Bàn thêm về vai trò đại diện của đại biểu HĐND trong hoạt động tiếp xúc cử tri
Vai trò đại điện của đại biểu HĐND được Hiến pháp quy định rõ “là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân”. Với vai trò là người đại diện cho nhân dân, cho cử tri, các hoạt động của đại biểu dân cử phải có sự liên hệ chặt chẽ, máu thịt với cử tri. Chế độ tiếp xúc cử tri là điều kiện tốt để đại biểu dân cử thể hiện rõ vai trò đại diện của mình theo quy định của pháp luật.
Vai trò đại diện của đại biểu dân cử
Nói về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử, chúng ta thường nghe nói: Đại biểu là cầu nối của cả tri với các cơ quan quản lý nhà nước. Nói như vậy dúng nhưng chưa đủ, bởi vì đại biểu dân cử (đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân) thì vai trò đại điện cho nhân dân được Hiến định. Do vậy, nếu nói rằng đại biểu là chiếc cầu nối e rằng như vậy vai trò đại diện của đại biểu dân cử có ý nghĩa thụ động. Khi chúng ta xác định hoạt động tiếp xúc cử tri không chỉ là nhiệm vụ mà còn là nghĩa vụ của người đại biểu thể hiện vai trò đại diện cho ý chí nguyện vọng của cử tri, thì công việc tiếp xúc cử tri thực sự trở thành nhu cầu và việc tổ chức tiếp xúc cử tri sẽ do đại biểu chủ động thực hiện.
Cử tri kiến nghị với đại biểu HĐND tỉnh tại hội nghị tiếp xúc cử tri
Theo quy định đại biểu HĐND phải có trách nhiệm tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ của HĐND (Điều 94 Trách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND). Việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND nhằm đảm bảo duy trì mối quan hệ giữa cử tri với đại biểu. Tuy nhiên Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND sau các kỳ họp HĐND. Để chuyển tải được ý kiến, kiến nghị của cử tri đến diễn đàn kỳ họp HĐND ngay tại kỳ họp, đồng thời đảm bảo được tính thời sự của thực tiễn cuộc sống giúp các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết nhứng vấn đề mà cử tri bức xúc đại biểu HĐND nhất thiết phải tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND. Để bổ sung, hoàn thiên quy định về hoạt động tiếp xúc cử tri, HĐND tỉnh Lào Cai ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 ban hành Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh Lào Cai trong đó quy định cụ thể trách nhiệm, cách thức, nội dung và phương pháp tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND; Thường trực HĐND tỉnh Lào cai ban hành Hướng dẫn số 01/HD-TT.HĐND ngày 26/01/2021 Hướng dẫn về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp tỉnh Lào Cai. Đó là hành lang pháp lý để đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai thực hiện vai trò đại diện của mình qua tiếp xúc cử tri. Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu thể hiện mình thực sự là của nhân dân, do nhân dân bầu và thực hiện chức năng đại diện cho cử tri tại diễn đàn HĐND thông qua việc phản ánh, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của cử tri từ kết quả của những cuộc tiếp xúc cử tri. Hoạt động tiếp xúc cử tri không chỉ là nhiệm vụ của đại biểu HĐND mà còn là điều kiện tốt để các đại biểu tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và các chủ trương, chính sách của tỉnh đến với cử tri.
Tiếp xúc cử tri là sự tương tác giữa đại biểu dân cử với cử tri
Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu là sự thể hiện rõ nhất vai trò “người đại diện” của đại biểu dân cử. Qua tiếp xúc cử tri, người đại biểu giữ mối liên hệ với cử tri góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa đại biểu và cử tri. Đồng thời, giúp đại biểu lắng nghe, ghi nhận và giải quyết những bức xúc tâm tư, kiến nghị của người dân một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, qua các buổi tiếp xúc cử tri, nhất là những gặp gỡ bên lề, đại biểu thấu hiểu hơn về đời sống nhân dân nơi mình ứng cử để từ đó có được sự thấu cảm với những tâm tư nguyện vọng của cử tri. Với vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyên vọng của nhân dân, đại biểu phải thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của cử tri để tổng hợp báo cáo Quốc hội, HĐND. Song song với việc phản ánh nguyện vọng của cử tri đến diễn đàn HĐND, đại biểu cần chủ động tham gia với chính quyền bàn giải pháp tháo gỡ kịp thời những kiến nghị của cử tri trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Trong khuôn khổ quy định của pháp luật, hoạt động tiếp xúc cử tri nhằm tạo được mối quan hệ tương tác mật thiết giữa đại biểu với cử tri. Muốn vậy đại biểu phải xây dựng được niềm tin của cử tri, để cử tri coi đại biểu là người đại diện đích thực của mình. Người đại biểu phải nhớ và tôn trọng chính lời hứa của mình với cử tri, đã hứa phải quyết làm cho kỳ được, khó cũng phải làm. Có như vậy cử tri mới tin tưởng và cởi lòng với đại biểu. Một ví dụ, khi tiếp xúc với cử tri tại xã Bản Khoang, huyện Sa Pa (nay là xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa), cử tri kiến nghị xây dựng trạm tiếp sóng điện thoại di động (trạm BTS) cho các thôn Lử Khấu, Kim Ngan, Phìn Hồ và Xà Chải. Đây là những thôn đặc biệt khó khăn và là “vùng lõm”, không có sóng di động, khó khăn cho phát triển kinh tế của người dân. Chúng tôi hứa với cử tri sẽ vận động nhà mạng giải quyết kiến nghị của cử tri. Viettel Lào Cai đã đồng hành cùng Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại Sa Pa thực hiện khảo sát, báo cáo và được sự đồng ý của Tập đoàn cho tiến hành xây dựng trạm BTS tại khu vực này. Trong quá trình làm phải thay đổi nhiều lần nhà thầu xây dựng do thời tiết, địa hình khó khăn, một số hộ dân chưa hiểu nên đòi bồi thường đất đai. Để có sự nhất trí của người dân, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại Sa Pa cùng với lãnh đạo xã Bản Khoang lặn lội đến từng hộ để vận động, giải thích. Khi người dân đã đồng thuận, việc thực hiện xây trạm BTS diễn ra thuận lợi, nhân dân đem cả ngựa thồ vật liệu giúp nhà thầu. Ngày khánh thành trạm là ngày hội của người dân 4 thôn. Sự nỗ lực của chúng tôi đã lan tỏa, thực sự đã đạt được sự tin tưởng của cử tri. Các buổi tiếp xúc cử tri, là sự trao đổi giữa cử tri với đại biểu, cử tri thực sự tin tưởng ở những người đại diện của mình, luôn lắng nghe và tin tưởng những ý kiến của đại biểu HĐND khi giải thích chính sách và pháp luật đến với bà con.
Trong các buổi tiếp xúc cử tri, cần có sự đối thoại với cử tri nhiều hơn. Với mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động hoạt động tiếp xúc cử tri, các buổi tiếp xúc cử tri đại biểu trình bày hết sức ngắn gọn những nội dung của đề cương, thời gian còn lại dành cho cử tri có ý kiến. Các buổi tiếp xúc cử tri cần tạo điều kiện đối thoại giữa cử tri với đại biểu HĐND, với chính quyền địa phương đem lại sự phấn khởi và tin tưởng cho cử tri trong buổi tiếp xúc. Việc tạo được không khí cởi mở có sự trao đổi giữa đại biểu với cử tri sẽ tạo ra một không gian gần gũi, người dân sẽ có sự tin tưởng ở người đại diện của mình để có những phát biểu góp ý thẳng thắn về các vấn đề kể cả những vấn đề “nhạy cảm” với tinh thần xây dựng. Qua nhiều buổi tiếp xúc cử tri, người viết đã nhận được cả sự hiến kế và các giải pháp của người dân giúp chính quyền tháo gỡ ngòi nổ của những điểm nóng, những vân đề bức xúc của nhân dân địa phương. Đó chính là tính hiệu quả của công tác tiếp xúc cử tri.
Như vậy, cần có sự thay đổi trong quan niệm, đại biểu dân cử không chỉ là cầu nối mà thực sự phải là người đại diện cho nhân dân. Mỗi lần tiếp xúc cử tri là một lần vai trò đại diện của đại biểu dân cử được thể hiện rõ. Đại biểu sẽ đem tiếng nói của cử tri đến với diễn đàn của Quốc hội (với đại biểu Quốc hội), diến đàn của HĐND (với đại biểu HĐND) trong tất cả hoạt động của mình.
Ngô Quyền
Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh