Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)
09/05/2025
Chiều ngày 08/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Khoản 6, Điều 6, về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra mới chỉ dừng lại ở việc nghiêm cấm hành vi không cung cấp, cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu... Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy nhiều đối tượng không chỉ tiêu hủy mà còn có hành vi thay đổi, làm sai lệch tài liệu, vật chứng nhằm che giấu vi phạm. Đây là hành vi tinh vi, gây khó khăn lớn cho đoàn thanh tra, làm sai lệch bản chất vụ việc. Đề nghị bổ sung cụm từ “thay đổi, làm sai lệch tài liệu, vật chứng…” để hoàn thiện quy định, đảm bảo phù hợp thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh phát biểu
Về chức năng của Thanh tra tỉnh tại Điều 15, dự thảo chưa đề cập đến chức năng phòng, chống lãng phí, trong khi đây là một trong ba trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát cùng với phòng, chống tham nhũng và tiêu cực. Việc thiếu cụm từ này dẫn đến sự không đồng bộ giữa Luật Thanh tra và các luật chuyên ngành như Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cần bổ sung cụm từ “phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” cho phù hợp với Điều 9 và tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Điều 16 về quyền xây dựng kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh, việc yêu cầu “lấy ý kiến Thanh tra Chính phủ” khi xây dựng kế hoạch là không phù hợp với Điều 10 của dự thảo - nơi không giao Thanh tra Chính phủ quyền phê duyệt từng kế hoạch cấp tỉnh. Mặt khác, kế hoạch của Thanh tra tỉnh vốn đã phải bám sát Định hướng thanh tra hàng năm của Thanh tra Chính phủ. Đề nghị bỏ yêu cầu “lấy ý kiến Thanh tra Chính phủ” để giảm thủ tục hành chính, tăng tính chủ động và linh hoạt cho địa phương.
Về quyền hạn của Chánh Thanh tra tỉnh tại Điều 17, hiện chưa quy định rõ việc Chánh Thanh tra tỉnh được ban hành kế hoạch thanh tra sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất chủ trương, gây thiếu minh bạch về trách nhiệm pháp lý. Đồng thời, chưa xác lập thẩm quyền xử phạt hành chính hoặc kiến nghị xử phạt - điều cốt yếu để đảm bảo hiệu lực thi hành. Đề nghị bổ sung quyền “ban hành kế hoạch thanh tra sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất chủ trương”; bổ sung quyền “xử phạt hoặc kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính” để đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 14 dự thảo…