Lào Cai là tỉnh thuộc khu vực trung du miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên 6.364 km², hơn 182 km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; hiện toàn tỉnh có 07 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố với 151 xã, phường, thị trấn (trong đó có 126 xã, 16 phường và 09 thị trấn); có 139 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (còn 65 xã khu vực III); dân số toàn tỉnh đến 31/12/2024 là 801.190 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 66,2%; tỷ lệ hộ nghèo là 11,24%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 9,94%.
Trong những năm qua, vị trí, vai trò của Lào Cai đã được khẳng định về kinh tế, văn hóa phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng được quan tâm; các phong trào về hóa, thể thao, rèn luyện sức khỏe phát triển rộng khắp, chất lượng dân số từng bước được nâng cao… Qua việc phối hợp giám sát cùng Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội trong tháng 3/2025 cho thấy: UBND tỉnh đã chủ động, kịp thời ban hành các kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ về công tác dân số trong tình hình mới; chỉ đạo triển khai đa dạng các hình thức cung cấp các dịch vụ mới xuống tận thôn bản, cộng đồng, đặc biệt là các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số nhằm nâng cao chỉ số sức khỏe con người Lào Cai phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các sở, ban ngành đã quan tâm công tác nâng cao chất lượng dân số, đã triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng; chỉ số phát triển con người (HDI) từng bước được cải thiện; mạng lưới chăm sóc sức khỏe và tổ chức bộ máy làm công tác dân số tiếp tục được kiện toàn và phát triển; tuổi thọ trung bình tăng qua các năm. Các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số như: tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh được đẩy mạnh thực hiện và đạt hiệu quả; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ngày càng giảm, cụ thể: Giai đoạn 2019 - 2023, chỉ số phát triển con người (HDI) trên địa bàn tỉnh xếp thứ 47 và 48/63 tỉnh, thành phố của cả nước và xếp thứ 08/14 tỉnh trong vùng Trung du miền núi phía Bắc. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, Lào Cai có tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh tăng dần qua các năm (tăng bình quân 0,44 tuổi/năm). Đến nay, chương trình sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh trên địa bàn tỉnh được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Sau thời gian thực hiện hoạt động sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh đã giúp người dân thấy được lợi ích của việc chủ động phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, qua đó giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường, giảm số người tàn tật, thiếu năng trí tuệ, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Triển khai hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn với nội dung tư vấn trọng tâm vào lợi ích khám sức khoẻ trước khi kết hôn; kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh; phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn; phòng tránh viêm nhiễm đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp và HIV/AIDS; các bệnh di truyền thường gặp như bệnh thalassemia; các bệnh của bố, mẹ có thể sẽ liên quan đến bệnh, tật bẩm sinh của trẻ sơ sinh... Chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức bằng nhiều hình thức như tăng cường phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phát huy vai trò của trưởng thôn, bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu còn tồn tại ở một số địa phương. Qua triển khai, nhận thức của nhân dân về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã được nâng lên, góp phần giảm đáng kể các vụ tảo hôn và đặc biệt đã nhiều năm liên tục không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống… Tuy nhiên, chất lượng dân số chưa đạt được kết quả như mong muốn; tảo hôn đã giảm nhưng vẫn còn, tình trạng mang thai và sinh con của tuổi vị thành niên còn xảy ra ở một số địa phương; tỷ lệ nam nữ, thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn thấp; tỷ lệ phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh được sử dụng dịch vụ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh chưa cao và chưa thực hiện sàng lọc thalassemia trước sinh và sàng lọc sơ sinh bệnh khiếm thính bẩm sinh, chủ yếu tập trung thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số ưu tiên hỗ trợ cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người dân sống tại các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. Tuổi thọ trung bình của tỉnh tuy có tăng so với những năm trước nhưng vẫn thấp hơn so với trung bình cả nước 3,2 tuổi, đạt 71,3 tuổi năm 2023 (cả nước 74,5 tuổi).

Đ/c Lưu Thị Hiên, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh phát biểu
Để tiếp tục nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới, Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ giải pháp như sau:
Một là, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp uỷ các cấp, đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp; xác định nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lâu dài góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong giai đoạn tới. Tăng cường phối hợp giám sát việc thực hiện các chính sách dân số; đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động về công tác dân số, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường sống lành mạnh, nâng cao sức khỏe và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ công tác dân số và phát triển đặc thù tại đại phương: Chính sách dinh dưỡng; chính sách đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế, các chính sách công tác giáo dục - đào tạo, hỗ trợ việc làm; chính sách an sinh xã hội vùng đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách... Hoàn thiện cơ chế giải quyết tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Hai là, tăng cường cung cấp thông tin về dân số và phát triển. Tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân số; mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản. Đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc giáo dục về dân số; ngăn ngừa, giảm thiểu tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mang thai tuổi vị thành niên ở đồng bào dân tộc ít người. Đẩy mạnh tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn; tầm soát trước sinh và sau sinh; dinh dưỡng hợp lý, phòng chống tác hại chất gây nghiện, sức khỏe người cao tuổi… Đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi và ủng hộ tích cực của toàn xã hội về nâng cao chất lượng dân số; hình thành kiến thức, kỹ năng về dân số, sức khoẻ sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ; chú trọng truyên truyền, giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số; duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bổ dân số hợp lý giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Ba là, tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; bảo đảm 100% xã, phường, thị trấn có viên chức dân số được đào tạo đúng vị trí việc làm; 100% thôn, bản, tổ dân phố có cộng tác viên dân số thường xuyên đào tạo tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về dân số; đổi mới phương thức truyền thông vận động, cung cấp dịch vụ đáp ứng nhiệm vụ mới trong công tác dân số; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chỉ đạo, quản lý công tác nâng cao chất lượng dân số. Tích cực chuyển đổi số, tăng cường công tác thống kê, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều tra, nghiên cứu chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh. Tích cực học tập kinh nghiệm về công tác nâng cao chất lượng dân số từ các tỉnh trong nước và quốc tế, vận dụng hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương.
Lưu Thị Hiên
Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh