Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ sẽ luật hóa cam kết của Việt Nam trong các điều ước Quốc tế
Ngày 26/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội XV tiếp tục phiên thảo luận trực tuyến tham gia dự án Luật Cảnh sát cơ động và có ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Buổi chiều, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, qua hình thức kết nối trực tuyến với Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đã phát biểu tham gia vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh  tham gia ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung góp phần thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về đổi mới sáng tạo, chủ động, tích cực ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ còn có ý nghĩa là luật hóa các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về nội dung các điều luật, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “có danh tiếng” vào khoản 20 Điều 4, sửa lại thành “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu có danh tiếng được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi”. Lý do là nếu không mang thuộc tính “có danh tiếng” trong định nghĩa thì không phân định được ranh giới pháp lý giữa nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi theo điểm g khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Điều 75 quy định tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng có sử dụng cụm từ “một số hoặc tất cả các tiêu chí”, đại biểu cho rằng “một số” không mang tính định lượng, cần được sửa đổi để việc thực thi không gặp vướng mắc.

Về nội dung quy định xử lý hành chính khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án, trong đó Phương án 1 là sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 211, quy định cụ thể như sau: “Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội". Phương án 2 quy định: “Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội".

Theo đại biểu, với Phương án 1 sẽ không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Chỉ áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng.

Điều đó còn thu hẹp phạm vi xử lý hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ sẽ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, giảm vai trò chủ động của cơ quan nhà nước trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đồng thời có nguy cơ dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA cũng không yêu cầu hạn chế việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong luật của quốc gia thành viên mà thậm chí còn yêu cầu tăng cường các biện pháp xử lý bằng chế tài hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Việc loại trừ biện pháp hành chính để xử lý vi phạm trong lĩnh vực này là không bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ về chính sách pháp luật. Do vậy, đại biểu đề nghị giữ nguyên điểm a, khoản 1, Điều 211, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự kỳ họp tại điểm cầu tỉnh Lào Cai

Tham gia vào Điều 159, đại biểu cho rằng, dự thảo về tính mới của giống cây trồng trong dự thảo Luật sửa đổi có quy định thêm điều kiện là: “... hoặc chưa được công bố lưu hành hoặc tự công bố lưu hành tại Việt Nam”. Nếu coi giống được công nhận lưu hành là thời điểm xác định tính mới là không tương thích với Công ước UPOV. Quy định này cũng gây khó khăn trong kiểm soát những loại giống cây trồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, thậm chí giống đang trong quá trình sản xuất thử nghiệm, chưa được cấp chứng nhận gieo trồng đại trà, nhưng các đơn vị sản xuất đã bán giống ra thị trường gây thiệt hại cho người sử dụng cũng như các tác giả chọn tạo giống. Vì lẽ đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị giữ nguyên nội dung này như điều luật hiện hành.

 Trong phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cũng đề cập tới nguyên tắc xác định và phân chia tiền bản quyền tại Khoản 2, Điều 44a của dự thảo Luật có nội dung: “Khi các bên liên quan không thỏa thuận được mức chia thì thực hiện theo quy định của Chính phủ”.  

Trên thực tế, nhiều trường hợp vướng mắc, bất cập dẫn đến việc khai thác, sử dụng để phổ biến tác phẩm đến công chúng bị đình trệ, các bên trốn tránh trách nhiệm, trong khi cơ quan tòa án và các cơ quan có thẩm quyền không có căn cứ để phán quyết, xét xử, giải quyết tranh chấp. Bởi lẽ đó, đại biểu đề nghị cần sửa thành: “trường hợp không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cũng tham gia vào nội dung “hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ” có liên quan đến “dụng ý xấu”, đây là cụm từ định tính nên cần có khái niệm cụ thể và làm rõ để tăng cường hiệu lực thực thi khi áp dụng. 

Tuấn Anh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập