Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tham gia ý kiến tại Tổ thảo luận về Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Dẫn độ và dự án Luật tình trạng khẩn cấp
Sáng ngày 23/6/2025, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ đối với 05 dự thảo Luật: Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Dẫn độ, Luật tình trạng khẩn cấp, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự. Các đại biểu Quốc hội Đoàn tỉnh Lào Cai đã tham gia góp ý trực tiếp vào 03 dự án Luật, gồm: Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Dẫn độ và dự án Luật tình trạng khẩn cấp.
Đại biểu Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia góp ý vào các điều khoản của dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Tại Khoản 1 Điều 10 quy định người đang chấp hành án phạt tù hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thể “tự nguyện đóng góp, hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí sinh hoạt, đi lại và các chi phí khác của người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao theo quy định của pháp luật”. Đại biểu cho rằng, quy định này có ý nghĩa trong việc huy động thêm nguồn lực xã hội để thực hiện việc chuyển giao, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đề nghị xem xét bổ sung quy định về cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các khoản đóng góp, bảo đảm công khai, minh bạch. Đồng thời, cần xác định rõ nguyên tắc không làm phát sinh sự phân biệt đối xử giữa các phạm nhân, tránh tình trạng người có điều kiện tài chính thì được chuyển giao sớm hoặc thuận lợi hơn so với người không có điều kiện. Việc thiếu minh bạch trong quản lý tài chính dễ dẫn đến tiêu cực, lạm dụng hoặc khiếu kiện; trong khi việc bảo đảm công bằng trong thi hành án là yêu cầu cốt lõi để giữ vững nguyên tắc nhân đạo và bình đẳng trước pháp luật.

Đại biểu Sùng A Lềnh phát biểu
Đối với Điểm c Khoản 1, Điều 30 quy định về điều kiện chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài. Theo đại biểu đây là rào cản lớn về tính khả thi, nhất là trong các trường hợp không có khả năng thi hành án dân sự hoặc việc thi hành kéo dài, phức tạp. Đề nghị xem xét bổ sung cơ chế linh hoạt hơn, như chấp nhận bảo lãnh, cam kết hỗ trợ từ nước tiếp nhận, để vừa bảo đảm nghĩa vụ pháp lý vừa không cản trở hoạt động hợp tác quốc tế.
Tại khoản 2 Điều 36, việc quy định bắt buộc chuyển phạm nhân từ cơ sở giam giữ của Bộ Quốc phòng sang cơ sở của Bộ Công an trước khi thực hiện thủ tục chuyển giao là hơi cứng nhắc, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Việc này có thể làm phát sinh thêm chi phí di chuyển, nhân lực và kéo dài thời gian xử lý trong khi chưa chắc chắn kết quả chuyển giao nếu có thể phát sinh ngoài ý muốn từ từ phía nước ngoài. Đề nghị xem xét bổ sung quy định cho phép Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp trực tiếp trong một số trường hợp đặc biệt, để linh hoạt trong triển khai thủ tục chuyển giao, phù hợp với điều kiện cụ thể về an ninh, địa bàn và quy mô giam giữ. Việc tạo cơ chế phối hợp linh hoạt giữa các cơ quan chức năng sẽ giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong thực hiện, đồng thời vẫn giữ được nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chuyên trách là Bộ Công an.
Đối với dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, đại biểu Hà Đức Minh tham gia ý kiến: Về các hành vi bị nghiêm cấm trong tình trạng khẩn cấp được quy định tại Điều 5, theo đại biểu việc quy định 06 hành vi bị nghiêm cấm trong tình trạng khẩn cấp tương đối đầy đủ, phân loại rõ hành vi vi phạm của cá nhân và người thi hành công vụ. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm: “Chiếm đoạt, phá hoại trang thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống tình trạng khẩn cấp”, vì trong tình trạng khẩn cấp, các phương tiện, thiết bị như xe cứu thương, máy móc cứu hộ, thiết bị y tế… có vai trò đặc biệt quan trọng để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và bảo đảm trật tự xã hội. Việc chiếm đoạt hoặc phá hoại những tài sản này không chỉ làm gián đoạn công tác ứng cứu mà còn gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí làm thất bại toàn bộ nỗ lực ứng phó. Do đó, cần thiết bổ sung quy định này để tăng tính răn đe, bảo vệ tài sản công và năng lực ứng phó khẩn cấp của hệ thống.
Tại Điều 34 và 35 quy định về trách nhiệm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đại biểu cho rằng các quy định còn thiên về tính nguyên tắc, chưa làm rõ những giới hạn cụ thể để áp dụng các biện pháp ảnh hưởng đến quyền con người trong bối cảnh đặc biệt. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung yêu cầu trước khi ban hành chính sách khẩn cấp, Chính phủ phải đánh giá tác động đến quyền và lợi ích của người dân, quy định rõ giới hạn, thời gian và cơ chế khôi phục quyền sau khẩn cấp để đảm bảo tuân thủ Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam là thành viên, đồng thời phòng tránh việc lạm quyền hoặc ban hành chính sách thiếu căn cứ thực tiễn.
Quy định về trách nhiệm của bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tại Điều 36. Việc phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong dự thảo Luật tương đối rõ ràng, tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả triển khai trong các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là những tình huống vượt khỏi phạm vi quản lý chuyên ngành, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về cơ chế phối hợp liên ngành. Cần quy định rõ đầu mối điều phối liên bộ; quy trình chia sẻ thông tin, dữ liệu; cơ chế huy động, phân bổ lực lượng và nguồn lực; cũng như nguyên tắc thống nhất hành động giữa các bộ, ngành trong xử lý tình huống.
Đối với quy định tại Điểm i, Khoản 3, Điều 37 dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, quy định này thể hiện sự linh hoạt cần thiết trong quản lý điều hành ở cấp địa phương, đặc biệt trong tình huống khẩn cấp. Đề nghị bổ sung điều kiện cụ thể để kiểm soát việc áp dụng, ví dụ: giới hạn thời gian áp dụng trong tối đa 24, 36 hoặc 48 giờ trong khi chờ chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; đồng thời quy định rõ trách nhiệm báo cáo và chịu sự hậu kiểm của cơ quan có thẩm quyền. Vì qua thực tiễn, việc thiết lập giới hạn về thời gian và cơ chế giám sát sẽ giúp tạo điều kiện cho địa phương chủ động xử lý tình huống cấp bách, nhưng vẫn đảm bảo không vượt quá thẩm quyền, phòng ngừa nguy cơ lạm quyền, tùy tiện hoặc áp dụng các biện pháp thiếu cơ sở, tiềm ẩn hệ lụy pháp lý và xã hội.
Tại khoản 7, Điều 39 quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đề nghị xem xét bổ sung thêm các quy định về cơ chế bù đắp thiệt hại hoặc hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể như: chính sách bồi thường hợp lý, ưu đãi thuế, hỗ trợ chi phí chuyển đổi hoặc ghi nhận đóng góp dưới hình thức khen thưởng, vinh danh. Điều này không chỉ đảm bảo sự công bằng trong huy động nguồn lực xã hội mà còn tạo động lực để doanh nghiệp chủ động, yên tâm tham gia, từ đó thúc đẩy hợp tác công tư một cách bền vững và hiệu quả trong ứng phó tình huống khẩn cấp.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh tham gia góp ý đối với dự án Luật Dẫn độ:
Tại Khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật quy định nguyên tắc thực hiện dẫn độ, đề nghị bổ sung thêm hai yếu tố: Thứ nhất, bổ sung cụm từ “tôn trọng quyền con người” vì đây là nguyên tắc mang tính nền tảng trong pháp luật quốc tế và đã được ghi nhận tại nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Việc bảo đảm quyền con người trong dẫn độ là yêu cầu pháp lý phổ quát, nhất là trong các vụ việc có liên quan đến khả năng người bị dẫn độ đối mặt với án tử hình, tra tấn hoặc xét xử không công bằng tại nước yêu cầu. Thứ hai, đề nghị bổ sung cụm từ “các hiệp định về dẫn độ” để cụ thể hóa loại điều ước quốc tế chuyên ngành có liên quan, đồng thời tránh trùng lặp hoặc hiểu lẫn với các loại điều ước đa lĩnh vực.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh phát biểu
Đối với Khoản 2 Điều 23 dự thảo luật quy định về tiếp nhận, kiểm tra, chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ và bổ sung thông tin, tài liệu. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung về yêu cầu ghi nhận việc tiếp nhận hồ sơ vào sổ hồ sơ dẫn độ, nhằm thiết lập cơ chế quản lý hồ sơ khoa học, có căn cứ về thời gian và tiến độ xử lý, đặc biệt khi xảy ra khiếu nại hoặc cần rà soát lại quy trình. Đại biểu cho rằng: cần quy định rõ rằng nếu hồ sơ không hợp lệ, Bộ Công an phải thông báo lý do bằng văn bản, thể hiện thái độ minh bạch, trách nhiệm và tạo điều kiện cho nước yêu cầu điều chỉnh, hoàn thiện hồ sơ.
Theo đại biểu, việc sử dụng cụm từ “nước ngoài” tại khoản 2 Điều 27 là một khái niệm rộng, chưa cụ thể, có thể gây hiểu nhầm về chủ thể thực hiện yêu cầu dẫn độ. Do dó, để bảo đảm chính xác về mặt pháp lý và kỹ thuật lập pháp, đại biểu đề nghị thay bằng cụm từ “nước yêu cầu dẫn độ” để thể hiện đúng chủ thể có yêu cầu, đồng thời đồng bộ với cách dùng từ tại các luật về tương trợ tư pháp khác.
Thanh Thúy