image banner
Đại biểu Quốc hội Hà Đức Minh phát biểu tại Tổ về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)

Chiều ngày 07/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Đại biểu Hà Đức Minh thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu thảo luận một số vấn đề về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Dự thảo quy định tại Điều 6, khoản 10 “Biệt phái là việc công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị này được cử đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ”. Để phù hợp với thực tiễn và Luật Cán bộ, Công chức năm 2008, đề nghị bổ sung cụm từ “trong khoảng thời gian nhất định”, phản ánh thời hạn biệt phái tối đa 3 năm theo khoản 2 Điều 53, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Sự bổ sung này giúp tránh tình trạng biệt phái kéo dài, thiếu kiểm soát, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho công chức trong thời gian biệt phái.

anh tin bai

Đại biểu Hà Đức Minh phát biểu tại Tổ thảo luận

Tại khoản 4 Điều 8, dự thảo yêu cầu công chức “bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao”. Tuy nhiên, quy định này chưa đủ sức răn đe để ngăn chặn lãng phí, thất thoát tài sản công – một vấn đề nhức nhối trong thực tế. Đề nghị bổ sung nghĩa vụ “kịp thời phát hiện và báo cáo các hành vi sử dụng sai mục đích hoặc gây thất thoát tài sản công”. Đồng thời, cần quy định rõ chế tài xử lý nghiêm đối với công chức vi phạm, bao gồm cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều này sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm và minh bạch trong quản lý tài sản công.

Tại khoản 5 Điều 8, dự thảo yêu cầu công chức báo cáo bằng văn bản nếu phát hiện quyết định của cấp trên trái pháp luật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều công chức ngại báo cáo do lo sợ bị trù dập hoặc gây mâu thuẫn nội bộ. Tôi đề nghị bổ sung cơ chế bảo vệ công chức báo cáo, chẳng hạn quy định bảo mật danh tính và lưu trữ báo cáo trong hồ sơ công vụ. Quy trình báo cáo cần được chuẩn hóa bằng văn bản, đảm bảo tính minh bạch và tránh lạm dụng quyền hạn từ phía cấp trên.

Tại khoản 3 Điều 10 về quyền được bố trí, thuê nhà ở công vụ và tại khoản 2 Điều 12 về chính sách ưu đãi nhà ở. Hai nội dung này đều hướng đến hỗ trợ nhà ở, gây trùng lặp và khó áp dụng. Đề nghị gộp thành một điều khoản duy nhất,  Việc hợp nhất giúp văn bản pháp luật gọn gàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thực hiện chính sách nhà ở một cách thống nhất, tránh chồng chéo.

Tại điểm a khoản 2 Điều 31, dự thảo quy định công chức không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị bố trí vào vị trí thấp hơn hoặc cho thôi việc. Để làm rõ thời gian áp dụng, tôi đề nghị bổ sung cụm từ “01 năm”, sửa đổi như sau: “Công chức xếp loại đánh giá 01 năm ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý xem xét bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn hoặc cho thôi việc”. Quy định này bổ sung cho điểm b khoản 2 Điều 31, vốn đã quy định về xử lý công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp. Việc làm rõ trường hợp 1 năm giúp đảm bảo công bằng, đồng thời thúc đẩy công chức nỗ lực cải thiện hiệu quả công việc ngay từ năm đầu tiên.

Dự thảo quy định Tại Điều 41 và 42, cán bộ, công chức bị Tòa án kết án phạt tù không hưởng án treo hoặc phạm tội tham nhũng sẽ bị bãi nhiệm hoặc buộc thôi việc. Đề nghị mở rộng quy định, áp dụng cả trường hợp bị kết án phạt tù hưởng án treo. Lý do là theo quy định của Đảng, những trường hợp này thường bị khai trừ, và việc để họ tiếp tục công tác sẽ gây khó khăn trong quản lý, làm giảm uy tín của cơ quan. Quy định sửa đổi sẽ đảm bảo tính nghiêm minh, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ về việc không khoan nhượng với các hành vi vi phạm pháp luật, dù ở mức độ nào.

Thanh Hoa

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập