Về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Đối với nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (Điều 10, 11, 13,14,18,19) đề nghị tiếp tục xem xét việc quy định rõ ràng hơn về vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc quản lý, điều hành đất nước, đảm bảo quy định phản ánh đúng thực tế hoạt động quản lý nhà nước, tránh bỏ sót hoặc chồng chéo nhiệm vụ giữa Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương; xem xét thêm về cơ chế phối hợp giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cơ quan khác nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống chính trị.
Đại biểu Hà Đức Minh phát biểu tại Tổ
Về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước (từ Điều 3 đến Điều 9), đề nghị tiếp tục xem xét việc xây dựng khung pháp lý chặt chẽ, thống nhất, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan; quy định rõ hơn về quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng đơn vị để nâng cao trách nhiệm, xem xét có thêm những chính sách đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với mô hình tổ chức mới; cần quan tâm xem xét việc đánh giá hiệu quả công tác của cán bộ theo kết quả thực tế, tránh tình trạng duy trì bộ máy cồng kềnh sau sáp nhập; cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc sắp xếp tổ chức bộ máy diễn ra đúng mục tiêu, tránh hình thức hoặc gây xáo trộn lớn ảnh hưởng đến hoạt động chung.
Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đối với nội dung phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp (Chương III), đề nghị tiếp tục rà soát giữa dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) để có sự thống nhất trong cách thức quy định các nguyên tắc phân định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền, bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt cả về chủ thể phân cấp, ủy quyền với đối tượng nhận phân cấp, ủy quyền; cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn, tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương, bổ sung các hướng dẫn cụ thể để đảm bảo thực hiện hiệu quả các nguyên tắc này…
Đào Lê Huy