image banner
Lào Cai triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển sự nghiệp giáo dục
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chương trình hành động, Đề án về đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2025. Thực hiện các Nghị quyết, Chương trình, Đề án của Trung ương, của tỉnh, HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện kinh tế -xã hội và thực tiễn giáo dục Lào Cai, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

 Tính đến hết tháng 7/2023, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, trong đó quy định nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho học sinh, giáo viên, nhân viên trường học. Bên cạnh những cơ chế chính sách được ban hành theo quy định của Bộ ngành Trung ương, căn cứ vào thực tiễn địa phương, HĐND tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù điển hình như Nghị quyết số 29/2020/NQ-HĐND về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sự nghiệp GD&ĐT giai đoạn 2021-2025 như: Chính sách hỗ trợ cho học sinh THPT chuyên là con hộ nghèo, cận nghèo; học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ; học sinh có bố mẹ hộ khẩu thường trú tại các thôn, xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ điện nước cho học sinh ở ký túc xá; chính sách hỗ trợ học sinh giỏi; chính sách đối với giáo viên dạy môn chuyên, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi; chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ nhà trẻ từ 24 đến 36 tháng; hỗ trợ giáo viên trực tiếp quản lý học sinh bán trú và hỗ trợ cấp dưỡng nấu ăn cho học sinh bán trú; hỗ trợ học phẩm, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương cho học sinh phổ thông ở các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn và nhiều chính sách khác.

anh tin bai

Phong trào thể thao của học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Lào Cai

Qua khảo sát, giám sát cho thấy các chính sách đặc thù của tỉnh được ban hành trên cơ sở rà soát, điều chỉnh, bổ sung, phù hợp với thực tiễn; hợp với lòng dân, thực sự đi vào cuộc sống và đang được triển khai thực hiện có hiệu quả; chính sách đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng về giáo dục, đặc biệt là ở vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; triển khai, thực hiện chính sách có sự rà soát, điều chỉnh kịp thời nên không có sự trùng chéo với chính sách hỗ trợ của Trung ương, từ đó tạo động lực mạnh để phát triển giáo dục. Cùng với chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương, việc triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cơ chế, chính sách đã hỗ trợ trên 135 ngàn học sinh, chiếm 67% tổng số học sinh vùng cao, con hộ nghèo có điều kiện để học tập tốt hơn; học sinh bán trú cơ bản được ăn, ở, chăm sóc tại trường; đủ sách, bút, vở, đồ dùng học tập. Hiệu quả từ các chính sách của HĐND tỉnh đã mang lại cho ngành giáo dục diện mạo mới, chất lượng giáo dục được nâng lên; phát triển mạng lưới trường lớp học, quy mô giáo dục phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Các chính sách đặc thù của tỉnh đã giúp cho học sinh vùng cao, học sinh con hộ nghèo có điều kiện học tập tốt hơn; gia đình các em giảm bớt khó khăn; cấp ủy chính quyền địa phương và nhân dân phấn khởi tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, hạn chế bỏ học ở vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.

 Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách phát triển sự nghiệp giáo dục tỉnh Lào Cai còn không ít khó khăn, vướng mắc như: Lào Cai là tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nguồn lực đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo đổi mới giáo dục; còn số ít cán bộ quản lý, giáo viên ngại đổi mới. Thiếu giáo viên một số môn học chuyên biệt, môn học tích hợp, môn học tự chọn; còn học sinh tiểu học chưa được học môn tin học, ngoại ngữ; học sinh THPT chưa học một số môn học mới thực hiện chương trình GDPT 2018. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy học chưa đồng bộ; chất lượng giáo dục ở một số xã vùng cao chậm chuyển biến; còn học sinh người dân tộc thiểu số hạn chế về tiếng Việt. Cơ sở vật chất còn nhiều bất cập, thiếu phòng học bộ môn, thiếu phòng học tin học, ngoại ngữ đạt chuẩn; diện tích nhiều trường chật hẹp, thiếu công trình thể dục thể thao...Một số chính sách của Trung ương chưa theo kịp thực tiễn giáo dục vùng cao  như các trường Tiểu học, THCS, THPT ở các xã khu vực II, xã khu vực II chuẩn nông thôn mới có số lượng học sinh ăn ở tại trường rất đông (từ 500 đến 600 học sinh), nhiều trường có học sinh bán trú từ lớp 1 trong khi học sinh còn bé chưa có nhiều kỹ năng chăm sóc bản thân, sinh hoạt hàng ngày các thầy cô phải thực hiện nhiệm vụ quản lý 24/24h trong ngày nhưng chưa có chế độ phụ cấp quản lý bán trú, chưa có chế độ hỗ trợ thêm cho giáo viên thực hiện nhiệm vụ quản lý học sinh bán trú trong khi tỉnh Lào Cai khó đảm bảo nguồn lực để ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ tại địa phương. Mặc dù tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cao, nhưng, năng lực ứng dụng những phương pháp dạy học và giáo dục mới, năng lực thực hiện các phương pháp kiểm tra đánh giá mới, năng lực ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin còn khó khăn. Cơ cấu đội ngũ  giáo viên khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đôi khi mất cân đối tạo ra sự thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhất là ở vùng cao còn khó khăn; hệ thống quản lý, quản trị, kết nối, khai thác dữ liệu ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành, dạy học chưa đồng bộ; một số nơi hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị kết nối còn thiếu, đặc biệt ở các vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn,

 Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách về lĩnh vực GD&ĐT trong thời gian tới rất cần các cấp các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức sâu sắc cho nhân dân, cha mẹ học sinh, học sinh tiếp tục nâng cao trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục, phát triển kinh tế, xã hội; đổi mới công tác quản lý trong giáo dục và quản trị nhà trường, coi trọng quản lý chất lượng, hiệu quả quản trị nhà trường, gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản trị nhân sự và tài chính; thực hiện đầy đủ, kịp thời, phát huy hiệu quả các chính sách hiện hành; rà soát để tham mưu cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế chính sách đảm bảo phù hợp với thực tiễn giáo dục vùng cao, thực hiện đổi mới giáo dục. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cộng đồng, giám sát của nhân dân, cha mẹ học sinh về thực hiện chế độ chính sách cho học sinh và giáo viên, Nghị quyết của HĐND tỉnh. Giữ vững và duy trì kỷ cương, trật tự, nề nếp trong giáo dục, đồng thời phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục như dạy thêm học thêm tràn lan, vi phạm đạo đức lối sống trong đội ngũ giáo viên, học sinh; làm tốt công tác thi đua khen thưởng tạo động lực tốt cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cũng như học sinh tích cực thi đua dạy tốt, học tốt.

Lưu Thị Hiên

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập