Chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 22/5/2023 tại Thủ đô Hà Nội. Theo nội dung chương trình, sáng ngày 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. 

Theo báo cáo của Ủy ban xã hội của Quốc hội trình tại kỳ họp cho thấy việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương triển khai tích cực và đã đạt được một số kết quả cụ thể đó là:

(1) Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã được 60 tỉnh/63 tỉnh, thành phố (Có 03 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên Cao Bằng không có đối tượng hỗ trợ) hoàn thành việc triển khai và giải ngân cho 126.172 lượt người sử dụng lao động, 5.194.162 lượt người lao động với kinh phí là 3.759,8 tỷ đồng trên tổng số 6.600 tỷ đồng, giải ngân đạt khoảng 60% so với kế hoạch vốn (trong đó chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động đã triển khai cho 28.377 lượt người sử dụng lao động, 463.846 lượt lao động với kinh phí là 539,8 tỷ đồng);

(2) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý 04 dự án với tổng kinh phí 950 tỷ đồng, đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, phân bổ vốn, đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, chưa giải ngân, đó là: dự án nâng cấp, cải tạo, tăng cường cơ sở vật chất cho 02 Bệnh viện và 01 Trung tâm phục hồi chức năng (Bệnh viện Chỉnh hình - phục hồi chức năng Cần Thơ, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Quy Nhơn, Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thuỵ An); 01 dự án đầu tư chuyển đổi số cho đào tạo nghề chất lượng cao. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, giao vốn cho 32 dự án với tổng kinh phí là 2.300 tỷ đồng.

(3) Trong lĩnh vực y tế, đã có danh mục 144 dự án triển khai tại 59 tỉnh, thành phố và 15 viện, bệnh viện tuyến trung ương thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an với 13.198 tỷ đồng. Tháng 2/2023 đã bổ sung thêm 8 dự án, nâng tổng số dự án thực hiện theo Chương trình lên 152 dự án.

(4) Đến 31/3/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng, dư nợ đạt 16.400 tỷ đồng. Trong đó: cho vay giải quyết việc làm đạt 10.000 tỷ đồng (với 211 nghìn khách hàng), bằng 100% kế hoạch; cho vay nhà ở xã hội đạt 4.381 tỷ đồng; cho vay học sinh sinh viên mua máy tính đạt 821 tỷ đồng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 188 tỷ đồng.

anh tin bai

Đc Sùng A Lềnh - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Tuy vậy, báo cáo cũng nêu và phân tích, nhận định nhiều khó khăn, vướng mắc và đề nghị Quốc hội thảo luận một số vấn đề cần quan tâm, tháo gỡ:

Thứ nhất, việc giải ngân nguồn vốn của Chương trình rất chậm, từ nay đến hết năm 2023 chỉ còn 6 tháng để hoàn thành việc thực hiện, giải ngân theo yêu cầu của Nghị quyết số 43 là khó khả thi. Đến nay, số vốn được giao cho dự án đầu tư lĩnh vực y tế là 9.981,315 tỷ đồng, còn lại 4.018,685 tỷ đồng chưa được giao (Thủ tướng có 02 quyết định giao vốn: Quyết định 1113/QĐ-TTg ngày 21/9/2022 và Quyết định số 202/QĐ-TTg ngày 08/3/2023), do các dự án mới được giao vốn nên hiện nay chưa thực hiện giải ngân được. Các dự án thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội tuy cơ bản đã được giao vốn, đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư nhưng chưa giải ngân hoặc có tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Thứ hai, theo báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội, số tiền cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt thấp 0,25%,  chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với kế hoạch mới cho vay được 7 tỷ đồng tên tổng2.780 tỷ đồng.  

Thứ ba, số kinh phí không sử dụng hết sau khi đã kết thúc chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là khoảng 2.840 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% kế hoạch vốn cho thấy, việc đánh giá tác động, dự báo chính sách chưa sát với thực tế dẫn đến nhu cầu thực tế thấp hơn kế hoạch đề ra.

Thứ tư, mặc dù số vốn theo Nghị quyết 43/2022/QH15 được giao để đầu tư phát triển cho y tế mới đạt khoảng hơn 70%, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải ngân do một số khó khăn trong thực hiện pháp luật mua sắm, đấu thầu, đầu tư xây dựng; việc chấp hành nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn ở một số nơi còn chưa nghiêm; thiếu hướng dẫn nguyên tắc điều hòa linh hoạt vốn giữa các nhiệm vụ, dự án sử dụng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh đó, còn có tâm lý sợ sai, e ngại nên phát sinh nhiều thủ tục nội bộ, làm kéo dài thời gian thực hiện việc phân bổ vốn và triển khai dự án.

Mục tiêu của chính sách là hỗ trợ phục hồi, phát triển, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025. Thiết nghĩ cần sự quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc và giám sát.  

Nguyễn Hữu Vinh

Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND  tỉnh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập