image banner
Tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn lao động trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Lào Cai là một tỉnh miền núi, biên giới, dân số trên 792 nghìn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 66,22%. Theo số liệu thống kê ước đến hết năm 2024, tổng dân số trong độ tuổi lao động là 401.156 người. Lào Cai có một số Khu công nghiệp, nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, có loại với trữ lượng lớn. Trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án quan trọng góp phần thu hút giải quyết việc làm cho lao động của địa phương. Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có trên 3.500 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động, sử dụng trên 70.000 lao động. Lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa dạng, mang tính đặc thù với nhiều ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt năng nhọc độc hại nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao. Do đó, việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn lao động rất cần được các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát.

Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện chính sách pháp luật an toàn, vệ sinh lao động, nhờ đó công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động đã được nâng lên, việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, sức khỏe của người lao động là nhiệm vụ chung của cấp ủy, chính quyền, địa phương, doanh nghiệp và bản thân mỗi người lao động; công tác an toàn, vệ sinh lao động luôn là một yêu cầu, nhiệm vụ gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm các chế độ, quyền lợi người lao động; công tác an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khu vực nông thôn và lao động không có quan hệ lao động cũng được quan tâm thông qua các Chương trình, dự án an toàn, vệ sinh lao động của tỉnh; ý thức tự giác chấp hành biện pháp làm việc an toàn và giữ gìn sức khỏe của người lao động được nâng cao, qua đó ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong năm 2024 có 17.127 lượt người lao động được tập huấn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy, trong đó có 6.254 người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được cấp thẻ an toàn lao động; 8.239 lượt máy, thiết bị được kiểm định kỹ thuật an toàn và khai báo sử dụng; có 15.329 lượt người lao động được khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Kinh phí thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là trên 81 tỷ đồng. Kết quả này đã góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, qua nắm bắt tình hình thực tế cho thấy một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và thực hiện nghiêm túc pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, chưa thường xuyên tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và định kỳ khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi chưa bảo đảm, chưa lập phương án biện pháp an toàn trong sản xuất và thi công, chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, chưa khai báo, kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, chưa thực hiện đầy đủ chế độ, quyền lợi đối với người lao động. Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp với nhiều ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng người lao động chưa nhận thức đầy đủ về công tác an toàn lao động, một số ít cán bộ phụ trách công tác an toàn lao động chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát. Công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ còn khó khăn do tổ chức bộ máy không ổn định, lực lượng lao động thường biến động nên việc tiếp cận và thực hiện chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh lao động còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động có lúc, có nơi chưa thực sự sát sao; lực lượng thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động ở một số doanh nghiệp còn mỏng. Đặc biệt, tính đến 31/12/2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra 38 vụ tai nạn lao động làm 20 người chết và 36 người bị thương, điển hình như tại khu vực có quan hệ lao động xảy ra 34 vụ làm 16 người chết và 36 người bị thương. Tại khu vực không có quan hệ lao động xảy ra 04 vụ tai nạn lao động làm chết 04 người lao động. Số vụ tai nạn lao động chết người (cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực không có quan hệ lao động) năm 2024 là 14 vụ làm chết 20 người và bị thương 12 người, tăng 01 vụ và 06 người chết so với cùng kỳ năm 2023.

Để thực hiện hiệu quả chính sách pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động rất cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động, trong đó tập trung giám sát một số giải pháp chủ yếu như: (1) Việc quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiệm túc Chỉ thị 31-CT/TW của Ban Bí thư, Chương trình hành động số 356-CTr/TU của Tỉnh ủy Lào Cai và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. (2) Công tác quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; triển khai đầy đủ, kịp thời Luật An toàn vệ sinh lao động đến các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và người lao động; tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn, vệ sinh lao động đối với cán bộ, công nhân viên chức trong các cơ quan, đơn vị, cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và người lao động trong các doanh nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. (3) Việc chủ động nắm bắt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chế độ, tiêu chuẩn, quy phạm về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; không ngừng cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, tạo điều kiện để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn nhằm giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh... (4) Công tác giám sát, kiểm tra, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động về chính sách lao động, an toàn, vệ sinh lao động và công tác phối hợp với người sử dụng lao động làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; (5) Thực hiện tốt công tác khen thưởng cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.

Lưu Thị Hiên

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập