Bàn về hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân
Chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) là hoạt động quan trọng, nổi bật thể hiện chức năng giám sát của HĐND. Đây là hoạt động được cử tri, nhân dân đặc biệt chú ý theo dõi tại kỳ họp HĐND. Đây cũng là hoạt động thể hiện rõ vị thế, trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Theo đó, chương trình kỳ họp HĐND bao giờ cũng dành thời gian nhất định để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là một nội dung không thể thiếu được trong kỳ họp của HĐND. Qua chất vấn, cử tri thấy được hoạt động của đại biểu, hoạt động của HĐND, thấy được những vấn đề "nóng" về các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. 

Để hoạt động chất vấn có chất lượng, đạt hiệu quả, đáp ứng mong đợi của cử tri thì ngoài yếu tố cấu thành thể hiện ở người tổ chức điều hành chất vấn, người chất vấn và người trả lời chất vấn thì việc quy định chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh đang được rất nhiều đại biểu quan tâm.

Trong những năm qua, hoạt động chất vấn trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Lào Cai đã được Đại biểu HĐND thực hiện tốt quyền chất vấn, đồng thời thể hiện năng lực và trách nhiệm của người đại biểu trước cử tri góp phần nâng cao vị thế của người đại biểu dân cử trong cơ cấu quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, chất vấn như thế nào, làm sao để việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp vừa nghiêm túc, vừa thẳng thắn lại vừa đúng mức và có hiệu quả tốt vấn đề đang được đặt ra hiện nay. Do khuôn khổ bài viết, trong số này xin được cùng trao đổi thêm một số nội dung chủ yếu quy định chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh.

Thứ nhất, đối với tiêu chí lựa chọn chất vấn sẽ là những vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn được cử tri và các đại biểu HĐND quan tâm; việc chấp hành pháp luật trên địa bàn; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; ý kiến kiến nghị của cử tri hoặc vấn đề chất vấn đã được trả lời bằng văn bản nhưng đại biểu HĐND chưa đồng thuận nội dung trả lời được Thường trực HĐND tỉnh nhất trí trình HĐND cho trả lời tại kỳ họp. Việc lựa chọn chất vấn phải phù hợp với thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp, có thể xem xét không lựa chọn chất vấn cùng một vấn đề trong hai kỳ họp liên tiếp. Người bị chất vấn là Chủ tịch UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Cục trưởng cục thi hành án dân sự, thủ trưởng các cơ quan đơn vị trực thuộc UBND tỉnh. Trường hợp chưa có thủ trưởng, thì người được giao phụ trách hoặc cấp phó của cơ quan là người bị chất vấn. Người bị chất vấn có trách nhiệm, nghĩa vụ trả lời trực tiếp, đầy đủ các vấn đề chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay, trường hợp có lý do chính đáng, không thể tham dự phiên họp chất vấn thì có văn bản gửi đến Thường trực HĐND quyết định.  

Thứ hai, đối với việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn đề nghị quy định một số nội dung cụ thể như: Chậm nhất khoảng 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, đại biểu HĐND gửi phiếu chất vấn đến Thường trực HĐND (qua Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND để tổng hợp). Phiếu chất vấn phải ghi cụ thể, rõ ràng về thông tin các vấn đề cần chất vấn, người bị chất vấn theo mẫu; chậm nhất khoảng 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, trên cơ sở báo cáo tổng hợp của Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh về các nội dung dề nghị chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến về dự kiến nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn tại kỳ họp; chậm nhất khoảng 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, Thường trực HĐND gửi phiếu xin ý kiến nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn đến đại biểu HĐND tỉnh để thống nhất lựa chọn nhóm vấn đề và người bị chất vấn (trong trường hợp quá nhiều nội dung chất vấn) để đảm bảo về thời gian; chậm nhất khoảng 3 ngày trước kỳ họp, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổng hợp nội dung chất vấn để trình Thường trực HĐND xem xét quyết định; trước ngày khai mạc kỳ họp, Thường trực HĐND gửi thông báo về nội dung chất vấn đến UBND tỉnh và người bị chất vấn; trước phiên chất vấn, người bị chất vấn gửi văn bản trả lời đến Thường trực HĐND.

Thứ ba, về trình tự hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh được thực hiện theo Khoản 3 Điều 60 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; thời gian nêu chất vấn của đại biểu khoảng 3 phút đối với mỗi câu hỏi chất vấn, trường hợp đại biểu nêu nhiều câu hỏi chất vấn có thể thời gian không quá 5 phút; thời gian trả lời mỗi nội dung chất vấn khoảng 5 đến 10 phút, nếu vấn đề chất vấn phức tạp liên quan đến nhiều ngành thì thời gian trả lời do chủ tọa kỳ họp quyết định; Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Chánh Tòa án nhân dân tỉnh, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh tham dự phiên họp chất vấn để trả lời chất vấn có liên quan của đại biểu HĐND tỉnh.

 Thứ tư, đối với việc ban hành kết luận, nghị quyết về chất vấn: Kết thúc phiên chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh có thể ban hành kết luận hoặc trường hợp cần thiết ban hành Nghị quyết về chất vấn và tổ chức thực hiện; nội dung Nghị quyết theo quy định tại Khoản 5 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nghị quyết về chất vấn; lấy ý kiến của các Ban HĐND tỉnh, trình Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến trước khi xin ý kiến của đại biểu HĐND

Thứ năm, về báo cáo kết quả, giám sát thực hiện kết luận, nghị quyết về chất vấn: Trong thời gian chậm nhất khoảng 10 ngày sau khi bế mạc kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh gửi đến người bị chất vấn văn bản tổng hợp hoặc Nghị quyết của HĐND về vấn đề chất vấn tại kỳ họp; chậm nhất khoảng 10 ngày trước kỳ họp tiếp theo của HĐND, người trả lời chất vấn có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết, kết luận chất vấn của HĐND về thực hiện các giải pháp, biện pháp giải quyết các vấn đề chất vấn tại kỳ họp trước đến Thường trực HĐND và đại biểu HĐND tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh giám sát người đã trả lời chất vấn trong việc thực hiện Nghị quyết, kết luận của HĐND tỉnh về thực hiện các biện pháp, giải pháp giải quyết nội dung chất vấn.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chất vấn bên cạnh một số nội dung chủ yếu trên còn đòi hỏi các đại biểu HĐND luôn có bản lĩnh chính trị, tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm trước các yêu cầu đổi mới của đất nước, của tỉnh; trước những bức xúc, những vấn đề nổi cộm mà cử tri quan tâm để làm căn cứ xem xét chất vấn, thể hiện năng lực và trách nhiệm của người đại biểu trước cử tri, nâng cao vị thế của người đại biểu dân cử đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Lưu Thị Hiên

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập