Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu tại Tổ số 13 về Dự án Luật Năng lượng nguyên tử và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
06/05/2025
Chiều ngày 06/5, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai tham gia phiên thảo luận cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh tại Tổ số 13 thảo luận về Dự án Luật Năng lượng nguyên tử; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Sùng A Lềnh phát biểu tại Tổ thảo luận
Phát biểu tại Tổ, đa số các ĐBQH trong tổ đều nhất trí với sự cần thiết ban hành các luật theo các Tờ trình của Chính phủ. Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu về Luật Năng lượng nguyên tử, đại biểu cho rằng dự thảo đã mở rộng phạm vi điều chỉnh một cách rõ ràng và toàn diện, không chỉ giới hạn ở điện hạt nhân mà còn bao gồm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hạt nhân trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp; quản lý an toàn bức xạ, an ninh hạt nhân; cũng như kiểm soát vật liệu hạt nhân, chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng… Đây là bước đi cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước khi Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hạt nhân. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đặt ra thách thức lớn về phối hợp liên ngành giữa các bộ, nếu thiếu đồng bộ, nguy cơ chồng chéo nhiệm vụ là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, việc quản lý toàn diện đòi hỏi đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại và hệ thống giám sát hiệu quả, những yếu tố mà hiện nay chúng ta còn thiếu hụt… Để đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề xuất: Cần làm rõ và chuẩn hóa các khái niệm, định nghĩa; cập nhật các công nghệ hạt nhân tiên tiến. Phải xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành chặt chẽ, có thể cân nhắc thành lập một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm quản lý thống nhất, tránh phân tán trách nhiệm. Tăng cường đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, đồng thời triển khai chương trình đào tạo chuyên sâu cho cán bộ quản lý và thanh tra.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đại biểu đánh giá cao cách tiếp cận tại khoản 5 Điều 1 Quy định nguyên tắc phân loại và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro vì phù hợp với xu hướng quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm nguồn lực và giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tuân thủ. Việc chia thành ba nhóm rủi ro: thấp, trung bình và cao, với ba cấp độ quản lý tương ứng là hợp lý, vừa bảo đảm kiểm soát chất lượng, vừa tránh tình trạng kiểm tra dàn trải, thiếu trọng tâm. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn trong quá trình triển khai có thể nảy sinh một số khó khăn như: Dự thảo chưa quy định rõ tiêu chí khách quan để xác định mức độ rủi ro của từng sản phẩm; các khái niệm như “tự công bố”, “tự đánh giá”, “đánh giá bên thứ ba” có thể gây lúng túng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ; việc triển khai mô hình phân tầng nếu không có lộ trình cụ thể sẽ dễ gây xáo trộn. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu đối với một số nội dung: Giao Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối công bố, cập nhật danh mục sản phẩm theo rủi ro. Ban hành hướng dẫn chi tiết, mẫu biểu cụ thể và thiết lập cơ chế hỗ trợ, đào tạo doanh nghiệp. Có lộ trình triển khai phù hợp, có thể thí điểm trước ở một số nhóm sản phẩm…
Tuấn Anh