Một số giải pháp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới tại tỉnh Lào Cai
Trong những năm qua mặc dù bị ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19, song được sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng với sự chủ động quyết tâm cao của ngành y tế, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân của tỉnh Lào Cai đã đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ ngành y tế. Hệ thống y tế tiếp tục phát triển, công tác dự phòng được tăng cường, đáp ứng nhiệm vụ phòng bệnh; phát hiện sớm và xử lý kịp thời bệnh dịch, quản lý hiệu quả các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng. Các cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư ngày càng đồng bộ và từng bước hiện đại; chất lượng công tác khám chữa bệnh ngày càng cao, tiếp cận với khoa học tiến bộ trong khu vực và trên thế giới. Chất lượng nguồn nhân lực y tế tiếp tục được nâng lên, từng bước hình thành đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu.
Tuy nhiên, Lào Cai vẫn là tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp mang tính toàn cầu, còn tiềm tàng các ổ dịch bệnh lưu hành có tính chất địa phương; quản lý nhà nước về y tế chưa đủ mạnh; chưa phát huy được lợi thế về y, dược cổ truyền, dược liệu của tỉnh. Chất lượng dân số chưa cao, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi thể thấp còi xếp cao; tầm vóc thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số chậm được cải thiện; tuổi thọ trung bình và số năm sống khoẻ thấp hơn so với trung bình cả nước.
Nhân dân tiêm phòng covid - 19 tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Lào Cai
Thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và công tác dân số tỉnh Lào Cai trong tình hình mới; Nghị quyết số:36/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh Lào Cai về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 tỉnh Lào Cai. Với mục tiêu thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục để nâng cao tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về y tế. Tỉnh Lào Cai đã kịp thời ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án đồng thời xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương, cụ thể:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, các ngành thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp vào kế hoạch, chương trình công tác của cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần thực hiện có hiệu quả các chính sách thuộc phạm vi do ngành, lĩnh vực phụ trách. Tăng cường tuyên truyền thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật về bảo vệ sức khỏe và phòng, chống bệnh tật.
Hai là, nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Xây dựng hệ thống y tế từng bước hiện đại công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng. Giữ vững mức độ phát triển khá so với toàn quốc và ở mức cao so với các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc. Phát huy lợi thế của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dược phẩm, sản xuất dược liệu đặc hữu và đẩy mạnh phát triển dịch vụ y tế du lịch.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách lĩnh vực y tế: Duy trì các chính sách hỗ trợ của tỉnh đang phát huy hiệu quả như: Chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nhân lực y tế; chính sách ưu đãi một số chuyên ngành độc hại; các chính sách hỗ trợ công tác y tế, dân số, các chính sách xã hội hoá và quy định về công tác thi đua khen thưởng lĩnh vực y tế. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; hoàn thiện, bổ sung cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của đơn vị sự nghiệp y tế bảo đảm thực hiện đúng pháp luật. Bổ sung các quy định về hỗ trợ phát triển y tế cơ sở, bố trí nhà công vụ tại các cơ sở y tế có bác sỹ về làm việc, đào tạo nhân lực y tế người địa phương; đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị phát triển dịch vụ y tế. Thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả của các chính sách để kịp thời đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo quy định.
Bốn là, Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế theo 3 cấp chuyên môn; tổ chức hệ thống trạm y tế gắn với y tế học đường và phù hợp với đặc điểm của địa phương. Khuyến khích phát triển hệ thống bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khoẻ, điều dưỡng ngoài công lập. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Năm là, Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ, giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho người dân. Phát triển kỹ thuật cao trong phòng bệnh, chữa bệnh. Tiếp tục đầu tư các trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện tuyến tỉnh để đủ khả năng ứng dụng triển khai có hiệu quả kỹ thuật công nghệ cao. Triển khai hệ thống cổng thông tin điện tử ngành y tế để người dân dễ dàng đăng ký khám, chữa bệnh từ xa, lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh, chuyên khoa qua cổng thông tin điện tử. Đẩy mạnh chương trình quản lý sức khỏe, quản lý bệnh không lây nhiễm, bệnh xã hội, tiến tới quản lý sức khỏe điện tử tới từng người dân.
Sáu là: Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số: Huy động sự tham gia, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để hỗ trợ nguồn lực cho xây dựng các mô hình nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho chẩn đoán và điều trị tại các bệnh viện công lập. Huy động sự tham gia các doanh nghiệp góp vốn đầu tư xây dựng các khu, nhà điều trị tại bệnh viện công lập. Đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong đó y tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cho phép các thành phần có đủ năng lực tham gia các dịch vụ y tế để giảm bớt sức ép cho ngân sách nhà nước. Đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe, định hướng phát triển y tế ngoài công lập; phát triển cơ sở sản xuất, cung ứng thuốc chữa bệnh, trong đó ưu tiên phát triển cơ sở chế biến dược liệu, thuốc đông y. Vận động nhân dân tự giác tham gia các phong trào vệ sinh, rèn luyện thân thể, phòng bệnh, phòng dịch, bảo vệ môi trường; tăng cường sử dụng y học cổ truyền dân tộc. Tham gia đóng góp và chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông qua BHYT, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.
Bảy là, chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính trong, ngoài tỉnh và quốc tế. Lập dự án, kêu gọi, vận động các nguồn lực từ các dự án quốc tế, khối doanh nghiệp và cộng đồng, hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Hợp tác trong đào tạo nâng cao năng lực cán bộ nhằm tiếp thu các thành quả, tiến bộ khoa học trên thế giới và khu vực. Mở rộng liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển các lĩnh vực ngành y tế.
Với quan điểm chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ chiến lược, là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đặc biệt là quan tâm bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân ở vùng nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa đáp ứng yêu cầu phát triển. Các giải pháp đưa ra sẽ được triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả khi các cấp các ngành tập trung tối đa nguồn lực, quyết tâm khắc phục khó khăn. Cụ thể hóa hóa mục tiêu Nghị quyết số:36/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh Lào Cai là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể”.
Trần Xuân Thảo
Phó trưởng Ban VH - XH HĐND tỉnh