Một số khó khăn trong triển khai, thực hiện quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế
Công tác phòng chống ma tuý trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được các cấp, các ngành đã phối hợp thực hiện tốt thông qua các mô hình cai nghiện tập trung và cai nghiện tại cộng đồng. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng vào việc hạn chế gia tăng số người nghiện mới, đặc biệt trong lứa tuổi thanh thiếu niên, từ đó đã kiềm chế phát sinh các loại tội phạm và tệ nạn xã hội khác. Bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai, thực hiện quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo quy định tại Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ cũng còn không ít khó khăn.
Thực tế khảo sát cho thấy, số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh những năm qua chưa giảm, đang có chiều hướng gia tăng, đồng thời là một trong những nguyên nhân cơ bản phát sinh tội phạm và gây lây nhiễm HIV/AIDS. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng số người nghiện ma túy, song nguyên nhân chính là do tác động tình hình ma túy trong khu vực và trong nước; bên cạnh đó địa bàn tỉnh Lào Cai đang trong thời kỳ hội nhập phát triển kinh tế, xã hội, số người ở các tỉnh khác đến gia tăng, trong số này có cả các đối tượng phạm tội hoặc mắc các tệ nạn xã hội đến địa bàn, trong đó có đối tượng tệ nạn ma túy. Tính đến ngày 15/12/2021 toàn tỉnh hiện có 4.171 người, đã tổ chức cai nghiện bằng các hình thức cho năm 2020 và 2021: 2.759/4.084 người, chiếm 67,5% số người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó: Cai nghiện bắt buộc 1.224 người; cai nghiện tự nguyện tại các Cơ sở Cai nghiện bắt buộc 09 người; số đối tượng đang tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) bằng thuốc Methadone 1.448 người; đưa vào nhà cai nghiện xã, phường 428 lượt người và số đang điều trị tại gia đình là 23 lượt người. Trong các đối tượng nghiện ma túy, chủ yếu là sử dụng heroin, đáng chú ý là số đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Công tác cai nghiện tại cộng đồng ở một số địa phương khó triển khai do cơ sở vật chất, cán bộ hỗ trợ cai nghiện, phục hồi chưa đáp ứng được yêu cầu quy định; hỗ trợ sau cai nghiện còn gặp nhiều vướng mắc; công tác nắm tình hình, thống kê còn bất cập; công tác tuyên truyền còn dàn trải, nặng về hình thức. Số người nghiện ma túy có tỉ lệ tái nghiện còn cao.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát tại xã Phú Nhuận (Bảo Thắng)
Bên cạnh đó, việc áp dụng Luật phòng, chống ma túy; Luật xử lý vi phạm hành chính về quy định người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có sự bất đồng với quan điểm “nghiện là một bệnh mạn tính cần được điều trị lâu dài” đã được qui định tại Khoản 1, Điều 4 Nghị định số 90/2016/NĐ-CP và Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới công tác cai nghiện ma túy tại Việt Nam đến năm 2020. Một số bệnh nhân đang trong giai đoạn dò liều bị bắt đi cai nghiện bắt buộc do có xét nghiệm nước tiểu dương tính với chất dạng thuốc phiện là trái với quy định tại Khoản 2, Điều 4, Nghị định số 90/2016/NĐ-CP. Nhân lực hiện nay của các cơ sở điều trị đều quá tải, đa phần làm kiêm nhiệm (ngành y tế). Do đặc thù công việc, cán bộ viên chức làm việc tại cơ sở phải phục vụ 365 ngày/năm, kể cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, Lễ, Tết; mỗi vị trí chỉ biên chế 01 người, nên thời gian làm thêm giờ thường vượt quá 300giờ/năm. Theo quy định chỉ được thanh toán làm thêm không quá 200giờ/năm. Công tác tuyên truyền, vận động hiểu đúng và đầy đủ lợi ích của chương trình bằng Methadone vẫn còn hạn chế; nhiều người chưa hiểu rõ lợi ích của điều trị, thậm chí nhiều nơi còn có thông tin trái chiều về chương trình điều trị. Công tác tuyên truyền, vận động người nghiện trên địa bàn tham gia điều trị thay thế bằng thuốc Methadone ở các cấp cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, chưa có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền cấp xã, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể xã hội, ngành liên quan còn ít, chủ yếu sự tham gia của ngành nên hiệu quả thu dung người nghiện vào điều trị chưa đạt được kết quả mong muốn. Methadone là liệu pháp điều trị lâu dài (thậm chí là suốt đời) nên đã có một số lượng tương đối lớn bệnh nhân không kiên trì đã bỏ trị (2.057 bệnh nhân). Ngoài ra, bệnh nhân hàng ngày phải đến cơ sở điều trị sử dụng thuốc chính là một trong những rào cản lớn đối với việc tiếp cận và duy trì điều trị của bệnh nhân, nhất là người sống xa cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc và có điều kiện đi lại khó khăn vùng sâu, vùng xa và các trường hợp đi làm ăn xa; bị bắt do tiếp tục còn sử dụng các chất gây nghiện bất hợp pháp khác. Một số bệnh nhân không có việc làm, không có thu nhập nhưng không thuộc diện hộ nghèo do đó không được miễn giảm tiền phí điều trị, dẫn đến việc thu phí đối với một số bệnh nhân còn gặp khó khăn dẫn đến một số bệnh nhân ngừng điều trị ảnh hưởng đến chất lượng điều trị do đa số bệnh nhân là nười nghèo và chỉ tiêu điều trị tại cơ sở. Độ bao phủ của chương trình điều trị Methadone thấp. Ngoài ra, nhận thức của một số cán bộ và người dân chưa đầy đủ: Còn có sự phân biệt, kỳ thị đối với người nghiện ma túy và bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc Methadone. Chưa có sự quan tâm tạo việc làm cho người sau cai và điều trị bằng thuốc Methadone. Tình trạng buôn bán ma túy còn diễn biến phức tạp, tình trạng buôn bán nhỏ lẻ ma túy còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác điều trị bằng thuốc Methadone. Còn một số lượng không nhỏ người nghiện ma túy ngoài cộng đồng, chưa nằm trong danh sách có hồ sơ quản lý, nhưng họ còn e ngại khi tiếp cận điều trị Methadone do lo sợ bị lộ danh tính sẽ bị kỳ thị, sợ bị bắt đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc...
Để khắc phục những khó khăn trong triển khai, thực hiện quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo quy định tại Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, Đoàn khảo sát đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi các quy định của Luật phòng, chống ma túy với Nghị định số 90/2016/NĐ-CP cho phù hợp để có sự thống nhất trong việc áp dụng triển khai tại cộng đồng; đề nghị Bộ Y tế sớm hoàn thiện hệ thống Quản lý điều trị Methadone và có quy định cụ thể về việc sử dụng bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy đối với bệnh nhân điều trị Methadone. Xem xét sửa điểm a, khoản 3, mục 1, chương III tại Nghị định số 90/2016/NĐ-CP đảm bảo phù hợp thực tế, đúng quy định của pháp luật; các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục xem xét điều chỉnh mức tối đa khung giá một số dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế để phù hợp với tình hình giá cả hiện nay để các tỉnh có căn cứ điều chỉnh mức thu dịch vụ đối với bệnh nhân điều trị bằng thuốc Methadone. Nâng phụ cấp nghề đặc biệt cho toàn thể viên chức, người lao động trong cơ sở lên cùng mức 70% do tính chất công việc thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân có bệnh truyền nhiễm như HIV, Lao, Viêm gan B, Viêm gan C. Tăng giờ làm thêm cho một số vị trí làm việc trong cơ sở do tính chất công việc làm 365 ngày/năm.
Lưu Thị Hiên
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh