Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về môi trường đã được UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương thường xuyên quan tâm, thông qua các hoạt động truyền thông, các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về môi trường, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, phát động và tổ chức các ngày lễ về môi trường vào các ngày 05/6, 20/9, 22/5 hàng năm,.... Đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia các mô hình như “ Đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp”; “nhà sạch - vườn đẹp”; “Chuồng trại gia súc hợp vệ sinh”; “ngày chủ nhật xanh”... do các cấp phát động và đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua các hoạt động tuyên truyền nhận thức, trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân đã được nâng lên rõ rệt; công tác chỉ đạo, tổ chức bảo vệ môi trường đã được quan tâm hơn; phong trào bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn trong nhân dân đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Người dân đã ý thức trong việc xây dựng nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn, có chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm cách biệt với nhà ở. Nhiều xã việc vệ sinh đường làng ngõ xóm trở thành công việc định kỳ trong tuần được người dân tự giác tham gia... Chất lượng môi trường nông thôn cơ bản được cải thiện thông qua việc tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM, tiêu chí 17- tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm được thực hiện tương đối tốt ở 68/127 xã đã được công nhận hoàn thành nông thôn mới. Việc tang lễ cho người chết được quy định trong các quy ước, hương ước. Mỗi thôn, bản đều quy hoạch, bố trí nơi chôn cất tập trung cách xa khu dân cư, nguồn nước đảm bảo vệ sinh môi trường. Việc triển khai phân loại rác được nhiều xã nông thôn thực hiện có hiệu quả. Triển khai thực hiện thí điểm 42 mô hình xã hội hoá thu gom, vận chuyển xử lý rác thải tại khu vực các xã trung tâm, vùng thấp.

Nhân dân xã Liên Minh (Sa Pa) vệ sinh đường thôn bản
Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các khu vực nông thôn khoảng 246,33 tấn/ngày đêm; nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn khoảng 26.020 m3/ngày đêm. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải khu vực nông thôn tăng, đạt khoảng 76%. Công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn được tăng cường, chú trọng: hầu hết các xã có mạng lưới thu gom chất thải hoạt động có hiệu quả thông qua việc thành lập các tổ tự quản về môi trường để tiến hành thu gom rác đưa về bãi chôn lấp tại các địa phương, ngoài ra các tổ tự quản cùng người dân định kỳ thực hiện việc nạo vét, khơi thông cống rãnh tại các khu vực công cộng và khu dân cư tập trung; nhiều xã đã ban hành quy chế bảo vệ môi trường, trong đó phân công cụ thể trách nhiệm cho các hội, đoàn thể, thôn trong xã thực hiện công tác vệ sinh môi trường định kỳ... Ở nông thôn, rác hữu cơ hữu cơ đưa vào làm phân xanh, phục vụ sản xuất. Đối với chất thải chăn nuôi: Cơ bản các hộ chăn nuôi, các trang trại, gia trại áp dụng các biện pháp xử lý bằng hầm bể biogas, đệm lót sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường chăn nuôi. Toàn tỉnh có 83.694 hộ chăn nuôi, trong đó 62.491 hộ có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, chiếm 74,7 %; trong đó có khoảng 7.000 hộ thực hiện các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng Biogas.
Việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được thực hiện theo quy định của ngành nông nghiệp: Ước tính mỗi năm cả tỉnh thu gom được khoảng 01 tấn vỏ bao bì thuốc BVTV; 1,8 tấn vỏ vắc xin sau khi sử dụng; 16,5 tấn rác thải là vỏ bao thuốc thú y, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản..., trên địa bàn tỉnh hiện có 1.123 bể thu gom thuốc BVTV; 02 kho lưu chứa vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại các khu vực sản xuất tập trung, lượng vỏ bao bì thuốc BVTV, phân bón, rác thải thu gom, xử lý giai đoạn 2020-2022 là 44 tấn.
Là tỉnh vùng cao biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lao động sản xuất, trình độ dân trí chưa cao, ý thức một số người dân chưa tốt, còn tùy tiện vứt bỏ các vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, các bao nilon phục vụ sản xuất, gây ô nhiễm môi trường nguồn nước, đường làng ngõ xóm chưa sạch sẽ. Việc xử lý chất thải trong chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa có chuồng nuôi nhốt gia súc, còn thả rông gia súc, gia cầm hoặc có chuồng tạm không đảm bảo vệ sinh môi trường; tình trạng giết mổ nhỏ lẻ tại các khu dân cư chưa được kiểm soát triệt để; vẫn còn tình trạng người dân thiếu ý thức trong việc thu gom, xử lý tại nguồn. Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải khu vực nông thôn còn rất hạn chế; các xã đã hoàn thành nông thôn mới tiêu chí vệ sinh môi trường (tiêu chí 17) cũng mới chỉ ở mức tối thiểu, việc duy trì sau khi được công nhận chưa thường xuyên. Công nghệ xử lý chất thải rắn ở nông thôn Lào Cai chủ yếu là bãi chôn lấp, do đó nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm đất đai rất cao...
Để nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường ở nông thôn miền núi của tỉnh Lào Cai cần có các giải pháp đồng bộ, bởi vì nhiệm vụ này liên quan nhiều đến nhận thức, hành vi, thói quen của từng người dân cộng đồng sinh sống ở khu dân cư. Chất lượng bảo vệ môi trường ở nông thôn nâng lên phải có các giải pháp nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn. Muốn vậy cần thiết phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh phát triển hàng hóa nông nghiệp nâng cao đời sồng nhân dân, gắn với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng, thay đổi hành vi và thái độ, cách ứng xử để chung tay bảo vệ môi trường, nhân rộng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp ...
Ngô Quyền
Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh