Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng tuyển dụng, sử dụng và quản lý biên chế sự nghiệp giáo dục tỉnh Lào Cai
Những năm gần đây, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý; trong đó, chất lượng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã góp phần quyết định thành quả của sự nghiệp giáo dục của tỉnh Lào Cai. Vì vậy, công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý biên chế sự nghiệp giáo dục luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Hằng năm, căn cứ vào chỉ tiêu biên chế được giao, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành chuyên môn, UBND cấp huyện thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tế của tỉnh. 

Ngày 30/10/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT, Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Theo đó, Thông tư đã quy định mới một số nội dung về cách tính định mức giáo viên/lớp, quy định thêm một số vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục, cũng như giao thẩm quyền UBND tỉnh quy định trong trường hợp đặc biệt cần bố trí số học sinh/lớp thấp hơn so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, thực hiện chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh, vừa qua Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức giám sát nhằm đánh giá việc xây dựng kế hoạch bố trí, sử dụng, tuyển dụng và quản lý biên chế sự nghiệp giáo dục gắn với đề án vị trí việc làm trên cơ sở quy mô, mạng lưới trường, lớp học và số lượng người làm việc được giao theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

anh tin bai

Đoàn giám sát làm việc với Trường tiểu học và THCS Bắc Cường về việc quản lý, sử dụng biên chế giáo dục

Tính đến 01/3/2024, ngành giáo dục đã thực hiện 15.973/17.042 biên chế được giao (số liệu không bao gồm trường chuyên nghiệp, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên của các huyện, thị xã, thành phố), trong đó số cán bộ quản lý là 1.386 người, giáo viên là 13.085 người, nhân viên là 1.150 người, hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ là 352 người; số lượng, chất lượng đội ngũ viên chức lãnh đạo quản lý, giáo viên, nhân viên trường học cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Việc quản lý và sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Hằng năm, trên cơ sở đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, của UBND cấp huyện, Sở Nội vụ thẩm định, trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch tuyển dụng với chỉ tiêu cụ thể đến từng cấp học. Từ năm 2022 đến nay, đã thực hiện 03 kỳ tuyển dụng với 765 người trúng tuyển, qua đó đã đánh giá được toàn diện năng lực của từng thí sinh, cơ bản khắc phục được chênh lệch về điểm số giữa các cơ sở đào đạo, hệ đào tạo và loại hình đào tạo. Việc sắp sếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được quan tâm, chú trọng. Đến nay, năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 610 trường, 8.308 lớp với 234.972 học sinh (so với năm học 2014-2015 đã giảm 68 trường, tăng 28 lớp, tăng 53.538 học sinh); từ đó, đã giảm được một số vị trí cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trường học. Từ năm 2015 đến hết năm 2023, toàn ngành đã thực hiện tinh giản biên chế dược 957 viên chức. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng gắn với bổ nhiệm, điều động, luân chuyển viên chức được thực hiện đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm; sau các cuộc thanh tra, kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, đồng thời triển khai các giải pháp sắp xếp, điều chỉnh và cho đi đào tạo, bồi dưỡng lại. Công tác bố trí, sử dụng đội ngũ viên chức trong các cơ sở giáo dục theo Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT được ngành giáo dục và các địa phương thực hiện rà soát đến từng điểm trường để điều chỉnh số học/lớp đảm bảo đúng quy định. Sau khi rà soát, nếu chỉ tính theo quy định về số học sinh/lớp mà không tính theo đặc thù là các điểm trường lẻ thì toàn tỉnh thiếu gần 200 giáo viên cấp THPT; riêng thành phố Lào Cai thiếu giáo viên ở các cấp học, còn lại một số huyện thừa giáo viên ở cấp học mầm non, tiểu học, THCS. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý biên chế sự nghiệp còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Hầu hết các môn học tỉ lệ đăng ký dự tuyển đều thấp hơn số chỉ tiêu; một số môn học không có thí sinh đăng ký dự tuyển như môn: Âm nhạc, mỹ thuật, Tiếng Anh, tin học...; tỷ lệ trúng tuyển thấp; tỷ lệ lao động nữ trong ngành giáo dục cao, nhất là các trường mầm non, tiểu học nên nghỉ thai sản nhiều, nghỉ ốm dài ngày... Vì vậy, các trường phải thực hiện hợp đồng giáo viên nhưng lại gặp khó khăn khi lương dạy hợp đồng chỉ khoảng 4,1 triệu đồng/tháng; các trường hầu như gặp khó khăn khi không đủ kinh phí chi trả tiền dạy thừa giờ theo quy định do thiếu giáo viên, nhất là các trường ở vùng thấp (mầm non, tiểu học, THCS). Theo Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT quy định bình quân số học sinh/lớp để tính định mức giáo viên/lớp sẽ gặp khó đối với các trường vùng cao có nhiều điểm trường lẻ nên số HS/lớp không đủ theo quy định; một số trường vùng thấp, đông dân cư nên số HS/lớp và số lớp/trường vượt quá quy định, cơ sở vật chất, diện tích lớp học chật hẹp không thể đáp ứng đủ chỗ ngồi đối với lớp từ 40 HS trở lên...; toàn tỉnh chưa bố trí được vị trí giáo viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật tại mỗi đơn vị; cũng như, các vị trí việc làm thư viện, thiết bị, giáo vụ, tư vấn HS... theo quy định.

Để việc giao biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý biên chế sự nghiệp giáo dục trong thời gian tới hiệu quả, chất lượng, Ban Pháp chế HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo: Rà soát, có giải pháp bố trí sử dụng đội ngũ viên chức khoa học theo biên chế giao năm 2023, điều tiết hợp lý việc thừa - thiếu đối với các địa phương, đảm bảo cơ cấu theo từng cấp học và đúng định mức quy định; sắp xếp, bố trí hợp lý một số vị trí việc làm chuyên môn dùng chung, chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, ... theo quy định; sớm quy định định mức số học sinh/lớp thấp hơn so với mức bình quân theo vùng theo quy định tại Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT và phù hợp với thực tế địa phương. Hàng năm, tổ chức sớm việc tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục đảm các huyện, thị xã, thành phố có GV cho các cấp học trước khi khai giảng năm học mới; sớm hướng dẫn thực hiện chi trả lương đối với giáo viên hợp đồng để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp theo quy định. Đối với những vị trí không sắp xếp, bố trí đủ số lượng người làm việc theo quy định, cần có chính sách hỗ trợ việc kiêm nhiệm. Nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục và đào tạo để thực hiện tối ưu hoạt động công bằng trong giáo dục cho mọi học sinh nhằm thúc đẩy tăng số học sinh học tập tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, khắc phục tình trạng quá tải số học sinh tại các trường công lập. Sớm thành lập Trung tâm Hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập công lập nhằm giảm bớt biên chế hưởng lương từ ngân sách và đảm bảo quyền lợi của người học. Thực hiện chi trả tiền dạy thừa giờ đối với các trường thiếu định mức giáo viên/lớp theo quy định của Trung ương. Chỉ đạo các địa phương rà soát, chi trả tiền dạy thừa giờ theo quy định đối với các trường chưa đủ giáo so với biên chế được giao và giao kinh phí đối với các trường học theo số biên chế được giao, không giao kinh phí theo biên chế thực hiện.

Thanh Trúc

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập