Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu tại hội trường về Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
16/06/2025
Chiều ngày 16/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đại biểu Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đã tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Đại biểu đánh giá Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là luật mới, có tính chất đặc thù, vừa mang ý nghĩa chính trị, quốc phòng – an ninh, vừa thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao; việc ban hành luật cần đảm bảo tính khả thi, đầy đủ, cụ thể và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Đại biểu Sùng A Lềnh phát biểu tại hội trường
Tại Mục 1 Chương II của dự thảo luật, các nhóm tiêu chuẩn cơ bản đối với cá nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình đã được xác định bước đầu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng quy định hiện nay còn chung chung, thiếu tính cụ thể, chưa phản ánh đầy đủ đặc thù của từng nhóm đối tượng tham gia; đề nghị xem xét bổ sung trong dự thảo luật hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể các tiêu chí với định lượng rõ ràng, như: yêu cầu về ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu, sức khỏe đạt loại I hoặc II theo quy định của Bộ Y tế hoặc Bộ Quốc phòng; phải hoàn thành tốt nhiệm vụ trong ít nhất 2 năm liên tục, không bị xử lý kỷ luật trong thời gian gần nhất…
Đối với chế độ, chính sách tại Điều 26, việc quy định chính sách, chế độ cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình là cần thiết và thể hiện sự quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người thực thi nhiệm vụ quốc tế. Tuy nhiên, dự thảo còn một số bất cập: Đối với lực lượng dân sự, chưa quy định rõ việc bảo lưu thời gian công tác, trách nhiệm đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trong thời gian làm nhiệm vụ thuộc về cơ quan nào – cơ quan quản lý trực tiếp hay Bộ Quốc phòng? Đề nghị bổ sung quy định bảo lưu thời gian công tác, chế độ bảo hiểm bắt buộc cho lực lượng dân sự; quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chi trả và thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm; làm rõ cơ chế tài chính, trong đó cần quy định cụ thể việc chi từ ngân sách thường xuyên hay nhiệm vụ đặc thù; hướng dẫn cụ thể quy trình lập dự toán, chi tiêu và quyết toán chi phí cho lực lượng gìn giữ hòa bình… Đại biểu cũng đề xuất về một số nội dung khác như:
Về giám sát hoạt động gìn giữ hòa bình: Đề nghị bổ sung quy định về cơ quan thực hiện giám sát hoặc hình thức giám sát phù hợp.
Về phương án ứng phó khẩn cấp: Cần có quy định về các tình huống khẩn cấp như: rút quân do biến động chính trị tại nước sở tại, chiến sự leo thang, dịch bệnh, thiên tai, khủng bố…; các biện pháp hỗ trợ khi cá nhân bị thương, bị bắt, hy sinh. Cơ chế hậu cần, cứu hộ, phối hợp liên ngành trong tình huống khẩn cấp cũng cần được quy định cụ thể.
Tuấn Anh