image banner
Đại biểu Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý đối với dự thảo Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số

Sáng ngày 23/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai chủ trì Tổ thảo luận số 5 gồm các tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam và Kiên Giang.

anh tin bai

Đ/c Đặng Xuân Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai chủ trì Tổ thảo luận

Tại tổ thảo luận, đại biểu Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia góp ý đối với dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đại biểu đề bổ sung từ “nước” vào trước đoạn “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” tại khoản 8, Điều 5 dự thảo Luật để đảm bảo đầy đủ, chính xác. Tại khoản 3 Điều 25 dự thảo Luật quy định về nguyên tắc quản lý hoạt động đầu tư vốn của doanh nghiệp, theo đại biểu quy định trên, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư công... Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 7 Điều 4, doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Hiện nay, theo quy định pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp; các chi nhánh, đơn vị hạch toán phụ thuộc không có tư cách pháp lý là nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án. Vì vậy để tạo công bằng cho doanh nghiệp nhà nước trong việc triển khai thực hiện thủ tục đầu tư trên địa bàn cả nước, thúc đẩy các dự án của doanh nghiệp nhà nước cung cấp các dịch vụ thiết yếu như: Điện, ngân hàng, viễn thông… đại biểu đề nghị nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, bổ sung quy định các chi nhánh, đơn vị hạch toán phụ thuộc của công ty mẹ, tập đoàn kinh tế nhà nước được là nhà đầu tư các dự án đầu tư theo ủy quyền; nên gộp Điều 22 và Điều 28 thành một Điều với lý do 02 Điều này của dự thảo Luật đang trùng nhau về tên tiêu đề Điều và nội dung cơ bản quy định về thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp. Tại Điều 22 và Điều 28 của dự thảo Luật, ngoài quy định tại khoản 1, Điều 22 dự thảo quy định thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vốn vào doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước sử dụng ngân sách đối với các dự án quan trọng quốc gia thì đối với các doanh nghiệp còn lại cần quy định rõ hơn thẩm quyền trong việc quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp theo hướng: Đối với Chính phủ thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư vốn đối với các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và sử dụng nguồn đầu tư vốn từ ngân sách Trung ương. Đối với các doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn là các địa phương (UBND tỉnh,thành phố) quyết định thành lập và đầu tư vốn từ nguồn ngân sách địa phương thì cần phân công rõ, phân cấp mạnh trong việc đầu tư vốn, bổ sung vốn điều lệ và giao cho UBND tỉnh, thành phố quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn và kế hoạch đầu tư vốn vào các doanh nghiệp, từ đó làm cho các tỉnh, thành phố được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư vốn đồng thời giảm bớt thủ tục hành chính.

anh tin bai

Đại biểu Sùng A Lềnh phát biểu

Tại khoản 3 Điều 43 dự thảo Luật quy định về tiêu chuẩn người đại diện chủ sở hữu vốn, đại biểu có ý kiến đối với Việc quy định “kinh nghiệm công tác phù hợp với yêu cầu vị trí” là chưa cụ thể, do đó đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể điều kiện về kinh nghiệm công tác là 05 năm để xác định rõ tiêu chuẩn người đại diện chủ sở hữu vốn.

Tại dự thảo có một số quy định chung chung như: “cấp có thẩm quyền”; “cơ quan có thẩm quyền”. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo quy định rõ trong trường hợp tại dự thảo hoặc quy định hiện hành có liên quan chưa xác định cụ thể đảm bảo tính khả thi của quy định và thuận lợi cho quá trình triển khai thi hành Luật.

Đối với dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật, tuy nhiên có một số điều trong dự thảo luật cần có quy định rõ ràng hơn để thuận lợi trong quá trình triển khai, thực hiện, cụ thể: Tại Điều 7 dự thảo Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công nghiệp công nghệ số. Theo đại biểu, các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điều có phạm vi rất rộng và chưa rõ ràng, cụ thể. Việc quy định chưa rõ ràng, cụ thể có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau; điều này khiến cho các cơ quan quản lý Nhà nước khó triển khai thực hiện, dẫn đến nguy cơ không ổn định trong việc thực thi và có thể xảy ra việc đối xử không công bằng với các doanh nghiệp, đề nghị cần quy định rõ ràng, cụ thể hóa các hành vi bị nghiêm cấm, tránh dẫn đến tình trạng có nhiều cách giải thích khác nhau cho một điều luật, tập trung vào các mục đích bất hợp pháp khi sử dụng công nghệ số (thay vì cấm các công nghệ số cụ thể). Đồng thời, ngoài các hành vi bị nghiêm cấm theo văn hóa, pháp luật Việt Nam, các hành vi bị nghiêm cấm cũng cần tương thích, đồng bộ với các pháp luật quốc tế.

Tại khoản 1, khoản Điều 65 dự thảo Luật quy định về quản lý rủi ro đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo. Theo đại biểu, quy định tại khoản 1 và khoản 2 chưa định nghĩa rõ về “những rủi ro, tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”; đồng thời cũng chưa đưa ra giới hạn cụ thể về “phạm vi tác động, số lượng người dùng và lượng tính toán tích lũy để huấn luyện”. Việc quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp với các tiêu chuẩn quản lý trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng trên thế giới, dễ dẫn đến việc khó triển khai thực hiện, đề nghị cần xác định rõ các tiêu chí xác định hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao, hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng tác động cao hoặc giới hạn phạm vi của hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao ở một số hệ thống trí tuệ nhân tạo nâng cao và tiên tiến, có thể gây ra ảnh hưởng lớn.

Tại khoản 1, Điều 67 quy định về trách nhiệm các bên liên quan đến hoạt động phát triển, cung cấp, triển khai và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo. Đại biểu cho rằng việc quy định như dự thảo sẽ gây khó khăn với các nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, tăng nặng trách nhiệm giám sát, phát sinh thêm nhiều nhân lực và kinh tế. Đặc biệt, trong trường hợp các nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo sử dụng công nghệ có mã nguồn mở, họ sẽ không ở vị trí phù hợp về mặt kỹ thuật để tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ nói trên. Tại khoản 2, Điều 67 quy định nhà cung cấp, triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo là cá nhân, tổ chức có thẩm quyền quản lý trực tiếp đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, trong dự thảo chưa có quy định về nội dung "quản lý trực tiếp đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo"; chưa có quy định về việc nhà cung cấp, triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo có quyền từ chối những yêu cầu không chính đáng hoặc mang tính quấy rối doanh nghiệp để tránh gây trở ngại, tốn thời gian, nhân lực và kinh tế, đề nghị nghiên cứu, xem xét tính khả thi của việc áp đặt các nghĩa vụ giám sát, theo dõi hệ thống đối với từng loại hình doanh nghiệp phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo; đặt ra các trường hợp miễn trách nhiệm đối với một số nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo nhất định...

Thanh Thúy

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập