image banner
Tham gia ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội dồng Nhân dân
Sau 8 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, có thể khẳng định hoạt động giám sát của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. 

            Để thực hiện cơ sở pháp lý phục vụ cho hoạt động giám sát của HĐND, trong thời gian qua, cùng với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy định cụ thể, hướng dẫn việc tổ chức một số hoạt động giám sát của HĐND như việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữa chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn; chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND; xem xét việc thực hiện Nghị quyết, kiến nghị sau giám sát. Ngoài ra, HĐND, Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành cẩm nang quy trình thực hiện hoạt động giám sát của HĐND các cấp trên địa bàn toàn tỉnh nhằm cụ thể hóa hơn quy trình tổ chức giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Theo đó, hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND các cấp đã không ngừng đổi mới, cải tiến phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Thông qua hoạt động giám sát đã kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập để đưa ra các kiến nghị giúp các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương nâng cao trách nhiệm, thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nhất là về thể chế, cơ chế, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật còn bất cập, chồng chéo, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo lĩnh vực của ngành, của địa phương.

anh tin bai

Quang cảnh Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh

Bên cạnh những kết quả đạt được, từ thực tiễn triển khai, thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 cho thấy còn một số bất cập, vướng mắc cần sớm điều chỉnh, bổ sung như: Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 chưa quy định cụ thể nguyên tắc về bảo đảm hoạt động giám sát cung cấp thông tin thực tiễn phục vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; chưa quy định tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn tại kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND; tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của HĐND, Thường trực HĐND; thiếu quy định Thường trực HĐND có quyền điều chỉnh chương trình giám sát chuyên đề của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất trong trường hợp cần thiết; một số hoạt động giám sát của Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND đã được quy định nhưng chưa cụ thể, dẫn đến việc triển khai thực hiện còn khó khăn, chưa hiệu quả; thiếu quy định cụ thể về hậu giám sát; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân chịu sự giám sát; việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của HĐND; một số nội dung kiến nghị sau giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND chưa được cơ quan Trung ương hoặc cấp có thẩm quyền quan tâm phản hồi, giải quyết kịp thời. Về việc dành thời gian cho các hoạt động của HĐND theo quy định của Luật đối với đại biểu HĐND kiêm nhiệm là chưa đúng quy định. Do đó, một số vướng mắc, bất cập nêu trên đòi hỏi phải các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nên việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là rất phù hợp và cần thiết. Qua nghiên cứu đối chiếu Dự thảo Tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Bảng so sánh Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND với Luật hiện hành xin đề nghị xem xét điểu chỉnh, bổ sung một số nội dung chủ yếu như:

Một là, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 có một số câu từ trùng lặp hoặc chỉ mang tính chất định tính như “khi xét thấy cần thiết”, “trong trường hợp cần thiết”, “có thể” hoặc “tăng cường”. Đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng để xác định phạm vi, đối tượng, tính chất khi thực hiện hoạt động giám sát nhằm thống nhất cách hiểu, nguyên tắc áp dụng, tránh có nhiều cách hiểu khi áp dụng; về bố cục Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đề nghị quy định rõ các điểm, khoản, điều (một số điều chưa cụ thể các điểm).

Hai là, đề nghị xem xét điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như: Tại khoản 1 Điều 62 của Luật hiện hành quy định: “Đoàn giám sát do Chủ tịch HĐND hoặc Phó Chủ tịch HĐND làm Trưởng đoàn, các thành viên khác gồm Ủy viên của Thường trực HĐND, đại diện Ban của HĐND và một số đại biểu HĐND. Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, tổ chức thành viên của Mặt trận có thể được mời tham gia Đoàn giám sát”. Nếu quy định như trên, việc thành lập Đoàn giám sát với số lượng Đoàn giám sát là chưa thật tinh gọn, chưa có thành phần là chuyên gia am hiểu lĩnh vực; tại trang 33 mục 45 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quy định: Bổ sung Điều 69b sau Điều 69a trong đó tại ý 3 điểm c khoản 3 quy định “Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, bộ phận giúp việc của Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm... tổng hợp đề nghị, kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân về nội dung không đồng ý với trả lời của người bị chất vấn, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân” là chưa phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng của Văn phòng (hiện một số tỉnh Chánh Văn phòng không phải đại biểu HĐND). Do đó, đề nghị cần giao nhiệm vụ này cho các Ban HĐND chuyên trách theo từng lĩnh vực cụ thể hoặc phải có sự phối hợp giữa Văn phòng và các Ban của HĐND.

Ba là, đề nghị xem xét bổ sung thêm một số nội dung vào một số Điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 như sau: Bổ sung khoản 1 Điều 79 “Ủy ban nhân dân cùng cấp và Hội đồng nhân dân cấp dưới khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gửi về Hội đồng nhân dân để thực hiện giám sát theo thẩm quyền” và bổ sung khoản 3 Điều 89 theo hướng quy định cụ thể hơn hình thức xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, đảm bảo chế tài chặt chẽ, tăng hiệu quả giám sát cho HĐND.

Như vậy, có thể thấy rằng nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã được các cơ quan, đơn vị soạn thảo, biên tập, hội thảo nghiên cứu công phu, nội dung dự thảo đã sửa đổi 32 Điều, bổ sung mới 27 Điều, bãi bỏ 02 khoản của Luật hiện hành song một số đại biểu HĐND các cấp đề nghị Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục tổng hợp thêm một số ý kiến trình Ban soạn thảo xem xét hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát nhằm mục đích sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được Quốc hội thông qua sẽ bảo đảm tính toàn diện, thống nhất, đồng bộ, minh bạch và khả thi.

 Lưu Thị Hiên

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập