Đại biểu Lê Thu Hà phát biểu tại Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp
10/05/2025
Chiều ngày 10/5/2025, đại biểu Lê Thu Hà đã tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận Tổ 13 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Đây là một bước rất quan trọng để hoàn thiện pháp luật, thể hiện tinh thần quyết liệt trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Để hoàn thiện dự thảo, đại biểu Lê Thu Hà đề nghị một số nội dung: Về quy định liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp - là một điểm mới rất quan trọng, thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong phòng chống rửa tiền cũng như minh bạch hóa sở hữu doanh nghiệp. Việc bổ sung khái niệm "chủ sở hữu hưởng lợi" không chỉ là yêu cầu của thực tiễn mà còn là nghĩa vụ của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong thực hiện các khuyến nghị của nhóm hành động về tài chính. Mục tiêu của quy định này để bảo vệ môi trường kinh doanh công bằng và lành mạnh. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn đồng bộ với thời điểm luật có hiệu lực, để bảo đảm tính thống nhất với Luật Phòng chống rửa tiền và không phát sinh thêm về thủ tục hành chính.
Đại biểu Lê Thu Hà phát biểu tại Tổ 13
Về cải cách thủ tục gia nhập thị trường và ứng dụng định danh cá nhân, đề xuất trong dự thảo luật về việc sử dụng mã định danh cá nhân thay cho nhiều giấy tờ truyền thống trong đăng ký doanh nghiệp. Đây là bước tiến rất đáng ghi nhận trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia và là một phần thiết yếu để giảm thiểu chi phí hành chính, phòng ngừa tiêu cực và chống thành lập doanh nghiệp ma. Đề nghị Chính phủ xác định đây là một chương trình ưu tiên trong chuyển đổi số quốc gia có lộ trình cụ thể, có chế tài yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải phối hợp, chia sẻ và đồng bộ hóa dữ liệu.
Về vấn đề viên chức tham gia góp vốn và làm việc tại doanh nghiệp, hướng chỉnh lý của dự thảo luật là phù hợp, tuy nhiên đại biểu đề nghị quy định xúc tích, rõ ràng hơn để tránh chồng chéo với các đạo luật chuyên ngành như Luật Viên chức hay Luật Khoa học và Công nghệ.
Đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục rà soát toàn diện Luật Doanh nghiệp không chỉ ở một vài điều khoản sửa đổi lần này mà cần hướng tới tầm nhìn cải cách tổng thể nhất là những vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp, hậu kiểm, minh bạch hóa thông tin và giảm thiểu tình trạng vốn ảo, vốn khống, gây bất ổn cho môi trường kinh doanh và cần tích hợp những văn bản, tinh thần chỉ thị mới như thể chế hóa Nghị quyết 68 về phát triển doanh nghiệp tư nhân trong Luật Doanh nghiệp lần này…
Tuấn Anh