Lào Cai: Từ ngày 06/12/2024 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được áp dụng theo mức giá mới
Để có cơ sở pháp lý, đảm bảo tính thống nhất, phù hợp trong hoạt động quản lý giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế. Ngày 05 và 06/12/2014 tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, 100% đại biểu HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 79/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 của HĐND tỉnh Lào Cai quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai (gọi tắt là Nghị quyết số 79/NQ-HĐND).
Theo đó, 14 bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện; 19 phòng khám đa khoa khu vực và 133 trạm y tế xã với danh mục 8.467 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá nhẹ; trước đó giá dịch vụ khám bệnh BHYT bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I hiện là 42.100 đồng, bệnh viện hạng II là 37.500 đồng, bệnh viện hạng III là 33.200 đồng, bệnh viện hạng IV và trạm y tế xã là 30.100 đồng. Giá khám chữa bệnh BHYT của Bệnh viện đa khoa tỉnh điều chỉnh giá khám từ 42.100 đồng lên 50.600 đồng/lượt; các bệnh viện hạng II điều chỉnh giá từ 37.500 đồng lên 45.000 đồng; các Phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã điều chỉnh giá từ 30.100 đồng lên 36.500 đồng. Như vậy giá tăng bình quân khoảng 20%. Chi phí hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca; chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh) vẫn giữ nguyên 200.000 đồng/ lượt. Giá Giường bệnh hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh tăng từ 474.800 đồng lên 558.600 đồng/giường/ngày; giường loại 1 từ 255.300 đồng lên 305.500 đồng/lượt/ngày và so sánh giá của các bệnh viện khác trên địa bàn thì mức giá ngày giường tăng bình quân 16%. Giá dịch vụ kỹ thuật tăng từ 2% đến 16% tùy từng loại dịch vụ, bình quân tăng khoảng 6%.
Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh
Như vậy, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh lần này cho thấy: Hiện trên địa bàn tỉnh có 404.547 người được được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh chữa bệnh (chiếm 55,6%) gồm: người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, người nghèo, người dân tộc thiểu số người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do đó việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không tác động đến nhóm đối tượng này. Số người được hiểm y tế thanh toán 95% chi phí khám bệnh chữa bệnh là 108.869 người gồm: người cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực 2, 3, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực 2, 3, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng… việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tác động không nhiều. Vì phần đồng chi trả 5% của 9% giá dịch vụ kỹ thuật, tương ứng với 0,45%. Số người được hiểm y tế thanh toán 80% chi phí khám bệnh chữa bệnh là 214.376 người gồm: cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại các doanh nghiệp… thì phần đồng chi trả tăng thêm không nhiều và có khả năng chi trả vì thu nhập của các đối tượng cũng được tăng theo tiền lương cơ sở (đối với cán bộ công chức viên chức) còn đối với nhóm người lao động tại các doanh nghiệp theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP, mức lương tối thiểu theo các vùng từ 1/7/2024 tăng bình quân từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng so với mức lương tối thiểu tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP. Nhóm đối tượng hộ gia đình 65.207 người (chiếm 8,9%) khi giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh tăng có tác động đến nhóm đối tượng này khoảng 20% của 9% giá dịch vụ kỹ thuật, tương ứng với 1,8%. Đây là nhóm đối tượng nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình do đó với việc đồng chi trả tăng thêm khoảng 1,8% có thể ảnh hưởng nhiều đến đời sống Nhân dân, hiện còn 64.626 người (chiếm 8,8%) chưa có thẻ BHYT và việc điều chỉnh này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến phần thanh toán theo giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh. Do đó, rất cần các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, đồng thời người dân chưa mua thẻ BHYT nhận thức được lợi ích của việc mua thẻ BHYT.
Qua khảo sát, giám sát cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024, đã chi 583 tỷ đồng cho các dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, dự kiến hết năm 2024 dự kiến chi khoảng 800 tỷ đồng, tăng khoảng 100 tỷ đồng so với năm 2023 (thời điểm tăng lương từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, tăng khoảng 21%). Hiện nay, khi giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh tăng theo lương 2.340.000 (tăng 30% lương) thì dự kiến chi khoảng 950 tỷ đồng, tăng 150 tỷ so với năm 2024. Ước tổng số thu BHYT năm 2024 toàn tỉnh là 941 tỷ đồng, trong đó chi cho chăm sóc sức khoẻ ban đầu khoảng 10 tỷ đồng, còn lại 931 tỷ đồng (gồm 10% dự phòng). Quỹ BHYT chi cho khám chữa bệnh còn 837 tỷ. Dự kiến thu quỹ BHYT năm 2025 là 1.276 tỷ đồng, trong đó chi cho chăm sóc sức khoẻ ban đầu khoảng 12 tỷ đồng. Quỹ BHYT chi cho khám chữa bệnh năm 2025 khoảng 949,5 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách tỉnh đang hỗ trợ chi phí tiền lương thiếu cho các bệnh viện tự chủ một phần chi thường xuyên (khoảng 130 tỷ đồng năm 2024), các bệnh viện tự chủ chi thường xuyên (Bệnh viện Sản nhi, Nội tiết, Phục hồi chức năng) không được ngân sách hỗ trợ, giá thu chưa được kết cấu lương mới nên phải tự cân đối, rất khó khăn. Nếu không điều chỉnh giá dịch vụ ngân sách nhà nước phải hỗ trợ tiền lương chưa được kết cấu trong giá dịch vụ từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng thêm khoảng 150 tỷ đồng. Như vậy, việc điều chỉnh giá dịch vụ thời điểm này sẽ giảm kinh phí ngân sách phải hỗ trợ cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự chủ một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.
Để Nghị quyết số 79/NQ-HĐND của HĐND tỉnh sớm đi vào cuộc sống rất cần các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền triển khai và thực hiện; Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và Đại biểu HĐND có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết dể kịp thời phát hiện, tháo gỡ những bất cập (nếu có).
Lưu Thị Hiên
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh