image banner
Hiệu quả trong phối hợp của HĐND với Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lào Cai trong hoạt động giám sát và ban hành cơ chế chính sách

Những năm qua, công tác phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh Lào Cai ngày càng chặt chẽ, tạo điều kiện cho mỗi hệ thống cơ quan, tổ chức hoạt động có hiệu quả hơn. Thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ, nhất là hoạt động giám sát và ban hành các cơ chế chính sách đã được các bên thực hiện đúng, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tạo điều kiện để mỗi cơ quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định. Sự phối hợp ấy đã tạo được sự chuyển biến tích cực, đời sống kinh tế - xã hội từng bước phát triển theo hướng bền vững, ổn định. 

Giám sát và xây dựng cơ chế chính sách là những nhiệm vụ quan trọng nhất của HĐND. Thông qua hoạt động giám sát, chúng ta có thể kiểm chứng lại tính đúng đắn, sự phù hợp của các quy định của pháp luật đã, đang được áp dụng trong cuộc sống và những chủ trương, biện pháp mà HĐND đã quyết nghị; giúp chúng ta phát hiện ra những khó khăn, vướng mắc để kịp thời có những giải pháp tháo gỡ, khắc phục, thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động; giám sát còn là cơ sở cho việc thực hiện công tác thẩm tra và đi đến quyết định vấn đề một cách chính xác, đảm bảo các nghị quyết ban hành sát thực tiễn, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của cử tri. Cùng với HĐND, MTTQ các cấp cũng có chức năng giám sát phản biện xã hội. Đây là hai hoạt động giám sát song hành hỗ trợ bổ sung cho nhau trong việc theo dõi, giám sát chính quyền các cấp thi hành Hiến pháp, luật và các cơ chế chính sách trong việc phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng ở địa phương. Thường trực và các Ban HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh luôn coi trọng và tăng cường phối hợp trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Khi được Thường trực và các Ban HĐND tỉnh mời, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên tham gia thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình cùng với đoàn giám sát của HĐND. Qua các cuộc giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đều thông báo về ý kiến của mình với Thường trực và các Ban HĐND tỉnh. các cuộc giám sát của UBMTTQ đều mời đại biểu HĐND tham gia với tư cách thành viên và ngược lại.

anh tin bai

Trong năm 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến huyện đã tổ chức 197 cuộc giám sát, trong đó riêng MTTQ tỉnh tổ chức 10 cuộc giám sát. Đặc biệt Ủy ban MTTQ các cấp đã và đang tiến hành giám sát việc thực hiện lời hứa của đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử bầu ra mình. Đối với đại biểu HĐND tỉnh, MTTQ tỉnh giám sát các đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Bảo Yên. kết quả 100% các đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại 2 đơn vị bầu cử huyện Bảo Yên thực hiện tốt các lời hứa của mình trước cử tri. Đây là việc giám sát có ý nghĩa đặc biệt, bời vì qua giám sát đại biểu HĐND, MTTQ thay mặt cử tri đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu với nhân dân, đánh giá trách nhiệm của đại biểu với cử tri tại đơn vị bầu cử. Đối với HĐND, trong 2022, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức 51 cuộc giám sát, khảo sát;  9 tháng đầu năm 2023, HĐND, Thường trực, các Ban và các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 46 cuộc giám sát và khảo sát, trong đó có 24 cuộc giám sát chuyên đề. HĐND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức được 169 cuộc giám sát, khảo sát, trong đó có 100 cuộc giám sát chuyên đề. Các cuộc giám sát chuyên đề có mời Thường trực MTTQ tham gia thành viên đoàn giám sát.

 Để công tác phối hợp giám sát đạt hiệu quả, Thường trực HĐND, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã hết sức chú trọng, quan tâm các nội dung sau: Phối hợp chặt chẽ trong việc lựa chọn lĩnh vực và vấn đề trọng tâm để giám sát và thống nhất ngay từ kỳ họp cuối năm trước. Trên cơ sở đó, việc xây dựng chương trình giám sát đã được tiến hành sớm, thông báo rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp, thời gian, đối tượng được giám sát. Trong quá trình phối hợp hoạt động, để tránh bị động, chồng chéo ngoài việc lựa chọn những vấn đề trọng tâm, cần thiết và phù hợp, đã có biện pháp thông tin, phối hợp nhiều chiều, lồng ghép các chương trình, nội dung giám sát trên cùng một địa bàn, tạo được sức mạnh tổng hợp trong hoạt động giám sát. Thực hiện đa dạng các hình thức giám sát, phương thức thực hiện và lực lượng đủ mạnh, trong đó Thường trực, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh phải trực tiếp phụ trách chương trình giám sát (nhất là những cuộc giám sát chuyên đề) và mời đại diện Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể và chuyên gia am hiểu về những vấn đề cần giám sát tham gia. Kết thúc các cuộc giám sát đã tổ chức các cuộc họp với UBND tỉnh, các ngành, đoàn thể để thống nhất các nội dung kết luận, trong đó chỉ rõ kết quả, tồn tại, nguyên nhân, kiến nghị những biện pháp khắc phục; thường xuyên phối hợp với UBND kiểm tra, đôn đốc các cấp chính quyền, các ban ngành liên quan về việc tiếp thu và chấp hành các kiến nghị sau giám sát.

 Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được phối hợp thực hiện tốt, đảm bảo theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn. 9 tháng đầu năm 2023 cấp tỉnh đã ban hành 49 nghị quyết, lũy kế từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã ban hành 209 Nghị quyết, trong đó có 67 nghị quyết quy phạm pháp luật là các cơ chế chính sách trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh. Cấp huyện đã ban hành 235 Nghị quyết, lũy kế từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã ban hành 886 Nghị quyết. Các Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện ban hành đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về quy trình, thủ tục, trước khi ban hành đều được các Ban HĐND chủ động nghiên cứu, tổ chức khảo sát, tham gia ý kiến đối với cơ quan soạn thảo để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đối với các Nghị quyết quy phạm pháp luật trước khi trình HĐND đã thực hiện các bước theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 Việc ban hành những chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân trong các nghị quyết quy phạm pháp luật, đã có sự phối hợp tham vấn ý kiến của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội do Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì, đóng góp ý kiến xây dựng trên cơ sở bàn bạc dân chủ, đúng luật. Trong những năm qua, việc ban hành các nghị quyết quy phạm pháp luật có sự phối hợp tốt giữa các bên, từ việc UBND tỉnh xây dựng tờ trình, dự thảo Nghị quyết có sự tham gia của các cơ quan HĐND và MTTQ trong việc tham gia ý kiến, đến bước HĐND thẩm tra kỹ trước khi trình ra kỳ họp HĐND. MTTQ tỉnh đã tổ chức 02 Hội nghị tham gia góp ý vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cấp tỉnh, hướng dẫn MTTQ các cấp đã tổ chức 109 hội nghị với sự tham gia của 6.235 người, qua đó đã có 295 ý kiến tham gia đóng góp cụ thể vào các điều khoản, điểm của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; 01 Hội nghị phản biện đối với 05 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh Lào Cai, 01 hội nghị tham gia góp ý dự thảo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về thực hiện xây dựng đô thị văn minh và hướng dẫn nội dung lấy ý kiến hài lòng của người dân về kết quả đô thị văn minh; tham gia ý kiến vào dự thảo các nghị quyết của HĐND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XVI; ý kiến và dự thảo Luật Đất đai... ngoài ra, Ủy ban MTTQ tỉnh còn tham gia ý kiến vào 57 dự thảo văn bản của tỉnh trước khi ban hành.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Công tác phối hợp giám sát đôi lúc chưa có sự thống nhất, vẫn còn tình trạng: Cùng 1 địa phương, cùng 1 thời gian có cả đoàn giám sát của HĐND (Thường trực, Ban, Tổ đại biểu) và đoàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc hoặc các tổ chức thành viên, gây khó khăn cho cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ của đối tượng giám;  Việc tổ chức giám sát các đại biểu HĐND thực hiện lời hứa với cử tri mới chỉ dừng ở một số đại biểu ở một vài địa phương; Việc tham gia phản biện lấy ý kiến tham vấn của nhân dân vào các dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật ban hành các cơ chế chính sách của địa phương; thực hiện các kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, việc chủ trương đầu tư các dự án... còn hạn chế. Vì vậy,  để nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác phối hợp giữa HĐND và MTTQ tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động chuyên đề giám sát, điều hòa thống nhất các địa bàn, thời gian..., giữa HĐND và MTTQ các cấp cần phải có sự . Thường trực HĐND và Ban thường trực MTTQ cần có sự trao đổi, thông báo và thống nhất về nội dung, thời gian, địa điểm để tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho chính quyền cơ sở và các đối tượng giám sát. Ủy ban MTTQ  tỉnh cần xây dựng kế hoạch để tổ chức giám sát 100% đại biểu HĐND về việc thực hiện lời hứa với cử tri. Ủy ban MTTQ tỉnh cần có kế hoạch tham vấn ý kiến nhân dân vào các chính sách đã được HĐND ban hành để phát hiện ra những hạn chế. Từ đó có kiến nghị với HĐND tỉnh sửa đổi bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tiễn và để các chính sách được HĐND tỉnh ban hành đi vào cuộc sống.

 Công tác phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh Lào Cai đã nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động giám sát, phản biện xã hội; nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, cơ chế của HĐND tỉnh. Đây sự đổi mới của chính quyền tỉnh nhằm thực hiện tốt nghị quyết của Đảng, của HĐND, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch công tác đề ra và đẩy mạnh việc phát huy dân chủ, xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân.

Ngô Quyền

Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập