Đại biểu Sùng A Lềnh phát biểu thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 31/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đại biểu Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai có một số ý kiến liên quan đến dự án Luật như sau:
Về sự cần thiết ban hành Luật: Hiện nay, các nội dung chủ yếu về thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được điều chỉnh trong 04 văn bản, bao gồm: Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH10 ngày 30/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của UBTVQH ngày 20/4/2007 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động… Tuy nhiên, các quy định hiện nay còn chưa đồng bộ, chưa đầy đủ đáp ứng yêu cầu đổi mới của Đảng, chưa tiệm cận với mục tiêu bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, xây dựng Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân mà Đảng ta đã quán triệt sâu sắc, đặc biệt tại Đại hội XIII vừa qua. Vì vậy, việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu cụ thể tại Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và các Thông báo, Kết luận khác của Trung ương; phù hợp với Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại Tổ
Về bố cục của dự thảo Luật: Một trong những chỉ đạo quan trọng tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua là nhấn mạnh phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong đó có nội dung rất mới, quan trọng đó là “dân thụ hưởng”, “dân quyết định”; nổi bật được yêu cầu phải phát huy dân chủ rộng rãi trong tình hình mới. Đối chiếu yêu cầu nêu trên với bố cục hiện tại của dự thảo Luật, có thể thấy rằng, cơ quan soạn thảo đã rất nỗ lực trong việc tiếp thu ý kiến của các cơ quan trong việc thiết kế bộ cục dự thảo Luật. Tuy nhiên, với tính chất tổng quát và phạm vi điều chỉnh rộng, cách thiết kế mỗi chương một nội dung riêng biệt, tương tự một số luật đang thực hiện hiện nay có lẽ chưa thực sự phù hợp với tính chất đặc thù của Luật này. Để thuận lợi cho việc áp dụng đối với các đối tượng này, tránh chồng chéo, nhầm lẫn, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cách thiết kế theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tức là tương ứng với mỗi chương, mỗi đối tượng đều có mục quy định về dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, trách nhiệm tổ chức thực hiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân; sau đó là chương về Thanh tra nhân dân và cuối cùng là điều khoản thi hành.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật: Đại biểu tán thành với ý kiến thứ nhất mà Chính phủ đã nêu trong Tờ trình đó là: Trong Luật có một chương riêng quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, đồng thời có một số nội dung quy định đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước. Phạm vi điều chỉnh như vậy là phù hợp với yêu cầu tại Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó yêu cầu tập trung nghiên cứu xây dựng và ban hành các quy chế dân chủ cho ba loại hình cơ sở là xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp nhà nước và cơ quan hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, do doanh nghiệp nhà nước là các tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng các nguồn đầu tư công của Nhà nước nên cần thiết phải có những quy định mang tình chất đặc thù để quản lý, kiểm soát việc sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đề nghị cần làm rõ khái niệm “Dân chủ” và xem xét thống nhất các cụm từ “Công dân”, “Nhân dân”, “Cử tri” trong dự thảo luật.
Sùng A Lềnh