image banner
Một số khó khăn trong công tác khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Trong những năm qua, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Năm 2023, số người tham gia BHYT là 708.403 người đạt 96,1% kế hoạch, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 96,4%. 6 tháng đầu năm 2024 số người tham gia BHYT tăng 7.825 người so với cùng kỳ năm 2023, đạt 93% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Toàn tỉnh có 39.357 người đang tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93% dân số, so với thời điểm năm 2021 tỷ lệ người tham gia BHYT đã tăng gần 8% từ 85,3% lên 93%...

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chính sách pháp luật trong công tác khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng tham gia BHYT còn gặp khó khăn, vướng mắc như: Một số quy định của Luật Bảo hiểm y tế và văn bản hướng dẫn thực hiện luật chậm, thiếu đồng bộ, chưa rõ gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, điển hình như tại điểm c khoản 3 và khoản 4 Điều 22 Luật BHYT quy định được thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện tuyến huyện; việc thanh toán tiền giường điều trị nội trú tại phòng khám đa khoa khu vực đến nay cũng không phù hợp...; công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHYT ở một số địa phương chưa thường xuyên, chưa tới từng nhóm đối tượng, đặc biệt là sự chuyển đổi nhận thức của các đối tượng ở vùng nông thôn, vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn; chưa xây dựng được mạng lưới tuyên truyền viên sâu rộng ở các cộng đồng dân cư. Người dân chưa hiểu hết lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm tham gia BHYT. Công tác phát triển BHYT tự nguyện còn hạn chế; chỉ tiêu do HĐND tỉnh giao theo Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 07/12/2022 về tỷ lệ bao phủ BHYT chỉ tiêu giao đạt trên 97%, nhưng năm 2023 đạt 94,8%; năm 2024 đạt 93%. Do đó để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT đạt chỉ tiêu giao còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; tỷ lệ bao phủ BHYT chưa bền vững; nhóm đối tượng tham gia tập trung chủ yếu ở đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí, đối với nhóm đối tượng do cá nhân tự đóng gồm các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần và đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình chưa đạt tỷ lệ như mong muốn; việc lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ ở một số địa phương còn chậm, chưa chính xác ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh của người dân; cá biệt vẫn còn tình trạng cấp thẻ BHYT chậm, sai thông tin, cấp thẻ giấy (chưa thống nhất thực hiện khám chữa bệnh bằng căn cước công dân); chất lượng khám chữa bệnh của một số cơ sở y tế, nhất là trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực chưa đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của người bệnh do hạn chế về năng lực chuyên môn và kỹ thuật y tế, vì vậy chưa thu hút được bệnh nhân, dẫn đến tình trạng vượt tuyến gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên; một số bệnh viện số lượng bệnh nhân quá tải như Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện Phục hồi chức năng…

anh tin bai

Chú thích ảnh

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viên đa khoa tỉnh

Tình trạng thiếu thuốc cục bộ với một số chủng loại thuốc gây ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh của Nhân dân; sau sáp nhập địa giới hành chính còn 06 trạm y tế chưa xây dựng được trụ sở để hoạt động; tình trạng thiếu trang thiết bị, máy móc ở một số trạm y tế hoặc thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia BHYT giảm sự hấp dẫn của chính sách BHYT, gây khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT; nhân lực bác sỹ còn thiếu, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm chưa đồng đều nên chưa thể triển khai đầy đủ các khoa chuyên môn với đầy đủ các trang thiết bị y tế; thiếu cán bộ thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin nên gặp không ít khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số. Còn một số cơ sở khám chữa bệnh thực hiện mã hóa bệnh tật theo ICD-10 chưa đúng hướng dẫn theo Quyết định 130/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Trong 5 tháng đầu năm 2024 có 3.975 hồ sơ có chẩn đoán từ 12 mã bệnh (ICD) trở lên (theo quy định chỉ được tối đa 12 mã bệnh) và cao nhất là 27 mã bệnh cho 1 bệnh nhân trong 1 lần điều trị làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT; công tác phối hợp giải quyết các vướng mắc trong chấp hành pháp luật khám chữa bệnh BHYT giữa cơ quan quản lý Nhà nước với BHXH chưa được giải quyết dứt điểm. Tình hình nợ đọng kéo dài nhiều năm gây khó khăn cho hoạt động của các bệnh viện. Hiện tính đến hết quý II/2024 chi phí khám chữa bệnh chưa được thanh quyết toán là chi phí tiền giường của các phòng khám đa khoa khu vực số tiền khoảng trên 13 tỷ đồng.

Để triển khai thực hiện chính sách pháp luật trong công tác khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng tham gia BHYT hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân rất cần UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền, xây dựng một số giải pháp để tăng tỉ lệ bao phủ BHYT, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu mà HĐND, UBND tỉnh đã giao. Khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách để hỗ trợ mua BHYT đối với người dân tộc nghèo, người yếu thế trong xã hội; các ngành chức năng rà soát toàn bộ những khó khăn vướng mắc có liên quan đến chính sách, pháp luật trong công tác khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng tham gia BHYT để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đảm bảo phù hợp thực tế, đúng quy định; triển khai thực hiện thống nhất mô hình tổ chức, quản lý trung tâm y tế cấp huyện theo Chỉ thị 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong việc chi trả tiền khám chữa bệnh BHYT cho một số cơ sở y tế; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các bệnh viện để sớm hoàn thiện đưa vào khám chữa bệnh phục vụ nhân dân. Sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng 06 trạm y tế nhằm đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho đối tượng BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về BHYT và phản hồi về giao tiếp ứng xử, thái độ phục vụ của y, bác sỹ (nếu có); hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện đúng các quy trình, nguyên tắc khám bệnh, chữa bệnh BHYT với các trường hợp cụ thể để giải quyết các vướng mắc về việc  BHYT chưa chi trả số tiền khám chữa bệnh BHYT cho một số cơ sở khám chữa bệnh trong thời gian qua. Chỉ đạo các ngành liên quan cùng nhau phối hợp giải quyết những vướng mắc trong việc chi trả tiền khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế theo đúng quy định; bảo đảm thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản lý chất lượng các cơ sở y tế; không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đặc biệt là ở cơ sở. Đối với các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tiếp tục tổ chức giám sát để kịp thời nắm bắt những khó khăn, bất cập, đề xuất các cấp, các ngành có biện pháp, giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, bất cập kịp thời.

Lưu Thị Hiên

Trưởng Ban Van hóa – Xã hội HĐND tỉnh





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập