quân hàm thiếu tá thì độ tuổi nghỉ hưu là 48 tuổi, với trung tá là 51 tuổi, (tương ứng với năm tham gia bảo hiểm xã hội là 30 năm đối với cấp thiếu tả và 33 năm đối với cấp trung tá) không đủ 35 năm đóng bảo hiểm đối với nam... Như vậy, chưa phù hợp giữa Luật Sĩ quan hiện hành với luật Bảo hiểm xã hội về độ tuổi nghỉ hưu. Hiện nay, Quân đội và Công an đều là 2 lực lượng vũ trang quan trọng trong hệ thống chính trị, có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và đặc thù. Tuy nhiên, về độ tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan Công an và Quân đội có sự khác nhau như: Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân, độ tuổi phục vụ cấp Đại tá là 62 tuổi, Thượng tá là 60 tuổi đối với nam; còn Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân hiện hành thì độ tuổi phục vụ cấp Đại tá chỉ là 57 tuổi, Thượng tả chỉ là 54 tuổi đối với nam. Các cấp bậc khác cũng tương tự độ tuổi phục vụ đối với sĩ quan trong Quân đội luôn thấp hơn so với sĩ quan Công an. Ngay trong hệ thống luật quy định về sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp của quân đội cũng có sự chênh lệch khác nhau về độ tuổi nghỉ hưu. Độ tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp cấp ủy là 52 tuổi; cấp thiếu tá, trung tá là 54 tuổi, cấp thượng tá là 56 tuổi đối với nam (nữ là 55 tuổi). Còn theo Luật Sĩ quan hiện hành thì độ tuổi phục vụ của sĩ quan cấp ủy là 46 tuổi, Thiếu tá là 48 tuổi, Trung tá là 51 tuổi, Thượng tá là 54 tuổi... đề nghị Quốc hội nhất trí với đề nghị về tuổi nghỉ hưu đối sĩ quan quân đội trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam để phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao, tinh nhuệ, hiện đại cho quân đội để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...
Đào Lê Huy