Giám sát việc thực hiện công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ ở Lào Cai
Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh nói chung và công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (XMC và giáo dục TTSKBC) nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức và trách nhiệm thực hiện công tác XMC và giáo dục TTSBC trong các cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân từng bước được nâng lên; hệ thống, quy mô mạng lưới trường, lớp học được điều chỉnh, củng cố và phát triển theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, chú trọng chất lượng và đảm bảo điều kiện để tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện; trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng học tập cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác xóa mù chữ và góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục trong giai đoạn mới.

Giai đoạn 2021-2023 toàn tỉnh thực hiện XMC cho 3.176 học viên, đảm bảo mục tiêu đề ra, trong đó năm 2021 mở 45 lớp XMC và GDTTSKBC cho 916 học viên; năm 2022, mở 56 lớp XMC cho 1.170 học viên; năm 2023 thực hiện mở 56 lớp XMC cho 1.090 học viên. Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 đến 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 là 99,33%. Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 đến 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 là 95,74%. Số xã đạt chuẩn XMC mức độ 2 là 151/152 xã, còn Thanh Bình, huyện Mường Khương đạt chuẩn mức độ 1. Có 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục XMC mức độ 2 theo quy định của Chính phủ. Hằng năm, ngành giáo dục bố trí khoảng 60 giáo viên là những người có kinh nghiệm trong công tác dân vận, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán địa phương, tâm huyết, trách nhiệm tham gia giảng dạy các lớp XMC. Mỗi năm thực hiện 02 lớp tập huấn, bồi dưỡng từ 100-200 giáo viên về phương pháp dạy học người lớn. Giáo viên dạy lớp XMC được trang bị văn phòng phẩm, sách giáo khoa, để thực hiện chương trình dạy tại các lớp XMC. Về chương trình dạy học, từ năm 2022 trở về trước, việc dạy XMC thực hiện theo Quyết định số 13/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chương trình, tài liệu tương đối phù hợp với điều kiện học tập, nhận thức của học viên các lớp xóa mù chữ, giáo dục sau khi biết chữ. Số lượng các môn học, mục tiêu chương trình cơ bản phù hợp với việc dạy học XMC; thời lượng chương trình XMC (750 tiết) nếu thực hiện đủ 9 tháng sẽ đảm bảo không tái mù chữ. Nội dung chương trình cơ bản có tính ứng dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào cuộc sống cho người học. Từ năm 2023 thực hiện chương trình các lớp xóa mù chữ giai đoạn 1 và giai đoạn 2 theo Thông tư 33/2021/TT-BGDĐT ngày 26/11/2021 của Bộ GD&ĐT với thời lượng giai đoạn 1 là 1005 tiết; giai đoạn 2 là 949 tiết nhưng hiện nay chưa có sách giáo khoa để tổ chức thực hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các địa phương vận dụng sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1,2,3 và SGK lớp 4,5 để triển khai thực hiện. Các trường xây dựng thời khóa biểu thực hiện giảng dạy 5 tiết/buổi, 05 buổi/tuần. Kết quả XMC giúp cho việc tuyên truyền pháp luật, đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, bảo vệ biên giới quốc gia hiệu quả, đảm bảo các thông tin về xây dựng xã hội học tập đến được với người dân, đã gắn việc thực hiện nhiệm vụ XMC với phát triển bền vững phong trào xây dựng xã hội học tập. Người dân nhận thức việc biết chữ là cơ hội quan trọng để tiếp cận tài liệu, sách báo, ứng dụng khoa học kỹ thuật.

anh tin bai

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát tại cơ sở

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác XMC và giáo dục TTSBC còn một số khó khăn, vướng mắc như: Một số cấp ủy, chính quyền cấp xã và ngành chuyên môn chưa thực sự quan tâm đến việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình XMC và giáo dục TTSKBC tại địa phương; số lượng học viên tham gia các lớp học chưa đầy đủ. Công tác tham mưu của Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở một số xã thiếu chủ động; công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở để giải quyết một số vấn đề khó khăn, bất cập đang được đặt ra chưa hiệu quả, chưa đồng bộ; công tác thống kê, lập kế hoạch điều tra, rà soát số người không biết nói tiếng phổ thông, không biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi có nơi chưa đầy đủ, chưa chính xác. Việc vận dụng sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1,2,3 và SGK lớp 4,5 để triển khai thực hiện dạy học XMC và giáo dục TTSKBC là chưa phù hợp về thời lượng dạy học theo chương trình, chất lượng và phương pháp dạy học do đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác huy động học viên ra lớp, duy trì sỹ số lớp học và chất lượng dạy học. Chất lượng một số lớp học XMC và giáo dục TTSKBC chưa đạt yêu cầu, còn học viên đã hoàn thành Chương trình XMC nhưng khả năng đọc, viết và tính toán rất hạn chế; một số học viên sau khi học xong chương trình XMC mức độ 1 khả năng tái mù cao do không thường xuyên được củng cố Tiếng Việt, ít giao tiếp. Một số lớp học không nghiệm thu được theo đúng kế hoạch do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Người mù chữ phần lớn là lao động chính trong gia đình, thường xuyên đi làm ăn xa không có nhiều thời gian học tập; tỷ lệ học viên là nữ và người dân tộc thiểu số mù chữ khá cao lại đang sinh sống tại các thôn, bản vùng sâu, vùng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác điều tra và vận động học viên đi học. Đội ngũ giáo viên làm công tác phổ cập giáo dục chủ yếu là kiêm nhiệm, không ổn định; một số giáo viên chuyển vùng hoặc xin thôi việc ảnh hưởng đến chất lượng phổ cập giáo dục nói chung và xóa mù chữ nói riêng. Một số giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, hạn chế về phương pháp trong việc dạy học cho đối tượng người lớn. Về kinh phí thực hiện nội dung bồi dưỡng, tập huấn, truyền thông, tuyên truyền theo Chương trình XMC quy định tại Thông tư số 33/2021 của Bộ GD&ĐT chưa được đảm bảo... Việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác điều tra, quản lý các đối tượng học viên khó khăn do phần mềm phổ dục giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thường bị lỗi, đường truyền chậm nên chưa cập nhật lên phần mềm kịp thời hoặc đã cập nhật xong lại bị mất thông tin; số liệu cập nhật giữa các biểu số liệu chưa đảm bảo tính chính xác.

Để công tác XMC và giáo dục TTSKBC đạt hiệu quả, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục và các địa phương tăng cường công tác thanh tra kiểm tra để kịp thời tháo gỡ bất cập ở cơ sở; thực hiện đầy đủ và kịp thời chính sách, pháp luật hiện hành về công tác XMC và GDTTSBC. Rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với điều kiện của địa phương. Chú trọng đến các điều kiện dạy học XMC và chất lượng dạy học XMC và GDTTSBC; kiên quyết không nghiệm thu đối với các lớp và học viên không đạt yêu cầu chất lượng. Thực hiện tốt công tác điều tra, thống kê phổ cập giáo dục và xóa mù chữ đảm bảo không để sót đối tượng, nhất là các trường hợp từ nơi khác đến sinh sống, cư trú tại địa phương, đồng thời bố trí đủ, kịp thời nguồn kinh phí thực hiện Chương trình XMC và GDTTSBC theo quy định pháp luật hiện hành.

 Lưu Thị Hiên

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập